Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 17/12/2024 11:21 (GMT +7)
Lộ trình mới của cảng biển Quảng Ninh
Thứ 6, 15/03/2019 | 17:10:50 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện đang sở hữu khá nhiều ưu thế nổi trội để phát triển cảng biển. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, lợi thế về cảng biển của tỉnh chưa được khai thác xứng tầm với những gì đang có, sức cạnh tranh còn yếu. Trong định hướng phát triển, kinh tế biển được xác định đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của địa phương, vì thế Quảng Ninh đang gấp rút xây dựng lộ trình mới cho phát triển cảng biển.
Cảng Cái Lân được đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ với 4 cầu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container. |
Cấp thiết phải đổi mới
Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng, được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại thuộc nhóm I (Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg), là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển KT-XH của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế...
Nổi bật, Cụm cảng nước sâu Hòn Gai - Cái Lân nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh; Cảng Cẩm Phả là cảng chuyên dùng của ngành Than và các bến tổng hợp, container, phục vụ chủ yếu cho công nghiệp khai thác than và một số cơ sở công nghiệp tập trung khác; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long nằm trong vịnh là cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên trong cả nước được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng cảng biển của Quảng Ninh hiện mới chỉ khai thác được trên 50% khả năng, 6 cụm cảng nhưng mới chỉ có 4 cụm hoạt động, song sức cạnh tranh còn yếu. Nguyên nhân là do hạ tầng giao thông thời gian qua được đầu tư mạnh mẽ, sở hữu đến 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) nhưng việc kết nối chưa hoàn chỉnh; hệ thống đường sắt phục vụ vận tải chính cho cảng biển nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc vẫn còn dang dở, khổ đường không phù hợp...
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh kém, do cảng biển Quảng Ninh dù đang khai thác phát triển 11 loại dịch vụ, tuy nhiên logistics mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số dịch vụ đơn giản. Trong khi, các dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao như lặn ngầm khảo sát thân vỏ và siêu âm kiểm tra hàng hóa thay vì phải mở khóa niêm phong container... đều phải nhờ vào dịch vụ từ nơi khác. Các đơn vị vận hành cảng ít đổi mới, công tác quảng bá thương hiệu còn yếu và thiếu. Điều này dẫn đến các hãng tàu và chủ hàng nước ngoài chưa biết nhiều về hệ thống cảng biển của Quảng Ninh.
Trước thực trạng trên, với quyết tâm đổi mới, phát huy tối đa lợi thế về cảng biển, Quảng Ninh đã định vị lại những tiềm năng, cơ hội, xây dựng đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khu vực Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên) sẽ là trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực miền Bắc. |
Phát triển rõ tính chất đặc thù
Với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát triển chất lượng dịch vụ cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường biển của khu vực miền Bắc, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển theo chiều sâu... Quảng Ninh đang tích cực xây dựng kế hoạch phát triển theo hướng dài hơi. Trong đó nhấn mạnh phát triển cảng biển Quảng Ninh phải rõ tính chất đặc thù, bám sát chủ trương, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng nhanh, đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế gắn với các KKT, KCN; tập trung nguồn lực đầu tư các bến cảng tại khu vực tiềm năng; ưu tiên hình thành chuỗi dịch vụ cảng biển gắn liền với hoạt động kinh tế, giao lưu thương mại quốc tế, phát triển tối thiểu 15/20 dịch vụ. Đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 161,5 triệu tấn, hành khách đạt 500.000 lượt, tỷ trọng đóng góp từ dịch vụ cảng đối với giá trị tăng thêm trong GRDP của tỉnh từ 1,6-2,2%.
Đến năm 2045, định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ, phát triển hậu cần sau cảng và logistics theo quy hoạch. Trong đó, tập trung khai thác tối đa quy hoạch khu bến Yên Hưng (Đầm Nhà Mạc), TX Quảng Yên, biến nơi đây thành trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực miền Bắc, mang đặc thù là nơi cung cấp các dịch vụ logistics cho hệ thống các cảng của TP Hải Phòng.
Để làm được điều đó, giai đoạn hiện tại do đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc. Vì thế Quảng Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển 5 dịch vụ cảng biển thế mạnh (sửa chữa đóng mới tàu biển, cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa, cung ứng tàu biển, lai dắt); xây dựng phương án thu phí hạ tầng cảng biển theo hướng ưu đãi; tiếp tục thu hút đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở gắn với cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế, mở thêm các tuyến vận tải hàng hóa, liên kết dịch vụ vận tải đa phương thức...
Trong quá trình thực hiện, Quảng Ninh cần xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển, khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề tham gia hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng những lợi thế cạnh tranh.
Với tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện cơ sở được xác định rõ, tương lai gần, cảng biển của Quảng Ninh sẽ sớm giải quyết được những khó khăn, thực hiện mục tiêu từng bước đưa kinh tế hàng hải là mũi nhọn trong các lĩnh vực kinh tế biển.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()