Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Loại nấm thường được nhúng lẩu vừa giúp tăng cường miễn dịch lại tốt cho tim mạch
Thứ 2, 28/08/2023 | 23:50:25 [GMT +7] A A
Nấm kim châm là nguồn cung cấp chất xơ và protein dồi dào, đồng thời chứa chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại. Nếu bạn đang tìm cách bổ sung thêm nấm vào chế độ ăn uống của mình thì nấm kim châm là một lựa chọn tuyệt vời.
1. Giá trị dinh dưỡng của nấm kim châm
Theo Foodthesis, 100g nấm kim châm cung cấp:
- Chất đạm: 2,66g
- Tổng lipid (Chất béo): 0,29g
- Carbohydrate: 7,81g
- Chất xơ: 2,7g
- Đường: 0,22g
- Sắt: 1,15 mg
- Magiê: 16 mg
- Phốt pho: 105 mg
- Kali: 359 mg
- Natri: 3 mg
- Kẽm: 0,65 mg
- Folate: 48 µg
- Niacin: 7,03 mg
- Riboflavin: 0,20 mg
- Axit pantothenic: 1,49 mg
- Thiamin: 0,22 mg
- Vitamin B-6: 0,10 mg
- Vitamin D: 5IU
- Vitamin E: 0,01mg
2. Lợi ích của nấm kim châm đối với sức khoẻ
Nấm kim châm đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, nhưng một số lợi ích đáng chú ý nhất là khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường khả năng miễn dịch và phòng chống ung thư.
2.1. Tăng cường hệ miễn dịch
Nấm kim châm là một nguồn polysacarit phong phú giúp tăng cường cấu trúc và chức năng của tuyến ức và lá lách. Điều này rất quan trọng đối với sự kích hoạt và trưởng thành của tế bào lympho T- bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch.
Hơn nữa, oligosacarit của nấm kim châm hoạt động như một tác nhân điều hòa miễn dịch tiềm năng, hoạt động như prebiotic nên có thể kích thích hệ thống miễn dịch, giúp cải thiện khả năng chống lại bệnh tật và nhiễm trùng của cơ thể.
2.2. Cân bằng lượng đường trong máu
Một trong những lợi ích của nấm kim châm không thể không kể tới đó là cân bằng lượng đường trong máu vì loại nấm này có hàm lượng chất xơ tương đối cao.
Cơ thể con người không thể hấp thụ và phân hủy chất xơ. Do đó, chất xơ không làm tăng lượng đường trong máu như các loại carbohydrate khác. Điều này có thể giúp giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức ổn định.
2.3. Tốt cho hệ tiêu hoá
Như đã đề cập, trong 100g nấm kim châm có chứa 2,7g chất xơ. Chất xơ không chỉ tốt cho tim mạch, cân bằng lượng đường trong máu,... mà còn giúp nhu động ruột hoạt động trơn tru, từ đó ngăn ngừa tình trạng táo bón cũng như các vấn đề tiêu hoá khác.
2.4. Phòng ngừa ung thư
Lợi ích đáng chú ý của nấm kim châm là có thể phòng ngừa ung thư nhờ có nhiều chất chống oxy hoá, bảo vệ tế bào khỏi những hư hại từ gốc tự do. Flammulinol, flammulinolides và polysacarit được tìm thấy trong nấm kim châm giúp kích hoạt sự hoạt động thực bào của đại thực bào, đồng thời ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể.
Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy nấm kim châm có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học giúp chống ung thư. Chiết xuất nấm kim châm còn có chứa phenol như axit protocatechuic, p-coumaric và axit ellagic - chúng có tác dụng chống oxy hóa giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
2.5. Có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn
Nấm kim châm chứa protein điều hòa miễn dịch hoạt động như một chất chống viêm và ức chế viêm hen suyễn do mạt bụi nhà gây ra và có vai trò điều trị các bệnh đường hô hấp như dị ứng.
Ngoài ra, nấm kim châm là một nguồn giàu phenolic, flavonoid và Sesquiterpenoid (terpenoid) chịu trách nhiệm bảo vệ chống lại các vi khuẩn khác nhau như Escherichia coli, Bacillus subtilis và Staphylococcus aureus.
2.6. Bảo vệ sức khoẻ tim mạch
Các phenol và polyphenol trong nấm kim châm có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm. Các hợp chất này có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol xấu và sự hình thành tắc nghẽn trong động mạch.
Nấm kim châm cũng rất giàu chất xơ, chất béo tốt như axit linoleic và các hợp chất như lovastatin và axit gamma-aminobutyric. Những chất này làm giảm mức cholesterol và huyết áp cũng như ngăn ngừa viêm nhiễm, ngăn ngừa tình trạng như huyết khối (cục máu đông trong tĩnh mạch) và xơ vữa động mạch.
Hơn nữa, hàm lượng kali cao và natri thấp trong nấm kim châm có thể hữu ích trong việc hạ huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ ở những người bị tăng huyết áp.
2.7. Cải thiện chức năng của não
Tác dụng chống oxy hóa của phenol và polysacarit trong nấm kim châm bảo vệ tế bào não khỏi bị hư hại và cải thiện chức năng não, phòng ngừa các bệnh thoái hóa như bệnh Alzheimer.
3. Một số lưu ý khi ăn nấm kim châm
Nấm kim châm được biệt có nhiều lợi ích đối. Tuy nhiên, loại nấm này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Nấm kim châm có thể làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân: Một nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ nấm kim châm làm tăng hoạt động của creatine kinase trong huyết tương, có hại cho cả cơ xương và cơ tim. Do đó, mọi người nên ăn nấm kim châm với lượng vừa đủ, những người có bệnh lý mãn tính nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng sau khi ăn nấm kim châm. Một số triệu chứng dị ứng như nổi mẩn ngứa toàn thân, ngứa miệng, nổi mề đay, sưng môi, lưỡi, họng,...
- Ngộ độc: Nếu ăn phải nấm kim châm hết hạn hoặc có chứa chất hoá học thì người ăn có thể bị ngộ độc.
4. Hướng dẫn cách chọn mua nấm không chứa hoá chất
Trên thị trường có rất nhiều loại nấm kim châm được bày bán. Tuy nhiên, nhiều nơi bán những sản phẩm không đảm bảo chất lượng như có chứa axit citric công nghiệp, hết hạn sử dụng,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người dùng.
Để lựa chọn nấm kim châm đảm bảo chất lượng, mọi người có thể dựa vào một số yếu tố sau:
- Chọn mua nấm ở những cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hạn sử dụng
- Chọn mua nấm nhìn tươi, không bị dập nát, gốc nấm không bị tách hoặc bở ra, nhất là nấm không có xuất hiện nước nhờn.
- Không nên mua nấm quá trắng vì có nguy cơ bị tẩy trắng
- Chỉ nên sử dụng nấm kim châm từ 1-3 ngày sau khi mua về và cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 1-5 độ C.
Trên đây là những lợi ích của nấm kim châm cũng như những lưu ý khi bổ sung loại nấm này. Ngoài sử dụng để nhúng lẩu, mọi người có thể chế biến nấm thành nhiều món ăn khác như nấm xào, nấu canh,...
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()