"Tôi rất sốc khi nghe thông tin về vụ tấn công hèn hạ nhắm vào Thủ tướng Slovakia Fico. Bạo lực không thể tồn tại trong chính trị châu Âu", Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15/5 phát biểu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, chính trị gia châu Âu có lập trường tương đồng với Thủ tướng Fico, cũng bày tỏ giận dữ về "vụ tấn công hiểm độc nhắm vào người bạn", còn Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đang trên đường sang thăm Trung Quốc đã gửi lời chúc ông Fico sớm bình phục.
Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu của Liên minh châu Âu (EU), lên án vụ ám sát là "đòn tấn công hiểm ác" không chỉ nhắm vào cá nhân Thủ tướng Robert Fico mà còn đe dọa thiết chế dân chủ tại châu Âu.
"Những hành động bạo lực này không thể được xã hội dung thứ, không thể tiếp tục làm suy yếu nền dân chủ mà chúng ta quý trọng nhất. Tôi cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với Thủ tướng Fico và gia đình ông", bà Ursula von der Leyen bình luận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi vụ ám sát hụt lãnh đạo Slovakia là "hành động bạo lực kinh hoàng". Ông cho biết đại sứ quán Mỹ tại Bratislava đang "liên lạc sát sao với chính phủ Slovakia và sẵn sàng hỗ trợ" nếu nước sở tại yêu cầu.
Thủ tướng Fico bị nghi phạm 71 tuổi bắn ngày 15/5, khi rời khỏi Nhà Văn hóa Handlova để bắt tay đám đông đang chào đón ông. Giới chức Slovakia cho biết một viên đạn đã xuyên qua bụng Thủ tướng Fico và viên thứ hai bắn trúng khớp. Ông được chuyển khẩn cấp đến bệnh viện cấp cứu, phẫu thuật và đã qua cơn nguy kịch.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj Estok, cơ quan điều tra đang đặt nghi vấn vụ tấn công "có động cơ chính trị". Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nội vụ kêu gọi các chính trị gia đảng cầm quyền kiềm chế và không đẩy căng thẳng chính trị leo thang, sau khi một số thành viên đảng cáo buộc phe đối lập đứng sau vụ ám sát.
Tổng thống Zuzana Caputova và người sắp kế nhiệm là ông Peter Pellegrini đều lên án vụ ám sát là mối đe dọa chưa từng có tiền lệ nhắm vào nền dân chủ Slovakia.
"Nếu chúng ta chọn thể hiện lập trường chính trị bằng súng đạn trên đường phố thay vì phiếu bầu, bao công sức xây dựng Slovakia suốt 31 năm độc lập sẽ bị hủy hoại", ông Pellegrini bình luận.
Chính trường châu Âu đang đối diện làn sóng bạo lực nghiêm trọng nhắm vào các chính trị gia, trước thềm bầu cử đại biểu trong Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Đức, Tây Ban Nha và Ireland đã ghi nhận nhiều vụ tấn công nhắm vào các chính trị gia mang lập trường cánh hữu lẫn cánh tả. Ủy ban châu Âu đã bày tỏ lo ngại bạo lực dần trở nên phổ biến trong đời sống chính trị khu vực.
Renew, nhóm chính trị Anh theo trường phái trung dung trong Nghị viện châu Âu, bài tỏ lo ngại tình trạng "phân cực ngày một nghiêm trọng trong nền chính trị khu vực đang được tiếp sức bởi các tư tưởng cực đoan cánh hữu lẫn cánh tả".
"Bầu không khí chính trị chia rẽ nghiêm trọng đang tạo ra môi trường cổ xúy sử dụng bạo lực thường xuyên hơn, thúc đẩy bởi những cá nhân muốn gây rối loạn và áp đảo đối phương thay vì đối thoại và tranh luận", Renew bày tỏ lo ngại.
Ý kiến ()