Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến đến cuối tháng 4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án với bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức không hạn chế rút; lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Hai là vẫn giải quyết cho lao động rút, nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để lao động hưởng chế độ khi đủ tuổi hưu.
Ngoài ra, Điều 71 dự thảo quy định lao động nếu hưởng BHXH một lần sau thời điểm luật này có hiệu lực (dự kiến 1/1/2025) thì phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu.
Phương án hai là một trong những rào cản ngăn lao động rút BHXH một lần. Ví dụ lao động đóng 10 năm BHXH mà rút một lần thì còn 5 năm bảo lưu trong quỹ. Nếu sau này họ đi làm và quay trở lại hệ thống thì phải tích lũy thêm 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Mục tiêu của phương án là giảm tối đa tình trạng rút một lần, đảm bảo an sinh cho lao động khi về già.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, đánh giá mục tiêu trên khó thực hiện bởi phần lớn lao động tham gia BHXH là người di cư từ nông thôn ra thành thị, vẫn coi đầu tư cho con cái học hành để sau này nương tựa quan trọng hơn lương hưu. Họ xem tiền đóng BHXH như khoản tiết kiệm, đi làm vài năm rồi rút ra làm ăn, xử lý việc lớn trong nhà.
Một bộ phận lại xem đóng BHXH như dạng thức chơi hụi, đi làm đóng một thời gian rồi rút ra, sau đó đóng tiếp quay vòng thứ hai để rồi có thể lại rút mà không quan tâm lương hưu. Vậy nên khi cơ quan quản lý tìm giải pháp giữ chân lao động ở lại hệ thống thì họ vội vàng rút BHXH vì sợ mất khoản tiết kiệm.
Bà Phạm Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn, nhận định dù chốt phương án nào thì tình trạng rút BHXH một lần vẫn có thể gia tăng. Nếu siết hưởng 50% tổng thời gian đóng, lao động có thể không phản ứng thẳng thừng, mạnh mẽ, nhưng bằng cách khác vào một lúc khác. Thậm chí nếu hạ năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm mới được hưởng lương hưu như dự thảo, tuổi nghề và tuổi hưu ngày càng cách xa, có thể thúc đẩy quá trình rút diễn ra nhanh hơn.
Nhìn từ góc độ khác, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho rằng chính sách bảo lưu nhằm khuyến khích lao động rút BHXH một lần quay lại với hệ thống. Tỷ lệ và mức hưởng lương hưu sau này có thể thấp do thời gian tham gia thấp, song mỗi năm nhà nước điều chỉnh tăng dần còn hơn không có. Người lao động cũng cần chấp nhận vì đã rút một khoản tiền để tiêu trước đó.
Theo ông Mến, nếu không sớm giải quyết bài toán BHXH một lần thì sau này trợ cấp xã hội cho người già không có lương hưu sẽ càng nan giải, lâu dài có thể khiến thế hệ tiếp theo thành "bánh mì kẹp" khi phải vừa đi làm vừa lo cho cha mẹ không có lương hưu. Với người con cháu không có khả năng chăm lo, ngân sách nhà nước phải trợ cấp và khoản này khó mà cao hơn lương hưu.
Ý kiến ()