Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:57 (GMT +7)
Lợi ích kép từ việc tận dụng đất đá thải mỏ
Thứ 6, 25/06/2021 | 07:50:41 [GMT +7] A A
Quảng Ninh những năm qua và hiện nay đang là địa bàn phát triển sôi động, đột phá ở khu vực phía Bắc cũng như trong toàn quốc, với rất nhiều công trình, dự án có quy mô lớn được triển khai. Do vậy nhu cầu về đất đá phục vụ cho công tác san lấp, tạo mặt bằng xây dựng là rất lớn.
Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2020-2025, dự kiến nhu cầu đất, đá, cát phục vụ cho san lấp mặt bằng trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 100 triệu m3/năm. Đặc biệt, ở khu vực phía Tây của tỉnh, nhu cầu sử dụng đất, cát để san lấp sẽ rất lớn để triển khai các dự án trọng điểm, động lực như Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc và nhiều dự án khác tại TP Hạ Long.
Thực tế thời gian qua cho thấy, để đáp ứng nguồn đất, cát phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng của các dự án trên địa bàn tỉnh luôn là bài toán khó cho các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có dự án triển khai cũng như các chủ đầu tư. Nhiều trường hợp do khó khăn về nguồn đất, cát san lấp mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án theo kế hoạch.
Trong khi đó, Quảng Ninh có một nguồn đất đá rất dồi dào thải ra từ quá trình khai thác của các mỏ thuộc ngành Than. Theo tính toán, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam quản lý (chủ yếu nằm trên địa bàn Quảng Ninh) khoảng 1.210 triệu m3, với lượng đất đá thải phát sinh hằng năm khoảng 150 triệu m3. Bên cạnh đó, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý cũng vào khoảng 268 triệu tấn.
Có thể nói đây là nguồn đất đá vô cùng lớn có thể tận dụng vào việc san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình triển khai trên địa bàn tỉnh. Nếu thực hiện tốt và hiệu quả nguồn đất đá thải mỏ này sẽ tạo ra lợi ích kép. Trước hết là đáp ứng được nhu cầu đất đá cho việc san lấp mặt bằng của các dự án, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai nhanh các công trình. Cùng với đó, ngành Than sẽ giải quyết được bài toán các khu vực đổ thải đã và đang quá tải, các bãi thải có độ cao quá lớn, dễ sạt lở xuống các khu dân cư phía dưới, giảm được chi phí vận chuyển khi phải đổ thải xa. Và một điều quan trọng nữa là sẽ hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các bãi thải đến môi trường sống ở các khu vực xung quanh bãi thải.
Với ý nghĩa và những tác dụng đó, từ cuối năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với ngành Than để rà soát, tận thu các nguồn vật liệu đất đá thải trong quá trình khai thác than. Để từ đó chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho việc san lấp mặt bằng, triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, đồng thời hạn chế tác động đến môi trường khu vực.
Quan điểm của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cũng thống nhất và ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Trên cơ sở tính toán hợp lý phương án đường vận chuyển, khu vực bến, cảng xuất đất đá thải bằng sử dụng đường nội mỏ, các cảng chuyên dụng...
Theo ước tính, hằng năm ngành Than bóc xúc, vận chuyển, đổ thải hàng triệu m3 đất đá tại các mỏ và lượng đất đá ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ phải khai thác xuống sâu, mở rộng khai trường và tăng hệ số bóc đất đá. Trong khi đó, để đảm bảo môi trường, phát triển bền vững, giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển du lịch, dịch vụ với công nghiệp khai khoáng, nâng cao chất lượng môi trường sống, và phục vụ tốt cho triển khai các dự án động lực, trọng điểm, tỉnh rất cần nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng cho các công trình, khi mà nguồn vật liệu cho mục đích này ngày càng khan hiếm. Thực hiện tốt điều này đồng nghĩa với việc tỉnh và ngành Than đã hướng đến xu hướng kinh tế tuần hoàn đang được coi trọng phát triển hiện nay...
Để sớm hiện thực hóa chủ trương tận dụng đất đá thải mỏ cho việc san lấp mặt bằng, ngày 23/6 vừa qua, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra hoạt động tại các khu vực bãi thải mỏ Bàng Nâu (TP Cẩm Phả). Hiện, trên địa bàn tỉnh có 6 bãi thải mỏ lớn đang hoạt động với tổng trữ lượng đất đá thải mỏ thải ra mỗi năm là trên 150 triệu m3. Riêng bãi thải mỏ Bàng Nâu có diện tích trên 435 ha, trung bình mỗi năm sản lượng đổ thải tại bãi thải này là khoảng 40 triệu m3.
Thực tế hiện nay, các bãi thải mỏ đã được đầu tư hệ thống phun sương dập bụi, kè chắn đất đá, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, áp lực lớn tới môi trường, trong đó có chi phí bảo vệ môi trường của các đơn vị ngành Than. Trong khi đó, trước nhu cầu phát triển của tỉnh, mỗi năm Quảng Ninh cần từ 100-150 triệu m3 đất đá để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có trên 700 ngàn m3 đất đá thải của Công ty CP Than Núi Béo được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác phục vụ dự án đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả.
Do vậy, nhằm đẩy mạnh việc sử dụng đất đá thải phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và TKV nghiên cứu, xác định giá vật liệu đất đá thải mỏ tại một số vị trí phù hợp để các nhà đầu tư lựa chọn. Đồng thời nhấn mạnh, việc sử dụng đất đá thải mỏ là yêu cầu bức thiết của Quảng Ninh hiện nay, giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm áp lực, hạ độ cao cho các bãi thải mỏ, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, an toàn cho khu vực dân cư xung quanh...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()