Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 04:24 (GMT +7)
Đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân
Thứ 5, 27/01/2022 | 08:23:23 [GMT +7] A A
Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ hiện nay. Trong điều kiện giãn cách, dịch vụ công trực tuyến giúp giải quyết các TTHC thông suốt, giảm chi phí, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đây cũng là một giải pháp quan trọng giúp tỉnh Quảng Ninh vượt "bão Covid-19", hoàn thành "mục tiêu kép” năm 2021, tăng trưởng 2 con số.
Nhanh chóng kết nối chính quyền và người dân
Cải cách hành chính được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng chính quyền điện tử, trong đó, tập trung ứng dụng CNTT vào công tác cải cách hành chính, trọng tâm là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết các TTHC nhanh, chính xác và tiện lợi nhất.
Quảng Ninh thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại 13 sở, ngành và 3 địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên) từ ngày 1/7/2016. Đến nay, 100% sở, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (người dân chỉ cần đến trung tâm hành chính công hoặc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã một lần để thanh toán và nhận kết quả); đang tiếp tục triển khai dịch vụ công mức độ 4 (trả kết quả trực tuyến, gửi qua đường bưu điện đến người sử dụng).
Theo bà Lê Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Cổng dịch vụ công của tỉnh hiện cung cấp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp 1.647 TTHC; trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 285 thủ tục, mức độ 4 là 1.086 thủ tục. Những năm qua, dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn và tiết kiệm; đồng thời, góp phần công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tiếp cận, thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến “phi” thời gian, địa giới hành chính; tăng cường giám sát, đánh giá; kỷ luật, kỷ cương; hạn chế, phòng chống tiêu cực.
Để đảm bảo gia tăng số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến, công tác tuyên truyền về hoạt động của trung tâm hành chính công các cấp được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trên cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã xây dựng các video clip hướng dẫn công dân thực hiện TTHC và đăng tải trên các trang mạng xã hội, tiến tới hình thành kho dữ liệu video clip về giải quyết TTHC để tổ chức, công dân tra cứu.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Cổng thông tin điện tử của Trung tâm đã xuất bản 155 tin, bài, với 270-300 lượt truy cập/ngày; Facebook của Trung tâm xuất bản 106 tin, bài với hàng ngàn lượt tương tác/tháng. Bên cạnh đó, Trung tâm đưa vào vận hành kênh thông tin trên mạng xã hội Zalo từ tháng 11/2021 với các tính năng hữu ích phục vụ tổ chức, công dân: Tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC; liên hệ, hỏi đáp trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của người dân. Thời gian tới Trung tâm sẽ triển khai tích hợp thanh toán điện tử, tích hợp dịch vụ bưu chính công ích để tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, công dân.
Ông Nghiêm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế Tùng Linh (TP Hạ Long), cho biết: Công ty hiện cung cấp dịch vụ cho hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên thực hiện các TTHC, như thay đổi giấy phép kinh doanh, ngành nghề và các nội dung khác liên quan đến thuế. Số lượng hồ sơ giao dịch khoảng 30-50 hồ sơ/tháng; thời gian trả kết quả luôn đúng hạn, trước hạn. Công ty đã thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến từ năm 2016 khi tỉnh thí điểm triển khai hình thức này. Tôi thực sự thấy rất tiện lợi và hài lòng, phương thức giải quyết TTHC tiến bộ và rất minh bạch, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cảm giác bộ máy quản lý nhà nước ngày càng gần gũi, hiệu quả hơn.
Bảo đảm thông suốt, hiệu quả
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng nhiều lĩnh vực, hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang được xem là phương thức hữu hiệu giúp người dân và cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC giảm bớt nỗi lo lây lan dịch bệnh.
Cũng theo bà Lê Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Trong các giai đoạn cao điểm về phòng, chống dịch Covid-19, trung tâm hành chính công các cấp đã tạm dừng hoạt động tiếp nhận hồ sơ trực tiếp để đảm bảo an toàn; đồng thời duy trì tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Vì vậy, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã tăng cao tại các thời điểm giãn cách. Một số địa phương chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số lĩnh vực (TP Hạ Long chỉ tiếp nhận hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai qua hình thức trực tuyến). Nhờ đó, năm 2021 tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến tăng cao so với năm 2020; đồng thời một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân đã dần hình thành thói quen, kỹ năng thực hiện giải quyết hồ sơ qua mạng.
Tất cả CB,CC,VC phụ trách việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương được tập huấn nâng cao kỹ năng xử lý hồ sơ trực tuyến, có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trả lời cho tổ chức, công dân trong vòng 8h (hành chính) kể từ khi tổ chức, công dân nộp hồ sơ.
Tại một số thời điểm giãn cách, các CB,CC,VC làm việc tại nhà thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến, đảm bảo không bị gián đoạn quy trình xử lý hồ sơ cho tổ chức, công dân; nhờ đó tỷ lệ hài lòng của tổ chức công dân luôn đạt trên 99%.
Chị Phạm Thị Tính (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) rất hài lòng với phương thức giải quyết TTHC trực tuyến. Thời gian qua, chị đã thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển trường cho con..., thể hiện rõ tính ưu việt, văn minh so với việc nộp hồ sơ trực tiếp trước đây. Trong giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19, chị vẫn thực hiện được các thủ tục một cách thuận lợi, thời gian trả kết quả đảm bảo đúng hạn.
Theo yêu cầu thực tiễn, từ tháng 10/2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai biên lai điện tử trong việc thu phí, lệ phí giải quyết TTHC, từng bước nhân rộng áp dụng trong toàn tỉnh. Đây là cơ sở để tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Trung tâm cũng đi đầu trong đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán điện tử qua các hình thức I-banking, POS, ví điện tử, đảm bảo hiệu quả, an toàn, chính xác. Trong năm 2021, Trung tâm đã thu trên 8,5 tỷ đồng phí, lệ phí giải quyết TTHC; trong đó, thu tiền mặt là trên 5,4 tỷ đồng, thu qua máy POS trên 252,4 triệu đồng, thu qua ecommer gần 1,5 tỷ đồng, thu qua chuyển khoản trên 1,3 tỷ đồng. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 35,7%.
Tính đến cuối năm 2021, có 30.511 hồ sơ trực tuyến đã tiếp nhận, giải quyết ở cấp tỉnh, đạt 53,5% so với số hồ sơ đã tiếp nhận. Các sở, ban, ngành có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cao là: Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở VH&TT, Sở TT&TT, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở TN&MT, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng.
Tại cấp huyện, có 381.909 hồ sơ trực tuyến đã tiếp nhận, giải quyết, đạt 44,2% so với số hồ sơ đã tiếp nhận. Các địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cao là: Đông Triều, Bình Liêu, Cô Tô, Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà.
Năm 2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác số hóa kết quả giải quyết TTHC, đảm bảo kết nối chia sẻ, kế thừa dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; đồng thời, khảo sát khối lượng kết quả giải quyết, đề xuất nhu cầu số hóa, lưu trữ kết quả giải quyết TTHC bản điện tử, gắn việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, trở thành động lực đồng hành với những phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực của tỉnh giai đoạn tới.
Hùng Sơn - Phương Loan
Liên kết website
Ý kiến ()