Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 04:34 (GMT +7)
Bình Phước 'Lợi kép' khi doanh nghiệp về nông thôn
Thứ 6, 02/02/2024 | 17:30:21 [GMT +7] A A
Bình Phước có 58 xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, Bình Phước đề ra mục tiêu đến năm 2025 tăng thu nhập bình quân của đồng bào DTTS và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 1,5-2%/năm. Vậy nên, công tác giải quyết việc làm hiệu quả sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo nêu trên.
Giải quyết việc làm tại chỗ
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất giò chả Phượng Thành ở huyện Bù Đốp tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập đã làm ở đây được 3 năm với công việc vừa sức và gần nhà, có thu nhập ổn định lo cho gia đình. Chị Lan chia sẻ: “Tôi được làm việc ở đây thực sự rất vui, bởi có nguồn thu ổn định. Hơn nữa, là lao động nữ muốn đi làm xa rất khó và cũng đã lớn tuổi nên có việc làm gần nhà rất thuận lợi, vừa góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Để góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là khu vực nông thôn, vấn đề giải quyết việc làm là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, việc phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương hoặc ưu tiên thu hút doanh nghiệp, cơ sở đầu tư nhiều hơn vào khu vực này, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở vùng nông thôn. “Cơ sở chúng tôi hoạt động ở địa phương rất thuận lợi trong tìm kiếm lao động. Công việc sản xuất giò chả đặc thù là làm từ sáng sớm nên có lao động gần nhà thì rất thuận tiện, công việc sẽ nhanh hơn” - chị Trần Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất giò chả Phượng Thành chia sẻ.
Xác định việc làm là nhân tố quan trọng trong nâng cao thu nhập và giảm nghèo, thời gian qua, các địa phương vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt hiệu quả không chỉ góp phần khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, mà qua đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Chị Thị Sứ ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cho biết: “Được tập huấn nghề đan lát và có các anh, chị em trong xã, ấp hỗ trợ, đến nay tôi đã thành thạo công việc. Tôi có thể đan những dụng cụ cần thiết cung cấp cho thị trường, có thu nhập giúp phát triển kinh tế gia đình”.
Thu hút lao động địa phương
Xác định hoạt động của các doanh nghiệp vùng nông thôn đóng góp rất lớn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động, phát triển. Chị Lê Thị Tươi, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng cho biết: “Khi doanh nghiệp sản xuất về nông thôn đã giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập. Công việc phù hợp với đại đa số lao động và không phải tốn tiền nhà trọ, xăng xe nên thu hút ngày càng nhiều người về nông thôn làm việc. Điều này cũng góp phần giảm áp lực dân cư cho các đô thị trung tâm”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Công ty TNHH Hạt điều Đồng Phú (huyện Bù Đăng) hoạt động khoảng 2 năm nay, thu hút nhiều lao động địa phương, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội một số xã khu vực Đồng Phú và Bù Đăng.
Giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân là bài toán không đơn giản đối với nhiều vùng nông thôn hiện nay. Do đó, cùng với việc quan tâm hỗ trợ, phát triển nhiều mô hình sản xuất, các địa phương đã và đang hướng đến đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp địa phương phát triển, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2024 lao động được giải quyết việc làm khoảng 43.000 người, tăng 4,88% so với năm 2023.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()