Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 23:42 (GMT +7)
Lòng tự trọng nghề nghiệp
Chủ nhật, 17/06/2012 | 07:01:18 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường thấy nói đến hiện tượng “đạo báo” với rất nhiều “kỹ xảo” khác nhau; có trường hợp “đạo” tinh vi bằng cách ăn cắp thông tin của người này, người khác, ở bài này, bài khác, trên báo này, báo khác, rồi “xào xáo” thành của mình; có trường hợp “đạo” trắng trợn hơn, cứ coppy nguyên vẹn bài viết của ai đó, chỉ thay tên tác giả bằng một bút danh X, Y, Z nào đó. Thậm chí, có trường hợp còn xuyên tạc nội dung bài viết của người khác (kiểu như đổi địa danh, tên tuổi nhân vật trong bài báo rồi gán vào đó một địa danh mới, nhân vật mới cho phù hợp với nội dung bài viết của mình v.v.. và v.v..).
Vì sao lại có hiện tượng “đạo báo” như vậy?
Trước hết, phải nói ngay rằng, chuyện “đạo văn” “đạo báo” thực ra “xưa như trái đất” vậy! Một khi báo chí trở thành một nghề, thì như mọi nghề khác, đi cùng với “sản phẩm chính hãng” luôn xuất hiện hàng giả, hàng nhái… Chỉ có điều, cùng với sự phát triển bùng nổ thông tin ào ạt như hiện nay thì chuyện “đạo báo” trở nên dễ hơn, tiện hơn. Trong khi đó, nó lại rất khó kiểm soát. Ấy là chưa kể, trong chừng mực nào đó, hiện nay việc xử lý các hành vi này vẫn còn chưa thực mạnh tay càng khiến cho các “đạo chích” trong làng báo trở nên “nhờn thuốc”…
Đó là nói về những “nguyên nhân khách quan”, còn “nguyên nhân chủ quan” nữa. (Mà đây mới là nguyên nhân quan trọng nhất). Ấy là sự thiếu tự trọng nghề nghiệp ở một số người làm báo, kể cả trong những nhà báo chuyên nghiệp! Một nhà báo đi trước đã phàn nàn với tôi, rằng một số nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ hiện nay, thường ít chú ý đến cái bút danh đặt dưới bài báo. Ông bảo, thời ông, ngay từ ở bản thảo bài viết, khi ghi tên mình, bao giờ ông cũng nắn nót, với thái độ trân trọng…
Có thể, với công nghệ hiện đại như ngày nay, câu chuyện của “nhà báo già” nọ e không còn hợp nữa. Thế nhưng, nó cũng cho thấy, sản phẩm báo chí có một nét đặc thù không một loại sản phẩm hàng hoá nào có, ấy là nó được “dán tem” chính danh “người thợ” làm ra nó! Và vì thế lại càng cần đề cao lòng tự trọng nghề nghiệp hơn!
Nói về nghề báo, nhiều người thường vẫn nhắc đến những điều “to tát” như phải có TẦM, có TÂM, có TÀI… Tất nhiên đây là những yêu cầu, những mục tiêu mà bất cứ một nhà báo chân chính nào cũng cần phấn đấu để vươn tới! Nhưng theo thiển nghĩ của chúng tôi, trước khi đặt ra yêu cầu đó cho mình, mỗi một nhà báo, tuỳ vào công việc cụ thể của mình, hãy cố gắng để không đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp của mình trước đã! Hãy nhớ, mỗi một sản phẩm mình làm ra đều có “dán tem” tên mình trên đó!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()