Tất cả chuyên mục

Cuối năm 1928, giữa những hầm lò tăm tối, khói bụi và sự bóc lột hà khắc của thực dân và chủ mỏ, một ngọn lửa đặc biệt đã bùng lên - tiếng nói cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Vùng mỏ. Đó là Báo Than, cơ quan tuyên truyền của Chi bộ Thanh niên Cách mạng đầu tiên ở Quảng Ninh, trực thuộc Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Than không chỉ là một tờ báo cách mạng đầu tiên ở Vùng mỏ, mà còn là ngọn cờ tư tưởng của phong trào vô sản, góp phần thắp lên ánh sáng giác ngộ trong trái tim những người công nhân đầu thế kỷ XX.
Ba lần Báo Than tỏa sáng
Trong các năm 1927-1928, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã chủ trương đưa một số đảng viên ra Vùng mỏ vừa để “vô sản hoá” vừa để gây dựng cơ sở Đảng, vận động quần chúng làm cách mạng. Cuối năm 1928, nhóm đảng viên từ Hải Phòng, Thái Bình ra Cẩm Phả, Cửa Ông đã họp lại thành lập 1 chi bộ, trực thuộc Thành uỷ Hải Phòng. Đây là chi bộ Đảng Thanh niên đầu tiên ở Quảng Ninh.
Trong phiên họp đầu tiên, Chi bộ quyết nghị xuất bản tờ báo lấy tên là “Than”. Đây không chỉ là tên gọi gần gũi, gắn với đời sống thợ mỏ, mà còn hàm ý về một ngọn lửa âm ỉ cháy, soi đường cho công nhân bước ra khỏi đêm trường nô lệ. Người phụ trách và cũng viết bài chính là đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ. Người phụ trách in là nữ đảng viên Vũ Thị Mai, công nhân nhà sàng. Toà soạn báo đặt tại ngôi nhà nhỏ thuộc phố Boóc - đô (nay là phố Quang Trung, TP Cẩm Phả).
Với khổ nhỏ, in thủ công bằng thạch in rồi sau đó là in đá (in-li-tô), Báo Than được bí mật phát hành với số lượng hạn chế, mỗi số chỉ in khoảng 100 bản. Dù thô sơ về hình thức, song nội dung các số báo lại vô cùng mạnh mẽ, đậm tính chiến đấu: Phản ánh đời sống khổ cực, tố cáo sự bóc lột tàn bạo của chủ mỏ, đồng thời kêu gọi đấu tranh giành lại quyền lợi cho công nhân, nông dân. Báo Than số nào cũng có dòng khẩu hiệu ở đầu trang nhất lấy từ câu kết trong Tuyên ngôn cộng sản của Mác và Ăng-ghen: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”, trở thành lời hiệu triệu đầy cảm xúc, ảnh hưởng sâu rộng trong công nhân Vùng than Cẩm Phả, Cửa Ông.
Sau đợt truy lùng ráo riết của mật thám năm 1929, Báo Than phải ngừng phát hành. Ngày 23/2/1930, khi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Ninh được thành lập tại Mạo Khê, Báo Than lại tái sinh - lần thứ hai, với sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh. Người chủ chốt làm Báo Than lại là Bí thư Chi bộ Đặng Châu Tuệ và đảng viên Vũ Thị Mai. Trước khi đưa in, bài vở được đồng chí Nguyễn Văn Cừ đọc và trực tiếp sửa chữa. Từ đây, chất lượng bài vở cổ vũ đấu tranh đã đúng hướng hơn. Tờ báo có ảnh hưởng không chỉ trong mỏ Mạo Khê mà còn rộng ra khắp vùng vì công nhân Mạo Khê ở rải nhiều xã trong huyện Đông Triều và huyện Kinh Môn.
Tháng 10/1930, Xứ ủy chỉ đạo thành lập Đặc Khu ủy mỏ để liên kết các đảng bộ và chi bộ lẻ vào một đảng bộ chung và chỉ định một ban chấp hành lâm thời, trong đó có đồng chí Vũ Văn Hiếu làm Bí thư. Hồi này ở Đảng bộ Cẩm Phả - Cửa Ông có Báo Hầm Mỏ, ở Mạo Khê có Báo Than. Đặc Khu ủy quyết định ra chung một tờ báo và lại lấy tên Báo Than, với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đặc Khu ủy nên có tầm cỡ lớn hơn. Báo ra mỗi tháng hai số, mỗi số in tới vài trăm bản và được phát hành khắp Vùng mỏ.
Rất tiếc là Báo Than của Đặc Khu ủy không tồn tại được lâu vì từ đầu năm 1931, Đảng bộ Đặc Khu ủy mỏ bị địch khủng bố dữ dội. Các đồng chí trong Khu ủy lần lượt bị sa vào tay địch. Báo Than ngừng xuất bản nhưng ảnh hưởng của nó còn in sâu trong công nhân.
Báo Than có ba lần tỏa sáng, gắn liền với các bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Quảng Ninh. Tờ báo không chỉ là công cụ tuyên truyền cách mạng mà còn là biểu tượng của ý chí và tinh thần đấu tranh bất khuất của giai cấp công nhân Vùng mỏ. Cũng từ đây, truyền thống báo chí cách mạng của tỉnh được hình thành và hun đúc, trở thành một dòng chảy xuyên suốt từ thời kỳ bí mật đến thời kỳ công khai và hiện đại.
Nhà báo cách mạng đầu tiên của Vùng mỏ
Lịch sử báo chí cách mạng ở Quảng Ninh luôn khắc ghi một dấu mốc thiêng liêng: Sự ra đời của tờ Báo Than vào cuối năm 1928 tại Cẩm Phả - tiếng nói đầu tiên của giai cấp công nhân Vùng mỏ trong phong trào cách mạng. Người trực tiếp đứng sau sự hình thành, tổ chức và duy trì “ngọn lửa Than” ấy chính là Đặng Châu Tuệ - nhà báo cách mạng đầu tiên của Vùng mỏ, người đã gắn bó và cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng, từ những ngày đầu viết báo, làm cách mạng bí mật, cho đến khi trở thành lãnh đạo cao cấp của Nhà nước sau này.
Đồng chí Đặng Châu Tuệ sinh năm 1907 tại xóm Nam, làng Bình An, tổng Khê Kiều, huyện Thư Trì (nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình có điều kiện kinh tế. Ngay từ thuở niên thiếu, ông được học hành tử tế tại trường sơ học Pháp - Việt ở Thái Bình, rồi lên Nam Định học trường Thành Chung - nơi quy tụ nhiều học sinh ưu tú, trong đó có Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu (sau này là Tổng Bí thư Trường Chinh), Nguyễn Văn Hoan...
Năm 1926, trong phong trào đấu tranh đòi tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh tại Nam Định, Đặng Châu Tuệ đã tham gia tích cực và nổi bật trong vai trò khởi xướng. Một năm sau, ông trở thành hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những năm 1928-1930, hưởng ứng chủ trương “vô sản hoá”, Đặng Châu Tuệ đã ra Cẩm Phả, hòa mình vào đội ngũ công nhân để hoạt động cách mạng và phụ trách việc làm Báo Than - tờ báo in thạch, phát hành bí mật trong thợ mỏ. Khi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Vùng mỏ được thành lập tại Mạo Khê (Đông Triều) vào tháng 2/1930, đồng chí Đặng Châu Tuệ được bầu làm Bí thư Chi bộ. Báo Than tiếp tục được phục hồi và xuất bản với sự tham gia của đồng chí Vũ Thị Mai – một nữ đảng viên cách mạng quê Hải Phòng. Đây là lần thứ hai tờ báo trở lại với công nhân mỏ, tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng.
Đầu năm 1931, Đặng Châu Tuệ bị Pháp bắt và giam tại Hỏa Lò, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Cuối năm 1936, ông được trả tự do theo luật ân xá và tiếp tục hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ. Những năm sau đó, ông giữ nhiều trọng trách quan trọng trong các cơ quan tuyên truyền của Đảng tại Nam Định, Thái Bình, và là một trong số cán bộ được cử tham gia tổ chức Đảng Xã hội Pháp (SFIO) để tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ tiến bộ Pháp - Việt.
Năm 1941, ông vào Thanh Hóa, được giao nhiệm vụ chỉ đạo thành lập chiến khu du kích Ngọc Trạo - một trong những căn cứ tiền khởi nghĩa quan trọng của cả nước. Với trí nhớ phi thường, ông đã ghi nhớ và viết lại điều lệ Đảng, Mặt trận và các tổ chức quần chúng trong điều kiện thiếu tài liệu, khiến đồng chí, đồng đội khâm phục.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Nam Định, được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Nam Định, đặc phái viên của Chính phủ, rồi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình. Từ năm 1954, ông là Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao cho đến khi nghỉ hưu.
Cuộc đời cách mạng của Đặng Châu Tuệ là hình mẫu tiêu biểu của thế hệ trí thức yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng vô sản, dấn thân vào phong trào công nhân và có nhiều đóng góp bền bỉ trong lĩnh vực tuyên truyền, cổ vũ cách mạng bằng ngòi bút. Ngày 11/12/2009, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XI, đã quyết định lấy tên Đặng Châu Tuệ đặt cho tên đường phố ở TP Hạ Long (đoạn QL18A dài 6km, điểm đầu là ngã hai Quang Hanh, điểm cuối là ranh giới giữa TP Cẩm Phả và TP Hạ Long) như một sự tri ân sâu sắc với nhà báo cách mạng đầu tiên của Vùng mỏ.
Ngọn lửa Báo Than mà ông và các đồng chí khơi dậy nơi hầm lò khói bụi ấy, đến hôm nay vẫn được lớp lớp người làm báo Quảng Ninh tiếp nối, gìn giữ và phát huy - như một dòng chảy bền bỉ của lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm đối với quê hương, Tổ quốc.
Sứ mệnh “truyền lửa”
Ba lần xuất hiện, ba thời kỳ đấu tranh, Báo Than đã làm nên một di sản tinh thần to lớn cho báo chí cách mạng Quảng Ninh. Ngọn lửa từ tờ báo kháng chiến đầu tiên ấy đã âm ỉ cháy trong dòng chảy lịch sử, được gìn giữ và nối dài bởi các thế hệ làm báo trên vùng đất mỏ.
Ngày nay, khi báo chí bước vào thời kỳ số hóa, dữ liệu và đa nền tảng, thì ánh lửa từ Báo Than - tờ báo Đảng địa phương đầu tiên - vẫn là ngọn lửa âm ỉ trong trái tim những người làm báo Quảng Ninh. Mỗi trang báo, mỗi bản tin đều không chỉ phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa… của tỉnh, mà còn khơi dậy, nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên.
Truyền thống ấy bắt nguồn từ những con người như Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Thị Mai, Huỳnh Công Thái..., những người không ngại hiểm nguy, không tiếc tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng và báo chí. Truyền thống ấy hiện diện trong từng bản tin, từng phóng sự, từng cây bút đương đại tiếp tục viết tiếp mạch nguồn báo chí cách mạng bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận hiến và tình yêu sâu sắc với quê hương, nhân dân.
Sự phát triển của báo chí Quảng Ninh hôm nay không thể tách rời ngọn nguồn từ Báo Than thuở đầu. Bởi hơn cả một tờ báo, Báo Than là hiện thân của lý tưởng, của trí tuệ và của trái tim người làm báo cách mạng. Trách nhiệm của những người làm báo hôm nay chính là giữ cho ngọn lửa ấy luôn cháy sáng.
Ý kiến ()