Tất cả chuyên mục

Theo quy định của UBND tỉnh tại văn bản số 1894/UBND-NLN2 về việc lựa chọn loại cây trồng cải tạo môi trường trên địa bàn đã yêu cầu các đơn vị thuộc ngành Than và Tổng Công ty Đông Bắc, trong quá trình trồng rừng hoàn nguyên môi trường cần lựa chọn loại cây thông, phi lao hoặc cây bản địa (các loại cây đặc hữu địa phương như lim, sến, táu, lát hoa…); không trồng cỏ vetiver; hạn chế tối đa trồng loại cây keo… Quy định này của UBND tỉnh được đánh giá phù hợp tình hình cải tạo phục hồi môi trường hiện nay, đúng với định hướng quy hoạch rừng phòng hộ của tỉnh, đảm bảo tiêu chuẩn về định hình khu rừng phòng hộ, góp phần tăng độ che phủ rừng, cải tạo môi trường trên địa bàn.
![]() |
Theo định hướng, diện tích trồng cây keo để hoàn nguyên môi trường sẽ giảm dần. Trong ảnh: Trồng keo hoàn nguyên môi trường tại khu vực bãi thải phía Tây của Công ty CP Than Vàng Danh. |
Nhằm bảo vệ và hạn chế sự tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác than, các đơn vị ngành Than đã lựa chọn các loại cây trồng hoàn nguyên môi trường có tính thích ứng cao và có khả năng giữ đất, ổn định sườn bãi thải, chống xói lở. Để cải tạo các bãi thải trong giai đoạn đầu (dưới 10 năm), nơi có môi trường khô cằn, nghèo dinh dưỡng, các đơn vị ngành than đã lựa chọn trồng các loại cây cỏ có rễ lan, dễ sống (cỏ le, chè vè, lau, chít...), các loại cây bụi (cây dẻ ngon, thao kén, thẩu tấu, sim, mua...). Cụ thể, các bãi thải Nam Lộ Phong, Nam Đèo Nai được trồng cây sắn dây dại, bìm bìm, lau le, chít; bãi thải LV.14 (Hà Tu) trồng cây tre gai; bãi thải LV.46 (Hồng Thái), bãi thải Chính Bắc (Núi Béo) trồng cỏ vetiver… Đối với các bãi thải tồn tại trên 10 năm, địa chất tương đối ổn định, phù hợp với các loại cây thân gỗ nhỏ đã được các đơn vị trồng một số loài thân gỗ có khả năng chịu hạn và thích ứng với điều kiện đất đá của bãi thải, trong đó loại cây keo được trồng trên diện tích lớn. Theo báo cáo của ngành Than, tính đến thời điểm này toàn ngành đã trồng rừng cải tạo môi trường được trên 1.000ha, trong đó chủ yếu là diện tích keo.
Có thể khẳng định rằng trong thời gian qua việc trồng rừng hoàn nguyên môi trường của các đơn vị ngành Than đã đạt được mục tiêu ban đầu, là giữ đất, nước, cải tạo đất, chống xói lở đất. Tuy nhiên đến thời điểm này, bản thân các loại cây đang được ngành Than ưu tiên lựa chọn trồng cũng đã bộc lộ nhược điểm, chưa phù hợp với mục tiêu phát triển rừng bền vững. Cụ thể các loại cây bụi không trở thành rừng, ít có tác dụng nâng cao độ che phủ của rừng, còn dễ xảy ra cháy rừng vì khả năng bắt lửa lớn và cháy lan. Riêng cây keo chỉ phát triển đến trên 10 năm thì bắt đầu thoái hoá, rỗng ruột, bị sâu bệnh, chết khô… chưa phù hợp với mục tiêu phát triển rừng bền vững. Trong khi đó, hiện nay theo quy hoạch bổ sung các diện tích rừng hoàn nguyên này của ngành Than vào rừng phòng hộ, nhằm nâng cao độ che phủ của rừng và phát triển rừng bền vững, cải thiện môi trường.
Định hướng của UBND tỉnh là quy hoạch, bổ sung các diện tích rừng trồng hoàn nguyên môi trường của ngành Than vào rừng phòng hộ. Cùng với đó thì diện tích rừng trồng hoàn nguyên của các đơn vị ngành Than những năm qua cũng đã đạt con số đáng kể và với sự quan tâm đầu tư của ngành như hiện nay thì diện tích trên sẽ ngày càng được mở rộng. Trong khi đa số các bãi thải than trên địa bàn đã được định hình trong thời gian dài, địa chất ổn định, phù hợp với việc trồng các loại cây lấy gỗ. Chính bởi vậy yêu cầu đặt ra cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng tại các diện tích trồng rừng hoàn nguyên môi trường để đạt được tiêu chí của rừng phòng hộ. Theo các chuyên gia, các loại cây lấy gỗ ngoài keo như thông, phi lao, cây bản địa là phù hợp, riêng cây keo tiến tới giảm dần diện tích. Đây là các loại cây có tuổi thọ dài, trên 50 năm, đặc biệt các cây bản địa sống đến hàng trăm năm, có khả năng thích ứng với đất đai, khí hậu, đáp ứng rất tốt yêu cầu về rừng phòng hộ. Thực tế Công ty Than Đèo Nai đã từng trồng thành công các loại cây lấy gỗ khó tính như cây hồi, quế tại các khu vực bãi thải của đơn vị.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, việc lựa chọn các loại cây thông, phi lao, cây bản địa để trồng rừng hoàn nguyên môi trường cũng sẽ có những khó khăn đó là buộc phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trồng rừng thì cây mới phát triển được (hố trồng, mật độ trồng, giống, kỹ thuật bón lót trước và trong khi trồng…). Tuy nhiên với sự quan tâm, đầu tư của ngành Than trong nhiều năm qua thì mục tiêu này hoàn toàn có thể thành công được.
Có thể thấy, việc thay đổi cơ cấu giống cây trồng trên các diện tích đất hoàn nguyên môi trường theo hướng lựa chọn các loại cây lấy gỗ, trong đó ưu tiên cây thông, phi lao, cây bản địa cho thấy đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với các mục tiêu bảo vệ môi trường, cần thiết được triển khai sớm và đồng bộ.
Việt Hoa
Ý kiến (0)