Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:42 (GMT +7)
Luật đất đai 2024: Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất nông nghiệp
Thứ 6, 08/03/2024 | 16:04:32 [GMT +7] A A
Luật Đất đai 2024 đã mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Luật Đất đai 2024 đã cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của Trung ương và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp với nhiều quy định mới nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững... Điều quan trọng tiếp theo là những chính sách này sẽ được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành như thế nào để bảo đảm phát huy hiệu quả, bảo đảm tính khả thi và thực sự tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay liên quan đến đất nông nghiệp. Đây là nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích trong Toạ đàm " Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật đất đai 2024 vào cuộc sống" được tổ chức.
Luật Đất đai 2024 đã mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo các diễn giả tại Toạ đàm, quy định này tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội nhận định: "Quy định nào cũng có hai mặt. Chúng ta quản lý không tốt, kiểm soát không tốt sẽ dẫn tới người dân những người yếu thế sẽ bị mất đất. Vì vậy, đặt ra những vấn đề rất lớn trong cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình quản lý, kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp".
Bên cạnh đó, dù các quy định mới đã giúp khai thác hiệu quả, làm gia tăng giá trị đất nông nghiệp, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng cần có những hướng dẫn rõ ràng về thu hồi bồi thường, hỗ trợ cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi.
"Thu hồi bồi thường hỗ trợ tái định cư cho những người có đất nông nghiệp bị thu hồi tại một số địa phương còn thực hiện chưa tốt. Lần này, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ chính sách và quy định để người có đất bị thu hồi có sinh kế cho tương lai, có cuộc sống tốt hơn trước khi thu hồi, ít nhất là có nơi ở, có đất sản xuất…" - ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra có những lo lắng Luật Đất đai mới thì mở ra song các nghị định, thông tư có thể siết lại. Do vậy, công tác tổ chức xây dựng các văn bản dưới Luật cần sát với thực tế yêu cầu từ thị trường.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ý kiến: "Nghị định hướng dẫn phải chi tiết, đúng với tinh thần của Luật và có thể triển khai tốt. Giải pháp thứ hai là tổ chức triển khai, làm sao nghị định mới được nhiều người biết đến, việc triển khai trên thực tế thuận lợi cho các cơ quan thực thi, nắm rõ quy định này và thực hiện tốt. Điểm thứ ba là chúng ta cần chuẩn bị hạ tầng để thực hiện, như đối với Luật đất đai mới thông tin liên quan đến đất đai, giá đất, quy hoạch đất cần phải được tổ chức tốt. Đây cũng là một tinh thần mới của Luật đất đai lần này".
Luật Đất đai 2024 sẽ chính thức thực thi từ ngày 1/1/2025. Dự kiến sẽ có 9 nghị định, 6 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai mới. Trong đó, đa số các nghị định sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()