Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 08:31 (GMT +7)
Lực lượng dân quân tự vệ Quảng Ninh - Vẻ vang một chặng đường
Chủ nhật, 15/03/2020 | 10:34:42 [GMT +7] A A
Cách đây 85 năm, ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc) và ra “Nghị quyết về Đội tự vệ”. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Kể từ đó, ngày 28/3 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam.
Với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) Quảng Ninh, chặng đường lịch sử đã qua, không chỉ tham gia chiến đấu trong chiến tranh, lực lượng DQTV Quảng Ninh đã tích cực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, diễn tập khu vực phòng thủ, làm tốt công tác dân vận, chung sức xây dựng nông thôn mới, giải quyết chính sách hậu phương quân đội, góp phần xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả cao trong thời bình.
Tự vệ Nhà máy Cơ khí Hòn Gai diễu hành trong thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ảnh: Công Vượng |
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ở Quảng Ninh chỉ có những nhóm dân quân du kích hoạt động phân tán. Đầu năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, dân quân du kích Bắc Mã, Hổ Lao, Đạm Thủy (Đông Triều) đã tổ chức thành đội du kích tập trung. Khi Chiến khu Trần Hưng Đạo được thành lập, lực lượng này đã tiến công giành chính quyền ở Quảng Yên, Hồng Gai, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đình Lập, Bình Liêu, Đầm Hà.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, những trận đánh tập kích, tiến công của dân quân du kích vẫn còn in sâu trong trí nhớ của mọi người dân Quảng Ninh như: Trận tập kích ở đồn Hà Lầm, trận diệt xe và binh lính địch trên đường số 4, đường 18, tập kích ở thị trấn Móng Cái, chống càn ở Yên Hưng. Từ những đơn vị dân quân du kích, tự vệ nhỏ bé dần dần đã xây dựng được các đại đội tự vệ trong các hầm mỏ, trung đội du kích tập trung và phát triển rộng khắp. Đến tháng 10/1947, Liên tỉnh Quảng Hồng đã phát triển tới 2.598 du kích. Riêng Đông Triều đến tháng 2/1948 ở 14 xã đã có 657 du kích với 300 súng trường, 200 súng kíp, 1 súng cối và nhiều vũ khí thông dụng khác. Đến cuối năm 1949, tỉnh Quảng Yên đã có 84 xã xây dựng được 4.894 du kích, 8.064 dân quân. Lực lượng dân quân du kích Quảng Yên đã chống nhiều trận càn quét của địch để bảo vệ xóm làng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, DQTV Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Ninh đã phối hợp với các lực lượng đánh 3.159 trận, tiêu diệt và làm bị thương 22.100 tên địch, bắt sống 2.831 tên, thu trên 8.000 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác. Với các thành tích đó, nhiều đơn vị và cá nhân đã được khen thưởng như: Du kích xã Đồng Văn (Bình Liêu) được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba; du kích xã Bằng Cả (Hoành Bồ, nay là TP Hạ Long) được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì; dân quân xã Tĩnh Húc, xã Vô Ngại (Bình Liêu) được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì và hạng ba. Đồng chí Lương Văn Mấn, du kích xã Yên Đức (Đông Triều) là chiến sỹ thi đua toàn quân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, DQTV Quảng Ninh đã cùng các lực lượng vũ trang đập tan âm mưu phá hoại của phản động ở khu vực Đông bắc do Pháp cài lại, bọn phỉ ở vùng "hành lang Mán" bị tan rã. Đồng thời, DQTV tham gia diệt và bắt sống toàn bộ toán biệt kích, gián điệp Mỹ - Tưởng ở Hải Ninh vào cuối năm 1963. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, DQTV Quảng Ninh với tinh thần "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng" đã dũng cảm chiến đấu và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Tiêu biểu là Chiến thắng trận đầu ngày 2 và mùng 5/8/1964.
Cựu chiến sĩ Đại đội dân quân tự vệ Bạch Đằng tạp một bài hát truyền thống. |
Sau Chiến thắng trận đầu, lực lượng phòng không DQTV được củng cố mạnh hơn, phong trào bắn máy bay Mỹ được phát động rộng khắp trong toàn tỉnh. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, DQTV đã góp phần cùng quân dân trong tỉnh bắn rơi 200 máy bay Mỹ, riêng lực lượng DQTV bắn rơi 21 chiếc, bắt sống 2 phi công. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, DQTV vẫn ngày đêm bám trụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu và thường xuyên luyện tập, tuần tra, bảo vệ trật tự, an toàn ở các địa phương.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, DQTV Quảng Ninh được xây dựng và phát triển vững mạnh đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Với những thành tích đó, DQTV Quảng Ninh đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, nhiều tập thể và cá nhân được tuyên dương anh hùng LLVT nhân dân. Đặc biệt, liệt sĩ Đặng Bá Hát, Đại đội trưởng tự vệ của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
Để đáp ứng với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, lực lượng DQTV Quảng Ninh không ngừng được củng cố, xây dựng và phát triển được trên 1,7% dân số. Ở cấp xã, lực lượng dân quân được xây dựng tới cấp trung đội, các doanh nghiệp nhà nước được xây dựng đến cấp đại đội, tiểu đoàn. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo các cơ sở, xây dựng tổ, nhóm dân quân hoạt động tại các thôn, khe, bản, trên biển, trên tuyến biên giới có nề nếp, góp phần to lớn trong ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Bộ đội biên phòng Đồn cửa khẩu Hoành Mô phối hợp với dân quân và nhân dân xã Hoành Mô (Bình Liêu) tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc. |
Các xã, phường hoạt động DQTV được Bộ CHQS tỉnh đánh giá có hiệu quả như: Phường Hải Hòa, Trần Phú, Trà Cổ (Móng Cái), xã Phú Hải (Hải Hà) xã Hoàng Quế, phường Mạo Khê (Đông Triều), xã Đông Ngũ, Tiên Lãng (Tiên Yên), phường Bạch Đằng (TP Hạ Long); phường Cẩm Trung (Cẩm Phả), Trưng Vương (Uông Bí); Hoành Mô (Bình Liêu). Tiểu đoàn tự vệ các công ty than Mông Dương, Khe Chàm, Đèo Nai, Hà Lầm, Hà Tu, Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai. Đại đội tự vệ Tuyển than Hòn Gai, Núi Béo, Uông Bí .v.v.
Năm 2020, diễn ra Đại hội Đảng các cấp, DQTV Quảng Ninh thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nâng cao ý chí chiến đấu, xây dựng không ngừng vững mạnh, rộng khắp có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng tốt yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Huỳnh Đăng
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()