Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:08 (GMT +7)
Luôn nhận diện kịp thời những khó khăn trong CCHC để tìm cách tháo gỡ
Thứ 7, 18/05/2024 | 17:51:39 [GMT +7] A A
Ngày 18/5, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp, nghe báo cáo kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính (CCHC), đồng thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với phương châm "CCHC chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc" và luôn xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, Quảng Ninh dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai quyết liệt các nội dung đẩy CCHC.
Đến nay, tỉnh là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì 7 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI; 5 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS; 6 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index. Quảng Ninh được trung ương đánh giá là địa phương đi đầu, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong CCHC, khẳng định sự hội tụ niềm tin, đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tiếp nối đà đổi mới, phát triển, những tháng đầu năm 2024, hoạt động CCHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định. Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp đã phát huy vai trò là đầu mối tập trung, kiểm soát, thực hiện các hoạt động giải quyết TTHC hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đội ngũ cán bộ chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa, văn minh công sở, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Các TTHC được niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời và được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định của pháp luật; quy trình giải quyết được tái cấu trúc, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ; việc giải quyết TTHC theo nguyên tắc "5 bước tại chỗ", "5 bước trên môi trường điện tử" được thực hiện triệt để.
Đến nay, có 99,8% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn; trên 85,3% hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến; 98,8% hồ sơ được số hóa đầu vào và 92,5% kết quả giải quyết TTHC được số hóa trên hệ thống Một cửa điện tử; các hoạt động hỗ trợ được đẩy mạnh, toàn diện; các phản ánh kiến nghị của người dân được giải kịp thời.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng địa phương đã dành thời gian, tập trung phân tích, thẳng thắng, khách quan chỉ rõ những điểm tích cực và hạn chế, vướng mắc. Điển hình như, việc trình công bố TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ vẫn còn chậm; vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản; việc tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến còn muộn; việc kết nối tích hợp với hệ thống phần mềm các bộ, ngành còn phát sinh lỗi và vướng mắc; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị tại một số địa phương đã xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy khẳng định: CCHC đã gắn với thương hiệu của Quảng Ninh, góp phần quan trọng trong thúc đẩy KT-XH phát triển. Từ đó, tạo bước chuyển lớn trong đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền... Do vậy, trên hành trình CCHC, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn trong thực tiễn quản lý, để tìm cách tháo gỡ.
Để làm được điều này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hàng năm sẽ tổ chức 2 đợt họp, nghe báo cáo và rà soát công tác CCHC ở tất cả các cấp. Cần tiếp tục cải tiến Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/6/2022.
Cùng với đó, thực hiện rà soát, kê khai, tiếp tục đề xuất, thành lập đề án tăng cường đầu tư trang bị thiết bị, hạ tầng, phần mềm đồng bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu vận hành các Trung tâm Phục vụ hành chính công hiệu quả. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đảm bảo đúng theo các quy định của Trung ương, của tỉnh; thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường các hoạt động hỗ trợ (như tạo tài khoản số, cấp chữ ký số miễn phí cho người dân, hỗ trợ thanh toán phí, lệ phí trực tuyến) để người dân sử dụng quen các dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, giải quyết TTHC đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Bênh cạnh đó, tăng cường phối hợp để thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu, tích hợp với hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh đảm bảo liên thông, khai thác tối đa được cơ sở dữ liệu dùng chung...
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()