Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:38 (GMT +7)
Ngăn chặn những nguy cơ từ chó thả rông
Chủ nhật, 12/03/2023 | 12:20:52 [GMT +7] A A
Chó thả rông cắn người gây thương tích, phải nhập viện là những câu chuyện thương tâm, ngày càng đáng báo động, đặc biệt là ở khu vực đô thị, những thành phố du lịch nơi có đông du khách tham quan.
Nguy cơ từ chó thả rông
Thời gian gần đây, qua nhiều kênh thông tin, liên tiếp những câu chuyện chó thả rông gây thương tích cho người dân được chia sẻ rộng rãi, khiến nhiều người không khỏi bức xúc và lo sợ. Tại Hà Nội, một cụ bà 76 tuổi đã bị 1 con chó giống Malinois chuyên sử dụng đi săn, bất ngờ tấn công vào trung tuần tháng 7/2019.
Cụ bà phải nhập viện cấp cứu với nhiều vết thương do chó cắn trên mặt, tay trái và đùi phải. Gần đây nhất, chiều 18/2, trong lúc chạy bộ tập thể dục, nam sinh 16 tuổi ở thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã bị 2 con chó thả rông xông vào cắn xé gây thương tích nặng.
Chỉ chưa đầy 1 ngày sau đó, 2 du khách nước ngoài cũng đã bị một con chó tấn công khi đi du lịch tại Khánh Hòa. Vụ việc khiến 1 người nước ngoài phải nhập viện. Điều này khiến nhiều người quan tâm, nhằm bảo vệ môi trường du lịch, bảo vệ người dân, du khách tham quan.
Đáng nói, thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh, liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị chó thả rông không đeo rọ mõm tấn công, hi hữu có những trường hợp gặp tai nạn khi tham gia giao thông vì những chú chó “hiên ngang” đi lại giữa đường. Có thể nói, đây không còn là những câu chuyện buồn mà đã trở thành một vấn nạn. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều chủ chó vẫn thờ ơ, thậm chí coi nhẹ với sự an toàn của cộng đồng.
Theo số liệu của Cục Thú y, hiện ở Việt Nam, tình trạng chó thả rông rất phổ biến, vào khoảng 50% tổng đàn. Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng dại cho đàn chó thấp, mới đạt chưa tới 50%, trong khi theo yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là phải đạt trên 70%.
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 500.000 người bị phơi nhiễm bệnh dại do chó cắn. Riêng năm 2022, 76 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Điều này cho thấy tình trạng chó thả rông, nếu không có biện pháp ngăn chặn, sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.
Tại Quảng Ninh cũng ghi nhận khá nhiều vụ việc chó thả rông cắn người, mặc dù gây thương tích nhẹ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại. Theo ghi nhận tại các trung tâm tiêm chủng như VNVC (TP Hạ Long), liên tiếp thời gian gần đây nhiều khách hàng đến tiêm phòng dại do bị chó cắn.
Và cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những chú chó thả rông tự do ở rất nhiều nơi công cộng, tập trung đông người, như: Công viên Lán Bè, Quảng trường 30/10, vỉa hè đường bao biển Trần Nghiễn, chợ Bãi Cháy, nơi nhiều du khách tham quan qua lại... Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, du khách.
Xử lý mạnh tay, tăng cường ý thức của người nuôi
Theo Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi nuôi chó thì chủ vật nuôi phải đăng ký tại UBND cấp xã, phường, phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, phải rọ mõm, xích giữ chó tại những nơi công cộng… Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt phạt tiền 1-2 triệu đồng (Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020). Chủ vật nuôi cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do sức khỏe của họ bị xâm phạm (Điều 590, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015). Ngoài ra, chủ vật nuôi còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu...
Như vậy, pháp luật cũng đã quy định cụ thể về hành vi nuôi thả chó, trách nhiệm và các mức xử phạt về các hành vi nuôi thả chó gây nguy hiểm cho xã hội. Những hệ lụy mà chó thả rông gây ra luôn hiện hữu và rõ ràng. Không chỉ bệnh dại, gây thương tích và ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho những trường hợp không may bị chó dữ tấn công, chó thả rông phóng uế bừa bãi còn khiến môi trường ô nhiễm hay bất ngờ chạy qua đường gây tai nạn giao thông...
Thế nhưng, đáng nói là nhiều người nuôi thả chó không biết, không có ý thức tìm hiểu hoặc phớt lờ các quy định này. Bởi vậy trên thực tế, ở nhiều nơi công cộng như đường phố, nơi tập thể dục, có nhiều người già, trẻ nhỏ...vẫn có chó thả rông, không rọ mõm, xích.
Một câu chuyện nữa, chúng tôi muốn đề cập chính là sự thiếu quan tâm, văn hóa ứng xử của người nuôi. Gần đây nhất, cộng đồng mạng đã rất bức xúc trước sự việc xảy ra tại Chung cư Saigon Riverside, Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) ngày 2/2, khi chủ nuôi chó thả rông bất ngờ lao vào tấn công, đấm anh Nguyễn Hoàng D. (SN 1989, trú Quận 7) khi anh dùng chân đẩy con chó nhỏ thả rông, đang gầm gừ tiến về phía con trai mình.
Cá nhân tôi cũng đã gặp những trải nghiệm khó quên với chó thả rông. Khi chạy bộ trên tuyến đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), một con chó đã gầm gừ và liên tiếp tiến lại gần con trai nhỏ. Tôi mới chỉ có cử chỉ xua đuổi con chó thì bất ngờ nhận được lời đe dọa từ chủ chó với những lời lẽ rất khiếm nhã. Tôi lặng lẽ rời đi để tránh va chạm không đáng có.
Có lẽ, đây là chuyện không lạ khi nhiều người có thái độ, cách cư xử thiếu văn hóa. Trong khi đó, với chó thả rông, việc đề phòng, xử lý của cơ quan chức năng cũng chưa được quan tâm nhiều. Ở các phường, xã, việc xử lý chó thả rông còn có vẻ... xa lạ! Hầu hết các phường, xã mới dừng lại ở mức tuyên truyền, nhắc nhở chủ nuôi chó đi tiêm phòng dại. Việc xử lý cũng rất hạn chế, hoặc muốn xử lý phải có bằng chứng (ghi lại bằng ảnh chụp, camera...) hoặc phải thành lập lực lượng...là những lý do khiến công việc bị bỏ ngỏ, ít được quan tâm.
Trao đổi với luật sư Lê Cao Long, Công ty Luật Tân Long (TP Hạ Long), được biết: Trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định (như không đeo rọ mõm, không có xích dắt, không tiêm phòng dại)... để chó cắn gây thương tích hoặc làm chết người, thì có thể bị phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì trường hợp chó không rọ mõm cắn chết người hoặc gây thương tích cho 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, chủ chó có thể bị xử lý hình sự (theo Điều 295 Bộ luật hình sự). Bên cạnh đó, chủ chó cũng phải đối mặt với án tù. Cụ thể: 5 năm tù (nếu 1 người chết) hoặc đến 12 năm tù (nếu 3 người chết trở lên). Bên cạnh đó, chủ chó còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị chó cắn theo Luật Dân sự.
Cũng theo các chuyên gia thú y, môi trường nuôi chó ở các đô thị phần nhiều là nuôi nhốt, không gian sống chật hẹp. Vì thế, chó bị nuôi nhốt nhiều, bí bách, có xu hướng hung dữ, dễ gây nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn khi được thả ra.
"Có thể thấy, ngoài chế tài, có lẽ quan trọng nhất vẫn là ý thức của người nuôi chó. Đừng để câu chuyện chó thả rông chỉ được nhìn nhận khi đã có hậu quả đáng tiếc, mỗi người dân hãy cùng chia sẻ những video, clip về tình trạng này, để từ đó cơ quan chức năng có những chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Ngoài phương án hành động, xử lý, cần quan tâm rà soát thống kê, quản lý khoa học, từ đó quản lý tốt việc tiêm chủng; cần xây dựng văn hóa chăm sóc vật nuôi từ chính hộ gia đình, để từ đó việc nuôi chó, mèo thành nét đẹp thể hiện sự văn minh trong một xã hội hiện đại" - Luật sư Long chia sẻ thêm.
Quả thật, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, hạn chế tình trạng chó thả rông chính là nâng cao ý thức người nuôi chó, quyết liệt trong xử lý, đặc biệt là với các loại chó dữ, to lớn; ban hành các quy định riêng để cấm và hạn chế những loại vật nuôi hung dữ, nguy hiểm, kèm theo đó là đề xuất tăng mức xử phạt hành chính cao hơn mức phạt như hiện nay. Đây là cách đề phòng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, đặc biệt với khách du lịch.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()