Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 19:35 (GMT +7)
Lương và giá cả
Thứ 6, 04/05/2012 | 06:02:17 [GMT +7] A A
[audio(1565)]
Bắt đầu từ ngày 1-5, mức lương cơ bản tối thiểu áp dụng cho cán bộ, công chức nhà nước được điều chỉnh tăng từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng, tăng khoảng 25%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Đón nhận thông tin này, những người làm công ăn lương có phần phấn khởi, vì dù sao mỗi tháng cũng có thêm ít nhất hơn 200.000 đồng. Song, bên cạnh đó, không ít người cũng tâm tư, lo lắng cho rằng mức tăng này chỉ đủ để bù trượt giá. Bởi lẽ, trước khi lương tăng thì nhiều mặt bằng giá mới đã được thiết lập, trong đó giá tăng mạnh nhất là vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Và ngay trước thời điểm tăng lương lần này, giá xăng đã hai lần tăng, trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điều này đã kéo theo giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng theo, vì xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất - kinh doanh. Giá cả tăng liên tục, làm cho đồng lương thực tế tăng thêm không còn nhiều ý nghĩa đối với người hưởng lương.
Một mong muốn của đông đảo những người hưởng lương hiện nay là cùng với việc điều chỉnh tăng lương, thì phải bình ổn được giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các cơ quan quản lý nhà nước về giá, lực lượng kiểm soát thị trường ngăn chặn hữu hiệu tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng việc tăng lương để tăng giá hàng hoá, dịch vụ một cách tuỳ tiện. Đây là thực tế đã từng xảy ra ở những lần tăng lương trước đây, vì vậy khả năng này cũng có thể tái diễn ở lần tăng lương này. Bởi vậy, các lực lượng chức năng cần chủ động ra quân đón đầu, đừng để chuyện đã rồi mới chạy theo xử lý, khi đó chắc chắn hiệu quả sẽ không cao.
Để thực hiện tốt việc quản lý, bình ổn giá cả thị trường, thì ngoài các cơ chế, chính sách ở tầm vĩ mô, trong phạm vi hẹp của một địa phương cần chú ý đến khâu phân phối lưu thông. Cụ thể là cắt giảm mạnh các khâu, tầng nấc trung gian, thực hiện phương châm mua tận gốc bán tận ngọn để giảm bớt chi phí dẫn đến đội giá hàng hoá. Và một điều không thể không triển khai là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường với tinh thần trách nhiệm cao, xử lý kịp thời, kiên quyết các biểu hiện tăng giá vô căn cứ. Với các trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần có thể tạm đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép để làm gương cho các hộ kinh doanh khác.
Lương tăng thêm, giá cả thị trường ổn định - đó mới là thước đo đời sống người hưởng lương được cải thiện, nâng cao...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()