Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:55 (GMT +7)
Lưu giữ giống cam quý và những "mùa vàng" ở Vạn Yên
Chủ nhật, 03/01/2021 | 08:30:17 [GMT +7] A A
Cam Vạn Yên là sản phẩm sạch theo hướng VietGAP, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các hộ trồng. Thế nhưng ít ai có thể mường tượng, để có được thương hiệu cam nức tiếng như hiện nay thì Vạn Yên cũng từng “ba chìm, bẩy nổi..." với những vườn cam bị chặt phá, tưởng chừng tuyệt diệt.
Gìn giữ "báu vật" của người xưa
Chuyến xe của đoàn công tác chúng tôi về với Vạn Yên vào những ngày cuối cùng của tháng 12 Dương lịch, thời điểm gần kề Tết cổ truyền. Đã nghe nhiều về vẻ đẹp của miền đất này mỗi độ cam chín, nhưng được chiêm ngưỡng những vườn cam sai trĩu quả mới thấy hết được sự trù phú nơi đây.
Nỗ lực gìn giữ giống quý, gia đình anh Hậu đã khôi phục giống cam quý cha ông để lại. |
Xe lướt qua các vườn cam 2 bên đường, cam sai trĩu cành, nhuộm vàng các vạt đồi. Khung cảnh thật đẹp và trù phú. Chúng tôi ghé nhà anh Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên) là hộ gia đình có diện tích trồng cam lớn, người còn lưu giữ được những cây cam bản địa quý.
Hồ hởi tiếp chúng tôi bên ấm chè nóng, anh Hậu say mê kể: Từ xưa, cam Cái Bầu đã nức tiếng xa, gần. Trong đó, vùng trồng cam Vạn Yên có giống cam giấy, quả dẹt, chín vàng ươm, toả mùi thơm. Quả cam cầm chắc tay, bóc ra thơm nức, vị thanh mát đặc trưng. Tuy vậy, trong xã cũng không ai biết rõ về nguồn gốc giống cam bản địa này có từ khi nào, chỉ biết đời ông cha đã có từ lâu, có khi là hàng chục, hàng trăm năm về trước. Chỉ biết rằng, có lẽ giống quý hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Vạn Yên mà trở thành đặc sản thơm ngon, làm xao xuyến bao thực khách, trở thành "báu vật" truyền đời...
Trong trí nhớ của nhiều người như anh Hậu thì Cái Bầu xưa là một vùng trồng cam rộng lớn. Vạn Yên cũng nổi tiếng bởi những rừng cam vào mùa vàng rực với các quả đồi nối tiếp nhau một dải vàng, no ấm trải từ các thôn 10/10, Cái Bầu và một phần nhỏ thôn Đài Mỏ. Hàng nghìn gốc cam của các hộ trồng tạo nên sự trù phú, cảnh đẹp tuyệt vời.
Nhưng biến cố bất ngờ xảy ra khi vào những năm 90 của thế kỷ trước, cây cam đặc sản ở đây bị chặt phá không thương tiếc, nhường chỗ cho cây keo và các cây trồng khác. Có lẽ do thoái hoá giống, sâu bệnh, kỹ thuật chăm bón lạc hậu... mà sản lượng cam thấp, chất lượng kém hẳn. Cả một vùng rộng lớn trồng cam trước kia như bị xoá sổ, bỗng chốc tan hoang. Nói về những ngày ấy, anh Hậu trầm buồn: Lúc đó trên toàn xã chỉ còn lác đác vài hộ trồng cam, mỗi nhà còn lại vài cây mà có lẽ họ không buồn chặt đi(?)
Anh nhớ lại: Khi tôi sinh cậu con trai đầu lòng khoảng năm 1993, cây cam Vạn Yên bước vào thời kỳ thoái hóa giống, bệnh gân xanh lá vàng hoành hành, chăm sóc sai quy trình, phân bón giả khiến năng suất, chất lượng sụt giảm. Cả vùng cam rộng lớn gần như bị xóa sổ. Bao trăn trở, bao suy nghĩ, loay hoay với bài toán phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương của tôi lại bị lung lay dữ dội.
Nhưng có lẽ cây cam với mảnh đất Vạn Yên vẫn níu cái duyên với nhau. Tưởng chừng như có thời điểm bị lãng quên thì cam Vạn Yên đã tái sinh thần kỳ và khẳng định được thương hiệu khắp miền gần, xa. Người dân Vạn Yên đã nhìn thấy giá trị và lợi ích mà giống cam đặc sản này mang lại, quyết tâm lưu giữ nguồn giống quý và phát triển kinh tế gia đình bằng chính cây cam. Một trong số người góp phần vào việc đó chính là anh Hậu.
Anh Hậu chia sẻ về những gốc cam cổ quý trên 20 năm tuổi, giúp anh nhân rộng giống cam quý này. |
"Thời điểm đó, dù trải qua nhiều nghề buôn bán, chạy xe, nhưng tôi vẫn thấy tiềm năng của cây cam bản địa, vì thế tôi vẫn giữ được một số gốc cam giống lâu năm, đồng thời cùng người thân đi xin, thậm chí tìm mua giống về trồng, chiết cành giữ giống... Gần như một mình đi ngược với số đông, mọi người còn cho rằng tôi hấp, khùng!" - anh Hậu kể.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh vườn cam hàng chục ha, trên những con đường rợp bóng cam chín vàng, chúng tôi như lạc vào... thiên đường. Ngay trên đầu, bên vai... đều trĩu từng chùm cam vàng, thoang thoảng mùi thơm của những trái cam đang độ chín. Điểm đến là quả đồi bên suối, nơi hơn 100 gốc cam quý, lâu năm nhất trong khuôn viên canh tác của gia đình.
Anh cho hay, sau thời gian cây cam rơi vào khủng hoảng, diện tích trồng cam cả xã gần như bị xóa sổ, cả khu đồi trồng cam rộng lớn của gia đình cũng chỉ còn lại 7 cây cam lâu năm. Ngoài các dự án bảo tồn, phục tráng giống cam quý, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng cây cam của Nhà nước, gia đình anh vẫn kiên trì phương pháp chiết cành, nhân giống từ các cây cam khoẻ mạnh mà cha, ông để lại.
Thăm vạt đồi với 150 cây cam tuổi đời trên 20 năm, gốc to như miệng xô, chu vi chừng 70 - 80cm, anh Hậu nhớ ngày cụ thể các gốc cam được chiết cành xuống giống. Bởi mỗi gốc cam trên mảnh vườn này đều gắn liền với tâm huyết, mồ hôi nước mắt của anh Hậu.
Từ những giống gốc "cam bố mẹ", khoẻ mạnh này, mà hàng trăm, hàng nghìn cành cam khác được nhân rộng, toả ra khắp các quả đồi. Và khi cam Vạn Yên dần lấy lại được thị trường, giá bán cũng tăng thì đây chính là nguồn giống, kho báu giúp anh Hậu cùng bà con hồi sinh vùng trồng cam Vạn Yên.
Sản phẩm OCOP nức tiếng, thương hiệu VietGAP
"Mục sở thị" vườn cam quý, anh Hậu cặn kẽ nói về quy trình chăm sóc giống cây quý: "Đối với tôi, những gốc cam ở đây như máu thịt vậy, cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn duy trì khoảng cách 4m/cây, giữ nguồn gen quý bằng cách chiết cành, đồng thời thừa hưởng bí quyết chăm sóc lâu đời là sử dụng thiên địch bảo vệ cây cam".
Anh Hậu sử dụng kiến bống và các loại thiên địch khác để diệt trừ sâu bệnh trên cây cam giấy Vạn Yên. |
Cam bản địa ở đây có thể do lâu năm nên quen, "thuần chủng" với thổ nhưỡng, khí hậu Vạn Yên nên không cần dùng tới thuốc bảo vệ thực vật. Nhìn theo hướng tay anh chỉ, chúng tôi thấy rất nhiều tổ kiến to ngay gần gốc cam: "Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cam Vạn Yên sạch cũng bởi được kiến lửa và các loại thiên địch bảo vệ trước mọi loại sâu bệnh" - anh chia sẻ thêm.
Đi khảo sát cùng chúng tôi, chị Hoàng Thị Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vạn Yên, chia sẻ: Quả thật, có thể nói gây dựng lại được một giống cây đặc sản đã khó, nhưng giải bài toán thương hiệu cho sản phẩm trước sự cạnh tranh trên thị trường lại là vấn đề khiến người trồng cam ở đây trăn trở gấp nhiều lần. Tổng diện tích trồng cam trên địa bàn xã hiện nay là 184ha, trong đó chỉ có 2 HTX được hình thành với diện tích cây cam vào khoảng 100ha. Làm sao để sản phẩm này đáng giá, có thị trường tiêu thụ ổn định là điều không ít người trăn trở.
Khi cây cam được hồi sinh, sản lượng tăng dần, cam bắt đầu được giá. Ban đầu, năm 2006, giá bán cam chỉ chừng 3 - 5.000/kg rồi từ 2010 trở ra dần tăng dần lên khoảng 12 - 13.000/kg, rồi đạt trên 20.000/kg.
Anh Hậu cho biết, với những hộ tham gia HTX sẽ được phổ biến quy trình trồng, chăm sóc cây cam đúng tiêu chuẩn. Khoảng một nửa diện tích cây trồng hiện tại chưa áp dụng kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình dẫn đến sản phẩm có chất lượng không đồng đều. Khi số lượng cam này tung ra thị trường sẽ gây ảnh hưởng đến thương hiệu cam Vạn Yên mà những nhà vườn như chúng tôi dày công xây dựng. Cùng với đó, sản phẩm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc và địa phương khác cũng là nguyên nhân khiến giá cam không ổn định.
Quả thật, đây là vấn đề không hề đơn giản với các hộ trồng cam như anh Hậu. Dứt khoát phải thành lập một tập thể để cùng đoàn kết nâng cao giá trị sản phẩm. Vì thế, năm 2010, anh Hậu cùng các hộ thành lập tổ sản xuất gồm 10 hộ, tuy nhiên nhanh chóng tan rã do thiếu thống nhất, thiếu tính pháp lý. Năm 2014, anh Hậu cùng các thành viên khác thành lập HTX Nông trang Vạn Yên gồm 10 thành viên ban đầu, sau tăng lên 18 thành viên.
Anh Hậu vui mừng với thành quả đạt được sau bao nỗ lực. |
Năm 2016, cam Vạn Yên tham gia và được công nhận là sản phẩm OCOP. Các HTX, trong đó HTX Nông trang Vạn Yên là đầu mối kết nối với các thương lái, thống nhất giá thành sản phẩm, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng tới giá tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, HTX cũng là đầu mối triển khai, đổi mới các mẫu mã bao bì sản phẩm, tem nhãn, xuất xứ hàng hoá... Điều này đảm bảo thương hiệu cam Vạn Yên "đánh bật" được cam Trung Quốc và các sản phẩm nhái trên thị trường, bước đầu hình thành chuỗi tiêu thụ.
Đặc biệt cơ duyên đến khi từ năm 2015 - 2017, hộ gia đình anh Hậu được dự án của Bỉ thông qua Hội nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng sản phẩm theo hướng VietGAP. Mô hình này cũng được anh và các thành viên HTX áp dụng vào.
"Đây là bước ngoặt quan trọng với tôi và các hộ trồng cam. Bởi theo đó, HTX xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, quy trình sản phẩm theo hướng VietGAP, việc kiểm tra định kỳ sản phẩm, kiểm tra giám sát chéo trong chính các thành viên HTX khiến các thành viên phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, sạch. Thêm nữa, việc sử dụng phân bón nhập khẩu, tuân thủ quy trình chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn. Chúng tôi có thể tự hào rằng cam Vạn Yên là sản phẩm an toàn, chất lượng, sạch tuyệt đối" - anh Hậu cười tươi.
Những hướng đi mới
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vạn Yên cho biết thêm: Qua khảo sát, đánh giá thổ nhưỡng ở đây hoàn toàn phù hợp cho cây cam sinh trưởng và phát triển, từ đó chúng tôi đã kiến nghị Huyện ủy Vân Đồn ra Nghị quyết về việc phát triển giống cam bản địa, nhân giống, mở rộng quy mô, phạm vi, đồng thời phát triển thêm dịch vụ du lịch.
Du khách tham quan trải nghiệm hái cam tại vườn nhà anh Hậu. |
Vì thế, trong 2 năm trở lại đây, gia đình anh Hậu và các hộ khác ở 2 HTX trên địa bàn có những phối hợp tổ chức chương trình tham quan vườn cam. Với trải nghiệm thú vị, những ngày cuối tuần, vườn cam nhà anh Hậu đã đón hàng chục tới hàng trăm khách về trải nghiệm, nơi du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn, hái cam ngay tại vườn. Đây là bước đi đúng đắn, vừa tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương, vừa mở ra hướng khai thác giá trị cam Vạn Yên.
Còn anh Hậu lại ấp ủ những dự định mới: Tôi cũng đang tìm lại nguồn, nhân giống cam quý khác của Vạn Yên. Đây là giống cam chất lượng, thơm ngon, có giá trị cao. Hy vọng trong thời gian tới sẽ sớm khôi phục và trả lại đúng thương hiệu, giá trị cây cam mà cha ông đã dày công gìn giữ...
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()