Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:34 (GMT +7)
Luyện nét chữ, rèn nết người
Chủ nhật, 14/07/2024 | 13:57:26 [GMT +7] A A
“Từng nét chữ xinh xinh thẳng hàng/ Ngòi bút viết theo tay nhịp nhàng/ Điều hay ấy chúng em được biết/ Chính cô dạy em thế...”. Có lẽ những câu hát quen thuộc trong ca khúc “Ở trường cô dạy em thế” đã in hằn trong ký ức mỗi người ngày đầu đến trường như lời nhắc nhở, khuyến khích việc tập viết sạch, đẹp, nắn nót từ những nét chữ đầu tiên trong đời học sinh. Người xưa có câu “nét chữ - nết người” với hàm ý nét chữ ngoài việc lưu giữ, truyền tải thông tin thì còn thể hiện tính cách của người viết. Vì vậy, việc rèn luyện nét chữ đẹp vẫn luôn được coi trọng dù cho những đổi thay của cuộc sống hiện đại ngày nay.
Trong thời kỳ công nghệ 4.0 ngày nay, việc ghi chép đã có nhiều công cụ hỗ trợ như máy tính, điện thoại, thư từ được gửi qua email nhờ mạng internet. Vì vậy, không ít người có ý kiến cho rằng viết chữ xấu hay đẹp không còn quan trọng. Không đồng tình với quan điểm trên, nhiều phụ huynh khẳng định luyện chữ đẹp vẫn rất cần thiết. Mặc dù xã hội đang ngày càng phát triển hiện đại, con người không cần phải viết tay nhiều như thời xưa, song chữ viết vẫn luôn cần thiết trong đời sống hàng ngày. Ai cũng cần phải ghi chép, lưu giữ, trao đổi thông tin bằng tay bởi không phải công việc gì hoặc lúc nào cũng sử dụng đến internet, máy tính…
Lấy dẫn chứng từ bản thân, anh Phạm Đức Nam (xã Yên Đức, TX Đông Triều) tâm sự: Có thể lên đến bậc học cao như đại học, việc viết tay sẽ không dùng đến nhiều, song đối với học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở thì vẫn phải viết tay hàng ngày, do đó việc luyện chữ đẹp là rất cần thiết. Nhất là khi vào lớp 1, cần cho con trẻ luyện viết chữ đẹp khi các con bắt đầu làm quen với chữ viết, để đến khi lên cấp hai, cấp ba khối lượng kiến thức, bài vở nhiều, các con khi cần viết nhanh vẫn đảm bảo nét chữ dễ đọc, dễ nhìn tránh nguệch ngoạc, mất nét... Bản thân tôi là một người viết chữ chưa đẹp, nên hiểu được việc viết chữ xấu cũng có những bất lợi khi làm người đọc hiểu sai nghĩa, đôi khi gây nên những hiểu lầm không đáng có.
Ý thức được việc rèn chữ đẹp cho con trẻ là một phần quan trọng trong quá trình học tập sau này của con, ngay từ những năm tháng đầu tiên con chuẩn bị cắp sách đến trường, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia những buổi rèn chữ viết tại các cơ sở luyện viết chữ đẹp, các lớp tiền tiểu học.
Chị Bùi Thị Phương Anh, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, chia sẻ: Đối với các bạn học sinh các cấp thì nét chữ vẫn vô cùng quan trọng để tạo thói quen rèn luyện sự cẩn thận, rõ ràng khi viết bài, làm bài thi bởi nó ảnh hưởng đến kết quả học tập của các con. Cùng với đó, từ thực tế, kinh nghiệm học tập của bản thân, tôi thấy chữ viết đúng chính tả, sạch, đẹp, rõ ràng không chỉ giúp văn bản dễ hiểu, sáng rõ mà còn giúp người đọc hiểu đúng nội dung, tạo thiện cảm cho người đọc. Ngoài ra, chữ viết tay cũng giúp mình ghi nhớ kiến thức tốt hơn, nhất là khi ôn luyện, tự mình viết ra, tổng hợp, hệ thống lại kiến thức đã học. Do đó, tôi lựa chọn cho con luyện chữ đẹp ngay từ khi bước vào lớp 1 giúp con hình thành thói quen, nề nếp, ý thức được rèn chữ đẹp là việc quan trọng trong quá trình học tập.
Là một trong những giáo viên tâm huyết rèn học sinh viết chữ đẹp, chị Ngô Thị Ngân Hà, Cơ sở luyện viết chữ đẹp Ngân Hà (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), cho biết: Dạy học sinh viết đúng, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ. Bởi vậy, ngay từ khi các em mới biết cầm bút, tôi chú trọng hướng dẫn trẻ nắn nót từng nét chữ, giúp trẻ hiểu và hứng thú với việc rèn luyện chữ viết, đồng thời nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức gìn giữ vở sạch, chữ đẹp. Đặc biệt, với các em học sinh tiền tiểu học, tôi sẽ hướng dẫn các em tư thế ngồi, cách cầm bút, đặt sách, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nét chữ. Khi có tư thế đúng, sau đó mới đến quá trình rèn chữ viết từng nét một. Luyện chữ đẹp không có nghĩa là chỉ luyện theo mẫu chữ có sẵn, mà cần tập cho các em viết đúng trước từ những nét cơ bản, sau đó khuyến khích học sinh sáng tạo tùy vào khả năng của từng bạn. Theo đó, mỗi nét chữ sẽ thể hiện tính cách của mỗi người.
Từ nhiều năm nay, các phong trào, hội thi viết vở sạch, chữ đẹp vẫn luôn được duy trì trong các trường học, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Cô giáo Hoàng Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu), cho biết: Năm học nào nhà trường cũng đều tổ chức hội thi viết chữ và trình bày bài đẹp và cử học sinh xuất sắc tham gia thi cấp huyện. Thông qua hội thi không chỉ nhằm tạo cơ hội để giáo viên và học sinh trau dồi, học hỏi kinh nghiệm các kỹ năng viết chữ, trình bày bài đẹp. Đồng thời, duy trì nền nếp, thói quen tốt trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong các nhà trường. Qua đó, không ngừng rèn luyện nhiều đức tính tốt đẹp như tính cẩn thận và sự kiên nhẫn, khả năng quan sát, tính thẩm mỹ và giáo dục thái độ quý trọng và giữ gìn vẻ đẹp của tiếng nói, chữ viết dân tộc cho học sinh.
Không chỉ có vai trò quan trọng đối với việc học tập, thông qua chữ viết tay còn là sự kết nối sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè nhờ viết ra những điều lâu nay chưa nói, hoặc khó nói trực tiếp; kết nối hơn với chính bản thân nhờ trang nhật ký viết tay, gửi gắm những tâm sự, suy nghĩ của riêng cá nhân. Đặc biệt, thông qua những tấm thiệp viết tay còn là cách để mỗi người thể hiện tình cảm trân trọng, yêu mến vô cùng. Đó là lý do mà hiện nay không ít các cửa hàng, doanh nghiệp vẫn luôn gửi những tấm thiệp viết tay kèm theo sản phẩm đến với khách hàng như thay lời cảm ơn chân thành.
Từ xa xưa, chữ viết luôn được người dân Việt Nam coi trọng và gìn giữ. Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp. Ngày xuân đi xin chữ như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà. Mỗi chữ thầy đồ viết không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Đến nay, phong tục xin chữ tốt đẹp này vẫn được gìn giữ và ngày càng phổ biến không chỉ trong ngày đầu xuân mà trong các hoạt động giao lưu văn hóa, học viết thư pháp… cho thấy việc trân trọng, yêu quý nét chữ đẹp vẫn luôn được coi trọng trong xã hội hiện đại.
Luyện viết và giữ được nét chữ đẹp hay không là lựa chọn của mỗi người, phụ thuộc vào quan điểm của từng cá nhân. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, việc trân trọng chữ viết và cách viết chữ vẫn là điều cần thiết, không chỉ rèn nhân cách, sự duy mỹ của mỗi người mà hơn hết còn thể hiện tình cảm, tôn vinh vẻ đẹp của chữ viết dân tộc, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa Việt.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()