Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 19:54 (GMT +7)
Lý do phim điện ảnh Việt khó phát hành ra thế giới
Thứ 6, 29/09/2023 | 08:48:15 [GMT +7] A A
Tại hội thảo khoa học "Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn" sáng 27/9, nhiều đại biểu, chuyên gia đề cập vấn đề quảng bá văn hóa Việt thông qua điện ảnh.
Hội thảo khoa học Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn diễn ra sáng 27/9, với sự tham gia của gần 100 đại biểu là lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học...
Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ở trung ương và địa phương, phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế. Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Nhiều chuyên gia, đại biểu phân tích khó khăn khi quảng bá phim điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài. TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nhận định điện ảnh có thế mạnh lớn khi thực hiện nhiệm vụ quảng bá văn hóa. Tuy nhiên, những tác phẩm điện ảnh Việt Nam được đánh giá cao đều ra đời cách đây khá lâu.
"Các tác phẩm gần đây chưa gây tiếng vang về bản sắc dân tộc, dù có doanh thu ấn tượng ở phòng vé. Việt Nam có ít chương trình quảng bá điện ảnh, chủ yếu trông vào nguồn xã hội hóa", bà Lan nhận định.
TS. Ngô Phương Lan cho rằng quá trình đưa phim Việt Nam ra nước ngoài có thể trải qua nhiều cấp độ. Trong đó, khâu yếu nhất là phát hành phim ra thị trường thế giới mà không cần thông qua những tuần lễ quảng bá phim.
Thị trường điện ảnh phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập (chiếm khoảng 70% tổng doanh số). Do không có ngạch giới hạn phim nhập nên phim nước ngoài áp đảo phim sản xuất trong nước về tỷ lệ phim ra rạp (trung bình mỗi năm có khoảng 40 Việt Nam so với 200 phim nhập ngoại).
Thị trường điện ảnh Việt Nam tuy được coi là một thị trường phát triển “nóng” nhưng thiếu tính bền vững và cạnh tranh chưa lành mạnh.
Chúng ta không thể so sánh với các thị trường điện ảnh lớn mạnh ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng ngay trong khu vực Đông Nam Á, điện ảnh Việt cũng đang phải đuổi theo Thái Lan, Philippines, Indonesia - đặc biệt là ở phần phát triển thị trường ra nước ngoài.
"Trước những bất cập và hệ lụy trong việc xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, hơn bao giờ hết Nhà nước cần tỏ rõ vai trò định hướng. Mục đích của định hướng nhằm phát triển hài hòa các dòng phim: phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước đặt hàng, phim có giá trị nghệ thuật do Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tài trợ và dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa", TS. Ngô Phương Lan nói.
PGS. TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM - khẳng định tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh. Nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam chưa hội tụ đủ điều kiện cần và đủ để tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới, do chưa có sự đồng bộ, tiên tiến, hiện đại trong hệ thống giáo trình.
"Nhiều ngành học như quay phim, dựng phim, kỹ xảo, đạo diễn âm thanh… càng xác lập vị trí vững chắc trong đầu ra trong bảng ngành nghề đào tạo điện ảnh đương đại", PGS.TS Vũ Ngọc Thanh nêu.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()