Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:45 (GMT +7)
Lý giải 'hiện tượng lạ' sau động đất ở Kon Tum
Thứ 6, 02/08/2024 | 07:23:37 [GMT +7] A A
Việc giếng nước một hộ dân ở Gia Lai có mạch nước ngầm phun lên khỏi mặt đất sau động đất được các chuyên gia lý giải là hiện tượng từng xảy ra nhiều lần ở Việt Nam, sau các trận động đất có cường độ trung bình.
Giếng khoan này của hộ gia đình ông Đàm Xuân Hòa (trú làng Klã, xã Ia Kly). Khoảng 12h ngày 30/7, giếng này bất ngờ phun nước khỏi mặt đất cao khoảng 20m, áp lực hơi nước rất mạnh. Ông Hòa cho biết, đây là giếng nước cũ, trước đây đã khoan 1 lần nhưng không có nước.
Tuy nhiên, sau đợt dư chấn động đất tại tỉnh Kon Tum ngày 28/7, giếng nước có hiện tượng mạch nước ngầm phun mạnh.
Ngày 1/8, ông Đinh Văn Dũng- Bí thư Huyện ủy Chư Prông (Gia Lai) xác nhận, sáng cùng ngày cán bộ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, Bộ TN&MT) đã đến làng Klă (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) để kiểm tra hiện tượng nước ngầm phun mạnh, tạo thành cột nước cao hơn 20m.
Đoàn công tác đã lấy mẫu nước, khí để kiểm tra, phân tích các thành phần thu thập được nhằm đưa ra các khuyến cáo phù hợp; kiểm tra nước và khí có độc hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân hay không.
Ông Dũng cho hay, bước đầu đoàn công tác của Bộ TN&MT đánh giá đây là phun khí chứ không liên quan gì đến động đất ở Kon Tum. Đến sáng nay, giếng khoan vẫn phun khí và hơi nước, chưa có dấu hiệu giảm.
Trong khi đó, theo PGS.TS Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Trưởng Khoa Địa chất Khoáng sản, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, có thể người dân khi khoan giếng gặp tầng đất ngậm nước, áp suất lớn so với các tầng khác. Do đó, người dân khoan tới tầng đất này sẽ xuất hiện nước dạng sương, hơi bay lên không trung. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong địa chất, thủy văn, tuy nhiên vẫn cần có thời gian nghiên cứu để xác định nguyên nhân cụ thể.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các trận động đất có độ lớn 5.0 như tại Kon Tum trưa 28/7 có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước. Ngoài ra, theo TS Xuân Anh, động đất có thể gây ra nứt đất, gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình, gây sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi.
Lý giải vì sao thuỷ điện đang mùa khô hạn, mực nước hồ chứa thuỷ điện không cao nhưng động đất kích thích vẫn xảy ra, TS Xuân Anh cho biết, động đất kích thích không xảy ra ngay sau khi tích nước mà có độ trễ, cần thời gian để nước ngấm xuống, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm mới xảy ra.
PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm, thời gian gây ra động đất kích thích sau hoạt động tích nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô hồ chứa, lượng nước tích trữ và quá trình tích trữ, cần có các nghiên cứu cụ thể hơn đánh giá sự tác động này.
Dòng nước trong giếng phun cao. Video: Trần Hoá (Theo VnExpress.net)
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()