Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 00:12 (GMT +7)
Mắc COVID-19 cần kiêng cữ gì?
Thứ 3, 01/03/2022 | 09:11:53 [GMT +7] A A
Số người nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, rất nhiều F0 hiện đang điều trị tại nhà. Người nhà cũng như F0 đều lo lắng. Một trong những câu hỏi thường gặp là: Người mắc COVID-19 cần kiêng cữ gì khi điều trị tại nhà?
Bình thường, một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, đúng khoa học sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, phòng ngừa và chống lại bệnh tật. Khi mắc COVID-19, chú trọng tới dinh dưỡng và sinh hoạt sẽ giúp người bệnh mau hồi phục hơn. Sau đây là một số lưu ý với người bệnh:
1. Kiêng ăn nhiều đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn...
Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy, cần ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Người bị COVID cần kiêng món ăn chiên, rán, nướng bởi các món này sẽ gây khó tiêu, mệt mỏi thêm cho cơ thể. Nên thay thế bằng các món luộc, hấp, nấu. Nguyên tắc dinh dưỡng là cân đối và đầy đủ năng lượng, đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
2. Kiêng tắm nước lạnh, tắm khi mệt nặng hoặc bản thân có thêm bệnh nền
TS. BS Quan Thế Dân, người từng tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương, khuyên người bị COVID-19 nên cẩn thận trong việc xông, tắm. Ông nhấn mạnh: Người suy nhược nặng, người huyết áp thấp, đang mắc các bệnh tim gan thận nặng không nên tắm mà dùng biện pháp tắm khô: lau người nhanh rồi thay quần áo. Đối với người bệnh COVID-19 nói chung, chỉ nên tắm 2 ngày 1 lần, tắm nhanh, có thể tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 – 10 phút, lau khô người. Không xông hơi hoặc tắm nhiều lần trong ngày vì cũng chẳng làm khỏe hơn mà còn gây hại. Xông hơi quá nhiều lần gây mất mồ hôi, mất các chất muối trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3) : Với khí hậu phương Nam, người bệnh COVID-19 có thể vệ sinh thân thể với nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Gội đầu với nước ấm. Sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt, đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn. Thời gian tắm gội không nên quá lâu (chia tắm và gội vào thời gian riêng), vệ sinh vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm.
3. Kiêng nằm trên giường suốt ngày
Dù mệt mỏi, người mắc COVID-19 nên cố gắng vận động trong khả năng. Trong Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành, chuyên gia y tế khuyên người bệnh cần vận động hợp lý, tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe. Tập luyện, vận động trong giai đoạn này sẽ giúp người bệnh giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn; Tống thải đờm với các trường hợp có tăng tiết đờm;Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp; Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần. Một số bài tập thở, vận động được khuyên dùng cho người bệnh COVID-19 gồm: Các bài tập thở, vận động tại giường, tập giãn cơ, tập thể lực tăng sức bền.
Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường: mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
4. Kiêng căng thẳng, lo lắng
Thời điểm bạn nhận kết quả test COVID-19 dương tính là thời điểm khó tránh được sự lo lắng và căng thẳng. Lo sợ bệnh COVID-19, lo lắng cho người thân, căng thẳng bởi các vấn đề phát sinh do tình trạng dương tính với SARS-CoV-2… Các nghiên cứu đã chứng minh sự lo lắng, căng thẳng không có lợi cho sức khỏe, khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, ảnh hưởng cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Trong Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế chỉ rõ nguy cơ của người mắc COVID-19 khi rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần như: Mất ngủ, khó ngủ, khó tập trung; Ăn uống kém, chán ăn; Các bệnh mạn tính (như bệnh dạ dày, tim mạch…) trở nên trầm trọng hơn; Các bệnh tâm thần có thể trầm trọng hơn; Dễ gia tăng uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn…
Để ứng phó với căng thẳng tinh thần, người mắc COVID-19 nên: Tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên các mạng xã hội… Hít thở sâu hoặc thực hành thiền hàng ngày; Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)… Tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác. Chia sẻ về những lo lắng của bản thân với bạn bè, bác sĩ…
Theo suckhoedoisong.vn
- Giáo viên mắc Covid-19 bị trừ điểm thi đua là cứng nhắc, không phù hợp
- Ngày 28/2: Ca mắc mới COVID-19 lần đầu tăng vọt lên 94.385; Quảng Ninh bổ sung hơn 28.000 F0
- Bộ Y tế tăng hạn sử dụng vaccine Covid-19 Abdala của Cuba lên 9 tháng
- Hội chứng thị giác màn hình do Covid
- Sản phụ mắc Covid-19 sinh con an toàn tại Bệnh viện Bãi Cháy
Liên kết website
Ý kiến ()