Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:49 (GMT +7)
Ngọc Vừng mùa "lộc biển"
Chủ nhật, 08/08/2021 | 07:24:24 [GMT +7] A A
Tháng 7 là mùa hè nóng nực của nắng, gió, của mưa bão, cũng là mùa moi biển về. Xã đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn) lại tất bật những bóng người đẩy te trên bãi, tàu thuyền tấp nập vươn khơi đánh moi. Sự vất vả, những giọt mồ hơi mặn chát đem về vị ngọt cho đặc sản moi biển Ngọc Vừng.
Một chuyến đi biển...
Trung tuần tháng 7, chúng tôi có chuyến đi ra xã đảo Ngọc Vừng. Thời tiết nóng bức khiến quãng đường chừng 20-30 hải lý từ Vũng Đục (TP Cẩm Phả) ra đảo như thật dài. Tới đảo, đón chúng tôi tại cảng, anh Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng, hồ hởi bảo: "Chú ra đảo lúc... trái gió trở trời như vậy lại hay đấy!".
Câu nói lấp lửng khiến chúng tôi vừa tò mò, vừa ngạc nhiên. Tới UBND xã cất đồ, chúng tôi ra thẳng bãi cát Trường Chinh. Tiết trời chiều thật lạ. Nước đứng, gió biển vẫn thổi nhưng phả lẫn hơi nóng. Đằng xa pha lẫn mây đen là ráng chiều vàng rực. Anh Quảng giải thích: Mấy hôm nay trở trời, đứng nước, sắp có áp thấp về. Khả năng moi biển sẽ vào nhiều.
Quả thật, theo tay chỉ của anh Quảng, trên bãi biển người dân xã đảo í ới gọi nhau xuống bãi kéo tay lăm lăm vợt, te (dụng cụ vợt tép hình chữ vu gắn lưới 2 đầu) kéo moi. Thấy tôi tò mò, anh Nguyễn Văn Tiền (thôn Bình Ngọc) bảo: Hàng năm vào giữa hè, moi biển đều đặn xuất hiện kéo dài tới tháng 9 âm lịch. Chính vụ moi là tháng 7 âm. Những ngày thời tiết xấu như này moi sẽ xuất hiện dày.
Theo những người già trên đảo thì có lẽ là do mùa vụ, môi trường nước, mà moi Ngọc Vừng thơm ngon, dày mình hơn hẳn các vùng khác. Từ lâu, cứ tới mùa là moi xuất hiện, một cách hoàn toàn tự nhiên, không theo một quy luật nào. Lúc nổi theo con sóng biển ven bờ, lúc lại nằm dày đặc ngay bờ biển, vì thế chẳng ai can thiệp gì được.
Ngày trước, giá moi “rẻ như bèo” nên các ngư dân thường không đánh bắt. Nay moi quý vô cùng, bởi có thể làm được nhiều món ăn đặc sản, bán khô, làm mắm xuất khẩu và rất được ưa thích.
Thì ra, moi biển là phương ngữ mà người Ngọc Vừng chỉ con tép biển, nhiều nơi gọi là ruốc hay khuyển. Mỗi vùng miền sẽ có nhiều cách khác nhau để gọi loại nhuyễn thể màu gạch non, trong vắt, dài chừng 10 - 40mm này. Đối với bà con xã đảo này, moi được xem là một món quà tuyệt vời từ biển cả. Moi Ngọc Vừng lại càng đặc biệt, nức tiếng là đặc sản béo, ngon và cũng là nguồn thu nhập khá lớn cho ngư dân.
Như nhiều ngư dân khác, đang đẩy te moi trên bãi Trường Chinh, ông Lê Minh Tú (thôn Bình Minh) bảo: Tôi thấy tép nhiều thì ra xúc chơi chơi thôi. Người khác lành nghề còn xúc được nhiều hơn.
Thật ngạc nhiên “xúc chơi chơi” theo người đàn ông chừng 60 tuổi này nói là hơn 1 tạ moi tươi/2 ngày. Tính ra cũng tiền triệu. Câu chuyện với những ngư dân ngoài bãi khiến chúng tôi tò mò. Ở Ngọc Vừng, moi biển có nhiều cách bắt, dùng te nhỏ, khay nhựa, rổ, vợt... và nhiều dụng cụ khác. Moi bắt từ lưới dã gọi là moi dã, kéo lưới ven bờ gọi là moi kéo, dùng lưới, vó ở ngoài khơi gọi là moi te, thậm chí còn dùng đèn dụ moi.
“Chú phải đi xa cùng thuyền mới thấy hết được, có khi thu hàng tấn moi/ngày” - ông Tú nói thêm vào. Đoán rằng cách bắt moi chắc hẳn có nhiều điều thú vị mà có ngồi nghe những tay lão luyện kể cũng chẳng thể hình dung hết. Được người bạn giới thiệu ra xóm gần Cảng (thôn Ngọc Nam), tôi xin được hẹn cho một chuyến ra khơi cùng anh Nguyễn Văn Thụ, ngư dân kỳ cựu trong nghề đánh moi.
Sớm hôm sau, từ 5h, tôi đã chạy xe ra xóm theo lời hẹn. Xóm cảng đã rộn rã tiếng máy nổ, tiếng í ới của ngư dân. Lưới, 3 xách dầu được sẵn sàng, chúng tôi ra khơi. “Đánh moi như này là muộn quá, từ sáng đến giờ có khi họ về được mấy mẻ rồi. May là hôm nay chỉ ra biển thăm dò luồng moi thôi. Chú ngồi yên, anh tăng tốc một mạch là ra đến nơi thôi” - anh Thụ vang giọng át tiếng máy.
Thoáng chốc, tàu đã ra bể. Một khung cảnh nhộn nhịp hiện ra. Hàng chục thuyền nổ máy ròn rã ngược xuôi. Nhiều tàu đánh moi tăng tốc, dần khuất xa tầm mắt của chúng tôi. Anh Thụ chia sẻ: Hiện đang mùa moi nên chỉ cần ra chừng 2- 3 hải lý là có thể đánh được moi. Nếu đúng dịp, chuyến đi - về chừng 3 - 4h, ngày có thể đi 2 - 3 chuyến.
So với te moi ven bờ, đi biển vất vả và đòi hỏi lành nghề. Khác với cách thả lưới đáy thăm dò moi, ngư dân Ngọc Vừng dựng một chiếc thang 3 chạc lớn, cao như… đài quan sát trước mũi tàu. Người được lựa chọn đứng trên thang phải khoẻ, đặc biệt có đôi mắt tinh, bao quát. Hễ thấy đàn moi từ xa thì sẽ phất cờ lệnh cho tàu chạy đón đầu đàn moi.
Chừng hơn tiếng trôi qua, lượn trên khu vực biển Chèo Cóc, Chèo Vàng, đảo Phượng Hoàng… chúng tôi chưa gặp đàn moi nào. Nắng nóng, chiếc thuyền nhỏ lắc lư lướt nhẹ, tôi bắt đầu thấm mệt. Bất ngờ khi quay về khu Cát Hồng Quần, chếch đông đảo Ngọc, đang gật gù trên góc khoang. Dường như bằng linh cảm, anh Thụ bật dạy như lò xo, lao ra trước mũi, chèo lên đài quan sát, phát cờ, hô lớn: “Trúng rồi, quả này phải vài tạ!”.
Theo tín hiệu, anh Thụ đánh tàu ngược hướng bơi, đón đầu đàn moi. Cao ga, đầy mẻ lưới moi. Sức người, sức máy tời, người gồng sức kéo moi lên khoang, anh Thụ cười sung sướng. Nói rồi anh vội vã đánh vội chiếc bè về bờ. Chỉ một mẻ, anh Thụ đã đánh về hơn 2 tạ, thu về chừng 2 triệu đồng. Trong niềm vui đó, mai kia anh sẽ ra biển từ mờ sớm bởi moi sẽ về dày.
Mặn, ngọt đặc sản moi
Sau chuyến biển, ngay trưa đó trong bữa cơm của chúng tôi đã thêm món đặc sản gỏi moi và moi xào. Ngoài nấu canh với mướp, rau đay, mồng tơi, bầu, bí… hay nấu canh chua thì không chỉ ngon mà còn rất bổ, mát. Quả thật đối với người dân Ngọc Vừng, từ đánh moi tới thưởng thức moi từ lâu đã được đúc kết thành nghệ thuật, nét văn hoá biển độc đáo.
Anh Nguyễn Văn Tiền, thôn Bình Ngọc, chủ nhà hàng ven biển, người đầu tiên làm du lịch ở xã đảo Ngọc Vừng, cười bảo: Ngoài cảnh đẹp, mỗi mùa moi về chúng tôi đều có đặc sản này để níu chân du khách. Ngon nhất chính là gỏi moi, cách làm khá cầu kỳ. Để làm món này, chọn mẻ moi tươi, già, mẩy, rửa sạch, vắt ráo nước, cho vào một bát to rồi vắt chanh, ướp chừng vài phút, moi cũng tự mất mùi tanh. Ăn kèm moi là các loại rau gia vị, khế chua, muối, ớt xắt mỏng và lá mui biển. Nhiều khách đến đảo chỉ mong muốn thưởng thức được món đặc sản này ngay bên bờ biển Trường Chinh mới yên tâm ra về.
Đối với người dân Ngọc Vừng, moi còn được mang về làm sạch, phơi khô, làm mắm trở thành đặc sản nức tiếng. Moi tươi phơi dưới nắng 1- 2 ngày sẽ săn mình lại, dùng để chế biến thành các món ngon, như: Moi rim, moi khô rang lá chanh, moi rim lạc hoặc sẽ là chất xúc tác tuyệt vời cho những nồi canh rau tập tàng. Cũng như moi tươi, moi khô thường được xào, rang, hay chiên trứng đều ngon khó quên! Moi khô được bán với giá chừng 80.000 đồng/kg.
Đặc biệt nhất có lẽ chính là mắm moi. “Tùy theo khẩu vị mà cách làm mắm mỗi nơi lại khác nhau. Ở đây, moi sau khi thu mua về phải sàng sảy làm sạch, sau đó rửa lại bằng nước, để ráo. Moi sẽ được cho vào chum sành muối theo tỷ lệ 1/6. Hỗn hợp moi, muối sẽ được đánh tơi rồi phơi ngoài nắng. Sau 10 ngày, mắm nổi lên thì liên tục khuấy đến khi mắm dẻo không nổi lên nữa mới thôi. Để moi chín và chuyển sang vị ngọt, màu tím, mắm phải ủ trong 3 - 6 tháng mới dùng được. Thế nhưng muối moi còn cần phải chọn người bởi không phải ai cũng có thể muối moi” - ông Quảng chia sẻ.
Mắm chắt từ moi muối có vị thơm, sánh, trở thành thứ đặc sản tuyệt ngon. Nhiều người còn ưa thích hơn mắm cá mà còn không dễ mua được. Theo ông Quảng, hiện Ngọc Vừng có khoảng 50 hộ làm nghề bắt và chế biến moi biển. Trong đó có chừng 40 hộ làm nghề xúc moi ven bờ, chủ yếu tập trung ở thôn Bình Minh, Bình Hải.
Số hộ có tàu đi đánh moi ngoài biển chỉ khoảng 10 hộ nhưng sản lượng moi thu về mỗi vụ chiếm 80 - 90% toàn xã. Moi khô và các sản phẩm chế biến từ moi cũng ước đạt 10 tấn/vụ. Trung bình thu nhập của các hộ này cũng đạt vài chục tới trên 100 triệu đồng/vụ. Cá biệt như hộ gia đình anh Thụ có thể đạt 150 - 160 triệu đồng/vụ moi. Thế nhưng vài năm trở lại đây sản phẩm đặc sản này thường tiêu thụ khá chậm và bị ép giá.
Nắng chiều đổ, chuyến đi chúng tôi cũng kết thúc, nhưng nhiều người ở Ngọc Vừng vẫn đang tất bật với moi, mắm. Ra về còn nhớ lời anh Thụ: Trông thế nhưng vất vả lắm, trúng mẻ moi đã đành nhưng nghề này phó mặc vào may mắn. Có những hôm đánh bè ra nhưng trở về thì mặt buồn rầu vì đủ thứ, nào là máy hỏng, giã rách, moi ít... Thế rồi cả những hiểm nguy do thời tiết bất thường, mưa bão. Có ngư dân khi đi đánh moi bị sét đánh đã nằm lại biển nhưng yêu biển, yêu nghề bao đời vẫn phải bám lấy nó.
Quả thật có đi mới biết được nỗi vất vả của nghề và hương vị mặn mòi của đặc sản moi ở xã đảo Ngọc Vừng.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()