Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 16:16 (GMT +7)
Mặn mòi nghề nuôi ngao, nghêu ở Hải Hà
Thứ 2, 18/11/2024 | 14:14:22 [GMT +7] A A
Con ngao, con nghêu đã “bén duyên” với vùng biển Hải Hà hàng chục năm nay. Điều kiện tự nhiên thuận lợi nên việc nuôi ngao, nghêu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và phát triển nhanh chóng với hàng trăm hộ dân khoanh nuôi, thả giống, tuy nhiên những vấn đề về vùng nuôi, môi trường, dịch bệnh... đã khiến cho nghề nuôi ngao, nuôi nghêu ở Hải Hà trải qua bao phen thăng, trầm.
Sàng ngao giữa biển
Một ngày giữa tháng 11, ông Nguyễn Việt Thành, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Thành Vân (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) đưa chúng tôi đi một chuyến trải nghiệm thực tế nghề nuôi ngao mà ông đã gắn bó gần 30 năm qua.
Sau gần 1 giờ đồng hồ trên chiếc tàu gỗ (chiếc tàu trước đây được sử dụng để đưa đón khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, ông Thành mua về để sử dụng cho mục đích đi lại, trông coi bãi nuôi ngao) xuất phát từ một bến cảng ở khu vực gầm cầu Hà Cối chúng tôi đến khu vực Ba Chạc (vùng biển giáp ranh giữa TP Móng Cái và huyện Hải Hà). Neo đậu trên vùng biển khoảng 2 tiếng đợi thủy triều xuống, trước mắt chúng tôi là cả một khu vực bãi triều rộng hàng nghìn ha với hàng trăm khu vực được cắm cọc, quây lưới, mà theo ông Thành thì đó là khu vực nuôi ngao, nghêu, hến hoa... thuộc địa phận các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Hải Tiến, Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) và các xã Cái Chiên, Quảng Minh, thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà).
Khi mực nước trên bãi chỉ còn ngang thắt lưng cũng là lúc các nhóm công nhân lao động của HTX Nuôi trồng thủy sản Thành Vân xuống nước cắm mốc, chuẩn bị máy để đánh ngao. Một máy đánh ngao bao gồm máy tời kéo cào gắn với một chiếc bè mảng phía sau do 3 công nhân vận hành.
Hệ thống máy tời hoạt động, dây kéo được nối với chiếc máng cào rộng chừng 2m, có 3 công nhân chậm rãi bước theo máy. Cứ khoảng 3-5 bước chân, các công nhân lại dùng chiếc xẻng nhựa bản to xúc lên bè mảng phía sau những xẻng ngao trắng. Cứ thế, chỉ khoảng 30 phút đã có cả tấn ngao trắng được đưa lên bè.
Anh Quân, một công nhân đánh ngao người xã Quảng Minh, cho biết: Tôi làm công việc này đã chục năm rồi. Trước đây, việc đánh ngao sang bãi, thu hoạch ngao được làm thủ công nên rất vất vả. Một bãi ngao rộng hơn chục ha phải có đến hơn 20 người đánh trong khoảng 10 ngày, thì nay chúng tôi chỉ cần 3 người đánh trong vòng 3-5 ngày là xong. Hiện nay HTX đang trả công 1.300 đồng/kg đối với công việc đánh ngao giống chuyển bãi và 1.500-1.800 đồng/kg đối với công việc đánh ngao thịt, đóng gói thành phẩm. Toàn bộ khu vực bãi này chúng tôi đang nhận khoán đánh ngao giống sang bãi với tiền công 1,1 tỷ đồng.
Vừa thong thả đỡ những xẻng ngao từ tay anh Quân đưa lên, một công nhân đánh ngao khác tên Sỹ với tay thu nhặt những vỏ hà, vỏ ốc điếu lẫn trong ngao và cho biết: Đây là lần đánh ngao sang bãi thứ 2 của chúng tôi ở khu vực này. Cách đây khoảng 4 tháng chúng tôi thả hơn 250 tấn ngao giống xuống bãi. Do vùng bãi này thuận lợi để con ngao sinh trưởng tốt, nên sau 2 tháng thả giống, chúng tôi lại đảo 1 lần để sang bãi cho con ngao lớn nhanh, đẹp mã. Khoảng 2 tháng nữa, lứa ngao này sẽ cho thu hoạch, ước chừng sẽ thu được khoảng 1.000 tấn ngao thương phẩm.
Mải mê với việc cân đo kích cỡ và phân tích màu sắc của từng mẻ ngao vừa được các công nhân đánh lên, ông Thành giảng giải: Khu vực bãi triều này nuôi ngao nhanh lớn, màu sắc đẹp, nên ngoài thả nuôi, tôi còn sử dụng làm khu vực để sang giống đối với phần lớn lượng giống thả nuôi của HTX. Khu Ba Chạc này mới được chúng tôi “khai khẩn” 3 năm nay. Với gần 100 xã viên, HTX Nuôi trồng thủy sản Thành Vân hiện có diện tích bãi hơn 200ha tại khu vực bãi triều xã Quảng Minh. Năm nay, chúng tôi đã thả nuôi hơn 1.000 tấn giống với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng ngao thương phẩm của HTX ước đạt khoảng 5.000-6.000 tấn với giá bán dao động 11.000-13.000 đồng/kg.
Thăng trầm nghề "đem tiền rải ra biển"
Ông Nguyễn Việt Thành là một trong những người “bén duyên” với nghề nuôi ngao, nuôi nghêu tại Hải Hà từ sớm và giữ nghề đến nay. Giai đoạn 1998-1999, ông Thành sau nhiều năm làm ăn buôn bán tại các tỉnh miền Nam, miền Trung đã mang giống ngao, nghêu từ Bến Tre ra thả nuôi trên bãi triều xã Phú Hải (nay là khu Hải Tân, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) cùng với những bãi thả nuôi ngao từ nguồn giống khai thác tự nhiên của người dân địa phương.
Giống ngao, nghêu từ Bến Tre nhanh chóng thích nghi và sinh trưởng, phát triển mạnh mẽ trên vùng bãi triều Hải Hà. Đều đặn 7-10 tháng/lứa, từ vài chục tấn ngao giống ông Thành đã thu hoạch hàng trăm tấn ngao thương phẩm. Ông Thành dần trở thành một trong số những người nuôi ngao quy mô lớn tại Hải Hà với sản lượng ngao thương phẩm lên tới hàng nghìn tấn mỗi năm.
Từ năm 2005, nuôi ngao, nghêu đã trở thành phong trào ở Hải Hà. Người người, nhà nhà xuống biển quây bãi, dựng chòi nuôi ngao, nuôi nghêu dọc bãi triều các xã Quảng Phong, Quảng Điền (cũ), Phú Hải (cũ), Quảng Thắng (cũ), Quảng Minh, Quảng Thành...
Bãi triều các địa phương ven biển của huyện Hải Hà chật kín hộ nuôi ngao, nghêu, còn rất ít diện tích dành cho người dân đánh bắt, khai thác thủy sản tự nhiên. Cũng vì vậy mà đã không ít lần xảy ra tranh chấp quyền lợi giữa các chủ nuôi ngao, nghêu với người dân khai thác thủy sản tự nhiên trên các bãi triều.
Theo lời ông Thành, khoảng thời gian từ năm 2013 trở lại đây, do việc chính quyền địa phương từng bước siết chặt công tác quản lý bãi triều, cùng với các quy hoạch phát triển KT-XH phủ lên bãi triều và tình hình dịch bệnh... đã khiến cho nghề nuôi ngao, nghêu dần chững lại. Có thời điểm đã khiến nhiều hộ nuôi gặp “khủng hoảng” nặng nề. Ngao chết hàng loạt, trắng bãi, cộng với khó khăn trong tiêu thụ, khiến hàng chục hộ nuôi ngao, nghêu điêu đứng. Người thì hết vốn, dừng nuôi, người thì chuyển đối tượng nuôi sang các loại nhuyễn thể khác như: Ngao hai cùi, ngao sần, ngao hoa, thưng...
Ông Nguyễn Xuân Cai (xã Quảng Minh) cũng là một trong số những người nuôi ngao, nghêu tại huyện Hải Hà từ khoảng năm 2.000 với diện tích bãi triều hiện nay lên tới hàng trăm ha.
Ông Cai cho biết: Sau gần 20 năm nuôi ngao, nghêu với nhiều thăng trầm, đầu năm 2017 tôi chuyển hướng sang nuôi ngao hoa, ngao hai cùi, ngao sần, thưng bằng hình thức lồng treo. Nuôi các loại nhuyễn thể này đòi hỏi nhiều công sức hơn, chi phí nhiều hơn. Hiện nay, tôi thả nuôi hơn 10.000 lồng ngao hoa, ngao hai cùi và hàng chục ha ngao sần, thưng. Tuy nhiên, với giá bán bình quân khoảng 250.000 đồng/kg ngao hoa thương phẩm và hơn 100.000 đồng/kg ngao hai cùi thì nghề này đang cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, ông Cai, hiện nay vấn đề môi trường vùng nuôi, cũng như công tác quản lý bãi triều của chính quyền địa phương đang đặt ra nhiều thách thức đối với người nuôi nhuyễn thể. Hiện toàn bộ diện tích bãi triều từ khu vực cảng Ghềnh Võ tới khu Hải Tân, thị trấn Quảng Hà không thuộc quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản của địa phương. Người nuôi thủy sản ở đây vẫn ương giống ngao, nghêu, thả nuôi ngao hoa, ngao hai cùi theo hình thức “5 ăn, 5 thua”, được vụ nào hay vụ đấy.
Trên vùng viển giáp ranh giữa Móng Cái và Hải Hà đã có 1 mỏ khai thác cát được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với toàn bộ khu vực vùng nuôi của các khu vực lân cận. Việc không được chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ đối với con ngao, nghêu tại vùng biển Hải Hà cũng là khó khăn lớn, ảnh hưởng tới giá tiêu thụ...
Chiều muộn, chúng tôi đi xuồng vào bến, xuôi dòng là hàng chục bè mảng đầy ắp ngao, nghêu vừa được khai thác đang cập bến thu mua tại khu vực gầm cầu Hà Cối. Chị Đỗ Thị Thủy, chủ một doanh nghiệp tại huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) chuyên nuôi trồng, thu mua ngao, nghêu có quy mô lớn nhất miền Bắc, cho hay: Từ nhiều năm nay chúng tôi là đối tác tin cậy của HTX Nuôi trồng thủy sản Thành Vân và hàng chục hộ nuôi ngao, nghêu ở huyện Hải Hà. Có thời điểm mỗi ngày chúng tôi thu mua 70-100 tấn ngao, nghêu tại Hải Hà, nhưng hiện nay bình quân mỗi ngày chúng tôi chỉ thu mua khoảng chục tấn. Con ngao, nghêu ở Hải Hà có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên cạnh tranh rất lớn với con ngao, nghêu của các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()