Tất cả chuyên mục

Trong 2 ngày 22 và 23/11, tại Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật (TP Hạ Long) Đại hội Đại biểu Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 đã thành công tốt đẹp mở ra không khí sáng tạo mới trong ngôi nhà ấm của văn nghệ sĩ. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.
![]() |
Nhà văn Tùng Điển tặng bức trướng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho Hội VHNT Quảng Ninh. |
- Được biết ông từng xuống dự Đại hội Hội Văn học Quảng Ninh nhiều lần, vậy ông thấy không khí ở Quảng Ninh có điều gì khác biệt?
+ Thường thì văn nghệ sĩ nói chung họ chỉ quan tâm đến sáng tác, sáng tác sao cho giỏi nghề. Họ rất quan tâm đến cái tôi của mình mà ít để ý đến những thứ khác. Do đó, những cái tôi cá nhân hay va chạm với nhau. May mắn ở Quảng Ninh văn nghệ sĩ thường rất vui vẻ.
-Thưa ông, nhìn lại nửa thế kỷ phát triển của VHNT Quảng Ninh, ông có nhận xét đánh giá gì?
+ Vùng đất này đã tạo ra những nét rất riêng cho văn học nghệ thuật phát triển. Từ lao động của người thợ mỏ, của những người ngư dân, nông dân Quảng Ninh đã hình thành một dòng VHNT cho vùng đất này, hình thành những văn nghệ sĩ cầm bút chuyên nghiệp. Nó đến một cách tự nhiên như đòi hỏi của cuộc sống. Trước khi thành lập Hội Văn nghệ lực lượng này đã có rồi, xu hướng sáng tác đã có rồi. Thực tế thì những năm năm mươi sáu mươi của thế kỷ trước những văn nghệ sĩ gạo cội tầm cỡ của Trung ương đã về Vùng mỏ thực tế sáng tác. Có những người ăn ở với công nhân mỏ và có cả một tập thơ về thợ mỏ như nhà thơ Huy Cận (tập thơ "Đất nở hoa"). Tôi có thời gian làm việc với nhà thơ Huy Cận, khi kể về quãng thời gian làm than ở Vùng mỏ ông rất hào hứng. Nói thế để thấy rằng, không phải chỉ nửa thế kỷ đâu mà hơn thế nữa, VHNT Quảng Ninh đã được gây dựng và phát triển từ trước đó rồi. Chính những văn nghệ sĩ gạo cội đã về đây gây dựng phong trào, tạo ra những luồng gió mới và một đội ngũ sáng tác mới. Quảng Ninh đã quy tụ lực lượng hùng hậu như vậy nên dễ hiểu vì sao VHNT ở vùng đất này lại có thành tựu to lớn như vậy. Trong đó, có nhiều tác giả được giải thưởng cao của các bộ, ngành trung ương; có 5 người đã được trao giải thưởng nhà nước về VHNT.
Điều đáng mừng là những thế hệ gạo cội đó rất gắn bó với chúng tôi. May mắn cho tôi khi Quảng Ninh là nơi tôi có nhiều gắn bó, có nhiều bạn bè ở đây. Cùng thời với tôi có Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng, Lý Biên Cương, Nguyễn Sơn Hà, Trần Nhuận Minh. Đây là những người bạn văn thân thiết một thời của tôi. Mỗi khi đến với Quảng Ninh là tôi thường tìm đến họ. Bây giờ, cùng thời chỉ còn có Trần Nhuận Minh thôi, thế hệ đó đã qua đời hết rồi.
- Điều đó có làm cho ông bâng khuâng hẫng hụt mỗi khi trở lại Quảng Ninh sau này?
+ Tất nhiên, bâng khuâng, nuối tiếc, hẫng hụt lắm. Nhưng không thể khác được. Thời gian và tuổi tác ai tránh được.
Nhà văn Tùng Điển. |
- Là một nhà văn, ông đánh giá như thế nào về lực lượng văn xuôi Quảng Ninh?
+ Tôi thấy, Quảng Ninh đã có một lực lượng viết văn xuôi đông đảo. Chính lực lượng văn xuôi Quảng Ninh đã tự làm giàu vốn sống của mình, ban đầu là sáng tác tự phát theo nhu cầu nội tại chứ chưa cần đến sự đào tạo bài bản ở trường lớp. Đây là điều kiện hết sức may mắn cho VHNT Quảng Ninh. Bởi vậy, nhiều cây bút ở Quảng Ninh dù chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì cũng thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn như một tác giả đích thực. Thực tế cho thấy, người viết văn ở Quảng Ninh không cần phải đi đâu xa, mà chỉ cần “cắm rễ” vào mảnh đất này là đã có nhiều đề tài phong phú, chất liệu sống ngồn ngộn, thoả sức viết. Thậm chí, ở Vùng mỏ có người lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn than thở rằng mình còn viết ít quá, còn nợ mảnh đất này quá nhiều.
-Nói rộng ra các loại hình khác nữa thì sao, thưa nhà văn?
+ Quảng Ninh là mảnh đất rộng lớn không chỉ sản sinh ra nhiều tài năng VHNT, mà còn là nơi có cơ hội ngay từ những ngày đầu khi thu hút được lực lượng sáng tác đông đảo. Trong giai đoạn nào, lực lượng văn nghệ sĩ Quảng Ninh cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của VHNT cả nước làm nên diện mạo chung cho nền VHNT nước nhà. Nhắc đến Quảng Ninh là công chúng nhớ ngay đến một vùng VHNT khai thác đề tài công nhân, công nghiệp sản xuất than. Đề tài công nhân mỏ không chỉ hấp dẫn với lớp lớp các văn nghệ sĩ trong tỉnh mà còn có sức hút với không ít văn nghệ sĩ trong cả nước. Bên cạnh đề tài người thợ mỏ, Quảng Ninh còn cung cấp hàng loạt đề tài phong phú để các văn nghệ sĩ thoả sức sáng tác, như: Văn hoá tâm linh, Vịnh Hạ Long, biên giới biển đảo, đời sống của các dân tộc thiểu số v.v.. Đặc biệt, trong sáng tạo nghệ thuật, các văn nghệ sĩ Quảng Ninh tỏ ra cởi mở, phóng khoáng, ít bị gò vào khuôn khổ và tương đối nhạy bén để dễ dàng tiếp thu tư tưởng, phong cách, trào lưu sáng tác mới.
Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Hội VHNT Quảng Ninh có thành tích xuất sắc trong 5 năm vừa qua. |
- Theo ông thì điều gì ở Quảng Ninh đã góp phần tạo thành đặc điểm đó?
+ Như trên đã nói Quảng Ninh có nguồn đề tài phong phú. Quảng Ninh được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như một Việt Nam thu nhỏ. Thiên nhiên phong phú rộng mở cảnh quan tươi đẹp. Và đặc biệt nhất theo tôi vẫn là con người Quảng Ninh, chủ nhân của mảnh đất này. Như anh đã biết, người Quảng Ninh có nguồn gốc chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng ra làm ăn sinh sống lập nghiệp gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Nếu nói dân bản địa chắc chỉ có dân tộc thiểu số. Mà đã người từ nơi khác đến thì sẽ mang theo tinh hoa văn hóa ở cố hương ra làm giàu cho kho tàng văn hóa của quê hương mới. Anh cứ để ý mà xem mỗi vùng đất mới thì đều có cơ hội phát triển nhanh hơn, hứa hẹn hơn. Nói rộng ra như nước Mỹ đó thôi, chỉ khoảng 200 năm đã phát triển thành cường quốc giàu mạnh nhất thế giới. Và trên hết, người ở nơi khác đến nên rất ít họ hàng anh em, sẽ không có tư tưởng cục bộ địa phương. Họ sống với nhau bằng sự hồ hởi, cởi mở chân thành, điều đó hình thành khí chất của người Quảng Ninh. Tâm hồn người Quảng Ninh luôn rộng mở, dễ dàng tiếp thu những cái mới, cái văn minh của nhân loại, biết loại trừ những cái không hay của mình để đón nhận cái mới cái tốt đẹp hơn. Con người như thế dễ đi đến đỉnh cao của sự phát triển. Văn nghệ sĩ Quảng Ninh, VHNT Quảng Ninh cũng không nằm ngoài điều đó.
- Thế hệ gạo cội như ông vừa kể đã đi vào dĩ vãng. Nhìn vào lực lượng bây giờ, ông có đặt niềm tin vào họ trong sự kế tục và phát triển VHNT Quảng Ninh?
+ Tin thì vẫn tin. Nhưng để làm được như thế hệ đi trước thì khó lắm. Lực lượng mà tôi vừa kể là hiếm lắm. Làm VHNT là cần tinh chứ không cần đông. Chẳng thế mà nhóm Tự lực văn đoàn có 8 người mà làm được như thế. Rất may mắn cho Quảng Ninh là nhiều thế hệ lãnh đạo đến nay đều rất quan tâm đối với văn nghệ sĩ, với VHNT. Họ chăm lo cho văn nghệ sĩ, đối xử với văn nghệ sĩ rất có tâm, tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, về kinh phí đầu tư để VHNT phát triển. Đơn cử như tờ báo văn nghệ Hạ Long, tôi thấy lãnh đạo tỉnh cũng đang rất quan tâm. Thực tế thì tờ báo sang một cơ quan báo chí chuyên nghiệp làm chắc chắn sẽ đẹp hơn, chất lượng và phát hành tốt hơn. Và văn nghệ sĩ vẫn viết bài, nhận nhuận bút đầy đủ là được. Quảng Ninh cũng làm rất tốt công tác xã hội hóa VHNT. Tất cả sẽ làm cho VHNT tỉnh nhà phát triển mạnh và có nhiều thành tựu trong thời gian tới.
- Cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này! Xin chúc ông có nhiều sáng tác hay hơn nữa trong thời gian tới!
Phạm Học (Thực hiện)
Nhà văn Tùng Điển quê ở làng Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1976, từ một thầy giáo đang dạy toán ở Đại học Thông tin liên lạc thuộc Tổng cục Bưu điện, nhà văn Tùng Điển chuyển về làm cán bộ biên tập ở Nhà xuất bản Thanh niên. Sau đó, ông làm Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn, Chánh Văn phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học. Nhà văn Tùng Điển không ham viết nhiều mà coi trọng cái tinh, cái chất. Ông là tác giả của các tập tiểu thuyết: “Đời góa ", “Ngọn đèn như quả hồng chín", "Người cũ". Nhà văn Tùng Điển đã giành được Giải thưởng cao từ các cuộc thi sáng tác văn học và đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017. |
[links()]
Ý kiến (0)