Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 13:34 (GMT +7)
Mạnh tay hơn nữa với thực phẩm bẩn
Thứ 6, 08/01/2016 | 05:19:14 [GMT +7] A A
Vẫn là câu chuyện cũ nhưng đang “nóng”, được người dân hết sức quan tâm đó là tình trạng thực phẩm bẩn tấn công trong đời sống hàng ngày. Ngay trong những ngày đầu năm 2015, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã bắt giữ, tiêu huỷ 2 vụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.
Vụ thứ nhất, với tang vật 400kg cá và sò không rõ nguồn gốc, chủ phương tiện vận chuyển cũng là chủ hàng khai nhận mua từ Móng Cái và đang trên đường đưa về Quảng Bình tiêu thụ. Toàn bộ số hàng này đã bị buộc tiêu huỷ, đồng thời người vi phạm bị phạt 3 triệu đồng. Vẫn biết đó là mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, song khi thông tin về vụ việc này được công khai trên báo chí thì chắc rằng mọi người đều chung một suy nghĩ về tác hại của 400kg thực phẩm không rõ nguồn gốc ấy nếu được tiêu thụ trót lọt.
Vụ thứ hai, tính chất và mức độ nguy hại còn lớn hơn nhiều khi lực lượng Cảnh sát môi trường của TP Cẩm Phả và Công an phường Cẩm Trung phát hiện tại một gia đình hơn 200kg thịt gà đã bốc mùi; trong đó, 46kg đã qua sơ chế còn 160kg được đóng trong 16 hộp đông lạnh. Không chỉ vậy, số gà sơ chế được để cạnh một rãnh nước thải. Theo khai báo, số thịt gà này được mua với giá 50.000 đồng/kg và cũng không có nguồn gốc; sau đó, sẽ được đưa ra chợ bán gần gấp đôi (90.000 đồng/kg). Đây cũng không phải là lần đầu tiên họ kinh doanh thiếu lương tâm như thế này. Cũng như vụ việc nói trên, cùng với tiêu huỷ số thịt gà, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Được biết, cũng trong 2 ngày cuối năm 2015 (24, 25-1), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh đã liên tục kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý 4 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ, tiêu huỷ trên 3 tấn hàng hoá, thực phẩm (750kg mực đông lạnh, 1.240kg lòng lợn đã qua sấy, 155kg lòng lợn tươi, 300kg quýt, 1.550kg sò…) nhập lậu.
Hôm qua, tại hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của LĐLĐ tỉnh, một trong những nội dung phát biểu của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính là vấn đề đảm bảo bữa ăn an toàn cho người lao động trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan như hiện nay.
Trước đó, ngày 4-1, tỉnh đã tổ chức tổng kết công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ: Chúng ta không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hơn 1 triệu người dân Quảng Ninh mà còn phải có trách nhiệm với 8 triệu du khách mỗi năm, cũng như hàng nghìn công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong các phát biểu tại hội nghị này, hầu hết đều tập trung nhấn mạnh về vai trò của công tác tuyên truyền mà trong đó cần chú trọng đặc biệt tới việc chỉ rõ, nêu đích danh những cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo tại hội nghị này, trong năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức 815 lượt đoàn thanh tra, kiểm tra 19.880 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua đó, đã phát hiện 3.578 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 18%) song báo chí lại không có danh sách để công khai những cơ sở này. Chính đồng chí Giám đốc Sở Công Thương cũng đã thẳng thắn thừa nhận chưa thực sự làm tốt khâu này.
Không thể chần chừ thêm nữa, nếu chúng ta không mạnh tay với thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng giờ đã thận trọng trong mua bán. Nhưng vẫn còn một bộ phận người kinh doanh chưa đặt chữ “tâm, tín” lên hàng đầu. Sẽ không thể nói được hết những hậu quả của thực phẩm bẩn khi chúng xâm nhập trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Do vậy, phải thực sự mạnh tay hơn nữa trong công tác xử lý và áp dụng các hình thức sau xử lý để loại bỏ kiểu kinh doanh bất chấp tất cả để tàn phá sức khoẻ cộng đồng.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()