Tất cả chuyên mục

Với những tính năng ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, việc chế tạo thành công máy xúc lật hông VMC E500-1 sử dụng trong dây chuyền đào chống lò của Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin đã xuất sắc trở thành một trong 2 giải pháp đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV. Đặc biệt hơn, giải pháp này đã đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành cơ khí than nói riêng và cơ khí cả nước nói chung khi từng bước giảm phụ thuộc vào các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
![]() |
Máy xúc lật hông VMC E500-1 đang được chế tạo tại Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin. |
Ngay từ những năm 2000, để phục vụ công tác đào, chống lò hầu như toàn bộ các công ty khai thác than hầm lò đều sử dụng máy xúc lật hông với dung tích gàu từ 0,3-0,6m3 như ZCY60 của Trung Quốc, máy xúc 612C do Ba Lan sản xuất... Ước tính có khoảng 160 chiếc đã được nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, các loại máy xúc này có giá thành nhập khẩu khá cao, trung bình khoảng 80.000 - 100.000USD/chiếc. Đáng chú ý là do phải nhập khẩu nên các đơn vị không chủ động được kế hoạch sản xuất, đồng thời ở các dòng máy này, với kết cấu gối đỡ cần gàu, gối đỡ xi lanh nâng cần được hàn cứng với thân máy nên khi đổ tải phải quay cả máy để đưa gàu tới phễu và đổ đất đá lên băng tải vận chuyển ra ngoài. Như vậy, trong các đường lò có tiết diện nhỏ thì đây là một trở ngại lớn và làm giảm năng suất lao động.
Trước thực trạng trên và dự báo trong thời gian tới, nhiều đơn vị sẽ có nhu cầu thay mới, bổ sung thiết bị máy xúc lật hông để đáp ứng kế hoạch sản xuất và tiến độ đào chống lò, năm 2010 Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã giao cho Công ty CP Chế tạo máy thực hiện dự án “Thiết kế, chế tạo máy xúc lật hông VMC E500-1 dung tích gầu 0,5-0,6m3, sử dụng trong dây chuyền đào chống lò thay thế nhập ngoại”. Trước nhiệm vụ của Tập đoàn đặt ra, Công ty đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật đi khảo sát một số thiết bị tại Công ty Than Mông Dương, Khe Chàm... Sau một thời gian nghiên cứu cùng với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực chế tạo máy và dựa theo các tài liệu của nước ngoài, nhóm tác giả do anh Triệu Hải Vân (Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty) đã thiết kế, chế tạo thành công máy xúc lật hông sử dụng cơ cấu quay cần với góc quay ±25 độ (thay vì quay cả máy như máy xúc lật hông ZCY60 của Trung Quốc), để đưa gầu tới vị trí đổ tải giúp cho thiết bị tăng năng suất lao động, hoạt động tốt cả trong các đường lò hẹp.
Năm 2012, sau khi được chế tạo, lắp ráp hoàn chỉnh, kiểm tra vận hành không tải, có tải, kiểm tra an toàn phòng nổ đạt yêu cầu, Công ty CP Chế tạo máy đã phối hợp với Công ty CP Than Hà Lầm tổ chức đưa máy vào thử nghiệm trong hầm lò mức -300. Qua 3 tháng thử nghiệm cho thấy, trong 1.183 giờ, máy hoạt động rất ổn định, lượng đất đá bốc xúc đạt 4.955m3. Có nghĩa là trong 1 ca sản xuất, máy bốc xúc được 25,2m3 (tương đương với 8 xe goòng loại 3 tấn), trong khi đó máy xúc lật hông ZCY60 (Trung Quốc) chỉ bốc xúc được lượng đất đá cho 6 xe goòng 3 tấn. Như vậy, năng suất bốc xúc đất đá của máy tăng gấp 1,33 lần so với máy ZCY60 (Trung Quốc). Từ kết quả nghiệm thu trên, sản phẩm đã được Bộ Công Thương cấp phép cho chế tạo mức quy mô công nghiệp. Hiện, Công ty CP Chế tạo máy đã xuất bán được 10 máy cho các đơn vị khai thác than trong Tập đoàn, thu gần 17 tỷ đồng. Các đơn vị sử dụng đều đánh giá rất cao chất lượng của loại máy này khi có một số tính năng ưu việt hơn so với thiết bị cùng loại nhập khẩu, đó là giá thành thấp, khả năng hoạt động linh hoạt, xích di chuyển dễ dàng hơn, khả năng xúc, đổ thuận tiện hơn... Được biết, để nâng cao chất lượng và giảm tối đa giá thành cho sản phẩm, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm với mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm từ 40% lên đến 60-70% trong giai đoạn 2014-2015.
Nhận xét về giải pháp này, ông Đinh Quang Hải, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần IV cho biết: “Trong số 203 giải pháp của 340 tác giả và đồng tác giả thì đây là một trong 2 giải pháp đã được Ban Tổ chức đánh giá rất cao và trao giải Nhất. Bởi lẽ việc thực hiện đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm này là một hướng đi tích cực, cấp thiết nhằm hiện đại hoá công nghệ, thiết bị khai thác than, nâng cao năng suất và hiệu quả khai thác than. Với những giá trị, ý nghĩa thực tiễn và khả năng nhân rộng đã được khẳng định, giải pháp là bước đột phá của ngành cơ khí hầm lò”.
Hoàng Nga
Ý kiến (0)