Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:19 (GMT +7)
Mẹo giải rượu, bia bảo đảm an toàn sức khoẻ
Thứ 3, 02/05/2023 | 08:25:13 [GMT +7] A A
Tùy cơ địa và thể trạng của mỗi người mà việc uống bao nhiêu rượu sẽ khiến có thể người uống say xỉn nhanh hay chậm. Bởi vậy, việc lựa chọn cách giải rượu thế nào để an toàn cho sức khỏe rất quan trọng.
Bác sĩ chuyên khoa I Lý Gia Cường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, say rượu là trạng thái khi cơ thể hấp thụ một lượng rượu đủ lớn làm cho nồng độ cồn trong máu tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi uống nhiều rượu, các chức năng của cơ thể và não bộ sẽ chậm lại đáng kể, dẫn đến các tình trạng: Khả năng phán đoán kém; cơ thể thiếu sự phối hợp; nhịp thở chậm lại; các vấn đề về thị lực; buồn ngủ; mất thăng bằng; say rượu có thể gây co giật, mất nước, chấn thương, nôn mửa, hôn mê, thậm chí tử vong.
Các biểu hiện của di chứng say rượu sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, những người chung quanh cần đưa người say rượu đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng như: Nhịp thở không đều; thở chậm, ít hơn 8 lần mỗi phút; rối loạn nhịp tim; hạ thân nhiệt; lơ mơ; co giật, động kinh; da nhợt nhạt hoặc tái xanh; nôn mửa nhiều lần; hôn mê
Nếu uống quá nhiều rượu, nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hôn mê, hạ thân nhiệt, lú lẫn, suy hô hấp và cần được cấp cứu. Trường hợp nồng độ cồn trong máu từ 4-5g/l có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, khi say rượu, cơ thể bị mất nước thông qua nôn mửa, đổ mồ hôi,… khiến cơ thể mất nước trầm trọng, nguy hiểm tính mạng.
Cách giải rượu, bia nhanh hiệu quả cho người say ở mức độ nhẹ
Nước ép hoa quả tươi cung cấp thêm nước và carbohydrate, những chất vô cùng cần thiết cho quá trình giải rượu. Một trong những biện pháp giải rượu bia tại nhà dễ dàng nhất chính là uống nhiều nước. Uống nước giúp phục hồi lượng chất lỏng cần thiết và có thể giúp máu và hệ tuần hoàn vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đến các mô, đồng thời loại bỏ chất thải và các chất độc hại sau khi tiêu thụ rượu quá mức.
Các loại trà thảo mộc như trà gừng giúp cho cơ thể tỉnh táo hơn. Ninh đậu đen cho mềm rồi uống, mỗi lần một chén cũng có tác dụng giải rượu.
Nước dừa chứa nhiều chất điện giải và nhiều dưỡng chất khác như natri, kali; vì vậy uống nước dừa giúp bổ sung nước và vượt qua cơn say dễ hơn. Thậm chí, có nghiên cứu chỉ ra rằng nước dừa có tác dụng bù nước hiệu quả như đồ uống thể thao truyền thống.
Nước lọc, sữa, nước cơm, nước cháo loãng, mật ong,… vừa có tác dụng bổ sung nước, các chất điện giải, giúp giảm các triệu chứng do say rượu gây ra và đồng thời phòng hạ đường huyết hiệu quả.
Để giải rượu, có thể cho người say ăn cháo trắng, loãng và cho ăn khi còn nóng để ra mồ hôi, giảm nồng độ cồn trong máu. Trứng luộc hoặc cháo trứng rất tốt cho người chưa tỉnh rượu. Phở gà giúp bổ sung nước và muối bị mất do rượu, đồng thời cung cấp acid amin tự nhiên - cysteine giúp gan giải độc rượu.
Các loại hoa quả như chuối giàu kali, các loại trái cây mọng nước như: cam, chanh, bưởi, dưa hấu… cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp người say rượu phục hồi đường ruột và làm dịu dạ dày. Những loại trái cây này còn chứa nhiều chất xơ, rất tốt cho quá trình tiêu hóa. Ăn sữa chua cũng có thể giúp cơ thể tiêu hóa rượu nhanh hơn, hạn chế chất độc trong rượu xâm nhập vào máu.
Những sai lầm khi giải rượu
Có rất nhiều điều mà mọi người thường lầm tưởng khi chăm sóc cho người say rượu, làm cho sức khỏe họ bị giảm sút, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Một trong những sai lầm uống rượu phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải là cho người say uống nước chanh hoặc đồ uống chua. Tuy nhiên, nếu trong cơ thể người say vẫn còn nhiều rượu dễ làm tổn thương dạ dày và buồn nôn do bị dư axit.
Việc gây nôn cho người say nếu không được chú ý dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trường hợp sau khi uống rượu vẫn tỉnh táo, có thể nói chuyện bình thường thì có thể gây nôn.
Với người rơi vào trạng thái hôn mê, nếu gây nôn thì cực kỳ nguy hiểm. Làm vậy khiến người say dễ bị sặc, chất nôn nhiều sẽ tràn vào phổi gây viêm phổi. Bên cạnh đó, ngay sau khi uống rượu cần hạn chế ra ngoài, đặc biệt khi thời tiết lạnh dễ làm giãn mạch máu và hạ thân nhiệt đột ngột.
Không nên cố tìm đến những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải rượu. Thuốc giải rượu chỉ có thể bù đắp phần nào một số vitamin, muối, đường… chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn các triệu chứng như hôn mê, ức chế, suy nhược thần kinh do ngộ độc rượu.
Khi có các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt,… trong nhiều giờ sau khi uống cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Việc sử dụng thuốc giảm đau sau say rượu cũng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Theo chuyên gia này, triệu chứng phổ biến nhất khi say rượu là đau đầu. Nhiều người có thói quen bổ sung thêm vitamin B1, B6, axit folic… và các loại thuốc đau đầu khác trong khi đang say.
Thế nhưng, paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt uống cùng với rượu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây xuất huyết tiêu hóa và tổn thương gan nghiêm trọng.
Tránh say rượu bia ngày lễ
Nên sử dụng đồ ăn có chất béo, sẽ giúp thẩm thấu lượng cồn, vì vậy chúng có thể chống say rượu và giảm các tác động của cồn tới cơ thể.
Bạn có thể ăn cơm, sẽ giúp hạn chế rượu tiếp xúc với niêm mạc dạ dày và ruột, giúp uống rượu lâu say hơn. Sữa sẽ làm giảm khả năng hấp thụ cồn của dạ dày, giúp gan có thêm thời gian để loại bỏ cồn trước khi cồn xâm nhập vào hệ thống thần kinh.
Mẹo giúp uống rượu không say chính là nên bổ sung đủ nước để tránh tình trạng cơ thể mất nước. Có thể bổ sung nước trước, trong và sau khi uống rượu bia.
Nếu phải uống, thì nên uống đồ có cồn từ từ để giúp gan có thời gian để chuyển hóa cồn, giúp giảm các tác hại của rượu lên cơ thể.
Đặc biệt, không trộn lẫn đồ uống cồn với nước có gas, sẽ làm cho cồn được hấp thụ vào cơ thể nhanh hơn. Việc này còn làm hại đến các cơ quan khác trong cơ thể như dạ dày, tim mạch,.. làm cho cơ thể dễ bị tiêu chảy hoặc nặng hơn phải nhập viện.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()