Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:24 (GMT +7)
Móng Cái: Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Thứ 7, 17/02/2024 | 14:04:05 [GMT +7] A A
TP Móng Cái đã và đang thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng NTM nâng cao theo hướng chuyển từ "lượng" sang "chất".
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, TP Móng Cái đã kịp thời phê duyệt 2 đề án: Đề án xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển sản phẩm OCOP TP Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 số 1923/QĐ-UBND ngày 23/3/2022. Trong đó, chú trọng, ưu tiên mọi nguồn lực, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và đô thị thông minh.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, thành phố tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở vật chất giáo dục đào tạo; cấp nước, thoát nước và xử lý rác thải, nước thải; đê điều... Tổng vốn đầu tư công năm 2023 gần 850 tỷ đồng, phân bổ cho 113 công trình, hạng mục, nội dung đầu tư (70 công trình chuyển tiếp, 43 công trình khởi công mới).
Đến nay, 100% các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm thành phố, hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được đầu tư trải nhựa hoặc đổ bê tông, cứng hóa; hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế được đầu tư đã phủ kín 100% các xã, thôn, bản; hệ thống thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở xã, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông (hiện trên địa bàn thành phố có 272 trạm BTS; tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động, cáp quang đạt 100% các khu vực dân cư trên địa bàn thành phố; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 91,79%); công trình cấp nước tập trung (hiện tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (10.345/10.345 hộ). Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN là: 8.632 hộ, đạt 83,44%)... được quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp ngày càng bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Song song với đó, cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất khu vực nông thôn chuyển đổi theo hướng tích cực, trong đó kinh tế tập thể từng bước được quan tâm phát triển, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu nông sản góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thành phố đã phát triển 6 chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP của thành phố: Chuỗi liên kết sản xuất tôm thẻ chân trắng, lợn Móng Cái, dược liệu, bò thịt, trồng rừng theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn thành phố hiện có 643 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT; 117 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp mã vùng nuôi.
Chương trình OCOP tại TP Móng Cái từng bước khẳng định đúng hướng, tạo ra phong trào khởi nghiệp tại một số xã, phường. Hiện thành phố đã có 8 tổ chức kinh tế tham gia với 42 sản phẩm. Trong đó, có 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3-4 sao cấp tỉnh, 11 sản phẩm được chấp thuận tham gia chu trình OCOP. Đặc biệt, đã có 3 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm: Tôm chân trắng Móng Cái; ghẹ Trà Cổ; lợn Móng Cái. Trong đó, sản phẩm chủ lực cấp quốc gia là lợn Móng Cái...
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được quan tâm thực hiện, có nhiều chuyển biến, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường thôn, xóm xanh, sạch, đẹp.
Hiện thành phố cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 100% xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; có ít nhất 3 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; các xã NTM kiểu mẫu của thành phố dẫn đầu khu vực miền Đông và toàn tỉnh về phát triển sản phẩm chủ lực, chuyển đổi số trong nông thôn.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()