Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:22 (GMT +7)
Một chuyến tuần tra cùng CBCS Hải đội 2
Thứ 5, 01/12/2022 | 12:01:00 [GMT +7] A A
Bến tàu Hải đội 2 (BĐBP tỉnh) ngày cuối năm có 3 tàu tuần tra đồng loạt xuất kích hướng về vùng biển TP Móng Cái. Sau hơn 7 tiếng đồng hồ ngược chiều gió mùa Đông Bắc, đội tàu đã đến được vị trí neo đậu tại Đầu Tán (xã Vĩnh Thực) lúc trời nhá nhem tối.
Sau khi tìm vị trí đỗ thích hợp, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiệu cho hay: Để giữ bí mật hoạt động cho đội tàu nên hôm này chúng tôi phải đi đường vòng xa gấp 3 lần đường đi hằng ngày.
Hơn 18h, tôi theo 6 CBCS xuống xuồng tuần tra, đích đến là khu vực biển cửa Đài (tiếp giáp giữa đảo Cái Chiên và đảo Vĩnh Thực). Nhìn từ xa đã thấy có hơn chục ánh đèn tín hiệu đi đêm của những con tàu khai thác thủy sản. Xuồng tuần tra tiếp cận mục tiêu, một loạt hoạt động kiểm tra, bắt giữ được đội tuần tra triển khai, từ việc quay video, chụp ảnh, đến tuyên truyền, giải thích lỗi vi phạm của chủ tàu... Sau gần 2 giờ, đội tuần tra đã bắt giữ 5 phương tiện, 14 người có hành vi sử dụng ngư cụ cấm là chã cào khai thác sò nhám, làm hủy hoại môi trường biển.
Trên đường đưa các phương tiện vi phạm về cảng Vạn Gia, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiệu cho hay: Số lượng tàu vi phạm nhiều, nhưng thường khi bắt giữ 1 chiếc thì những chiếc xung quanh biết và thu giã cào rồi bỏ chạy. Hiện đội tuần tra thực hiện phương án đi đến tàu nào là đưa cán bộ biên phòng lên đó rồi di chuyển đến tàu khác, nên bắt giữ được nhiều tàu vi phạm hơn. Kỷ lục như đêm 15/10 tại vùng biển huyện Hải Hà, đội tuần tra bắt giữ 9 tàu. Chỉ tính trong tháng 10, đơn vị đã phát hiện và bắt giữ tổng số 25 vụ, 25 phương tiện, 65 đối tượng vi phạm khai tác thủy sản trái phép, xử lý vi phạm hành chính 151 triệu đồng.
Ngư dân Ngô Doãn Tĩnh (quê ở Quảng Yên) mới chuyển sang giã cào được 2 ngày thì bị bắt giữ. Theo anh Tĩnh cho biết, làm nghề truyền thống, mỗi đêm thu được 2-3 triệu đồng, chỉ đủ ăn và chi phí xăng dầu. Còn làm giã cào sò nhám, mỗi đêm thu hoạch khoảng 100 bao (mỗi bao 50kg), giá bán mỗi bao 100.000-120.000 đồng, thu nhập cũng được hơn chục triệu đồng.
“Ban đầu chỉ có ngư dân tỉnh Thanh Hóa biết khai thác, dần dần ngư dân Quảng Ninh làm theo, giờ cũng có khoảng hơn 100 tàu tham gia khai thác” - Anh Tĩnh cho biết thêm.
Sò nhám vốn không phải là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng, cũng như giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá ghẹ... để con người sử dụng, mà là nhóm động vật thân mềm 2 vỏ màu trắng xám, có kích thước không quá 1cm. Loài sò này được dùng để chế biến thức ăn cho tôm hùm. Đặc điểm sinh học của sò nhám là có chu kỳ sống rất ngắn, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12 hằng năm.
Quy luật của thị trường những năm qua, dòng chảy hải sản thường được thu mua từ các tỉnh miền Nam ra miền Bắc và có nhiều mặt hàng được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Đối với sò nhám lại có con đường ngược, năm 2022 là năm đầu tiên ngư dân Quảng Ninh “tập tọe” sử dụng giã cào khai thác sò nhám đã làm cho vùng biển của tỉnh “dậy sóng”. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh cần sớm có biện pháp ngăn chặn hoạt động khai thác sò nhám để quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững trên vùng biển Quảng Ninh.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()