Tất cả chuyên mục

Tác giả Trần Ngọc Dương vừa được NXB Công an nhân dân tài trợ cho ra mắt tiểu thuyết “Buông”. Tiểu thuyết cảm động này kể về những người lính trẻ trải qua một trận chiến lớn trong cuộc đời mình.
![]() |
Trang bìa cuốn tiểu thuyết. |
Các nhân vật Giang, Bình, Thịnh, Keng và Liên Tâm trải qua bao cung đoạn cuộc đời nhưng vẫn gắn bó với nhau xuyên suốt tác phẩm. Đó là biểu hiện đẹp đẽ về nhân cách những người lính giải phóng. Tác giả đã kinh qua đời lính, từng có mặt trong chiến trường miền Nam trước giải phóng nên những kỷ niệm chiến trường đầy ắp trong anh. Qua đó, người đọc biết mỗi người lính Việt Nam Cộng hòa có một tấm thẻ bằng inox, ghi rõ những thông tin cá nhân như số hiệu lính, mã đơn vị, nhóm máu, tôn giáo. Vật còn lại là một bơm tiêm phòng bệnh uốn ván, giảm đau, thương binh có thể tự tiêm để chờ đợi sự hỗ trợ của tuyến sau. Còn mỗi người lính giải phóng, ở nơi xa hậu phương, một năm chỉ được cấp 4 mét vải tự khâu vá để mặc, phải biết thành thạo băng bó, am hiểu kỹ thuật cấp cứu sơ bộ. Có lúc đói vàng mắt, người lính phải ăn phong lương khô, học kỹ năng sống từ rừng, hiểu được tính năng công dụng của những loại thuốc thông thường.
Lính Việt Nam Cộng hòa lấy được cuốn sổ chi chép của Giang. Từ đó biết họ tên, năm sinh, quê quán của Giang để “biến tấu” thành tài liệu chiêu hồi, tuyên truyền trên đài và phát từ chiếc máy bay L19 xuống vùng giải phóng. Hay như quan niệm chủ động “bắt chồng” của một cô gái dân tộc Tây Nguyên. Bị đổ oan, Keng đã lấy lựu đạn ra thề độc, sẵn sàng rút chốt để chết. Thực ra chức năng đàn ông của Keng đã bị đóng băng do căn bệnh sốt rét ác tính. Số phận anh minh chứng cho sự thảm khốc của chiến tranh: Quê hương ngoài Bắc bị một vệt bom B52 rải thảm, gia đình nhà Keng chết hết. Sau hòa bình có về cũng không còn người thân nên Keng ở lại miền Nam xây dựng gia đình với cô xã đội Củ Chi hợp tính anh. Nhưng sâu trong đó là tình đồng chí. Họ yêu thương, thông cảm với nhau từ thời cùng đối đầu với bom rơi đạn nổ.
![]() |
Buông là cuốn tiểu thuyết chân thực được viết với cái nhìn của người trong cuộc. |
Tiểu thuyết phản ánh sự phân hóa sâu sắc trong xã hội miền Nam bởi cuộc chiến gây ra. Các cô gái cùng một lớp học là Thảo Ly, Hạnh Nguyên, Tâm Liên đều là học trò cưng của chính ủy Năm Hòa, khi ông còn là giáo viên của đô thành Sài Gòn. Rồi theo thời gian, cuộc chiến tranh đã phân hóa họ sâu sắc. Thảo Ly trở thành phát thanh viên danh tiếng của đài Cờ Đỏ mà chính quyền Sài Gòn quản lý và chuyên làm nhiệm vụ chiêu hồi. Tâm Liên là chiến sỹ biệt động thành, bị chính quyền Sài Gòn treo giải truy bắt. Và Hạnh Nguyên, một tù binh Việt cộng được trao trả từ chiếc máy bay vận tải lớn C130. Cô đã cởi phăng cái áo in những dòng chữ thóa mạ cách mạng của Sài Gòn, đánh trần trước ống kính các nhà báo quốc tế.
Hay như câu chuyện về số phận cô bé Dương Hoa, là hiện thân của tương lai dân tộc qua cuộc chiến được tác giả phản ánh cụ thể trong tiểu thuyết này. Cô gái được cứu sống từ một căn hầm, trong cứ điểm quân sự mà bộ đội ta đánh chiếm được. Cô bé đã được Giang đưa về giao cho Tâm Liên tại Binh trạm YV 32. Ở đó có trại trẻ của quân giải phóng, nhằm thu nạp, nuôi dưỡng những đứa trẻ bị thất lạc trong chiến tranh bất kể chúng là con ai, thuộc thành phần nào. Giang đưa tấm ảnh của mình và thông tin cá nhân để Tâm Liên làm giấy khai sinh cho cô bé. Tâm Liên đặt tên cô bé là Dương Hoa. Tâm Liên không lấy chồng, cô gắn bó với con bé cho đến ngày Giang tìm gặp, rồi họ trở thành một gia đình đầm ấm.
Cô bé Dương Hoa sau này trở thành bác sĩ. Cô sống vô tư mà không hề biết những người thân yêu nhất, bố mẹ đẻ của mình đã bị cuộc chiến vĩnh viễn cuốn trôi. Họ còn sống hay đã mất, cô không tự biết và cũng chẳng bao giờ biết được. Nỗi đau này hằn lên lý lịch Dương Hoa, một đại diện cho thế hệ trẻ chịu hậu quả của chiến tranh.
Trọng Khang (CTV)
Ý kiến ()