Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:21 (GMT +7)
Một lần xuống lò Nam Mẫu
Thứ 6, 12/11/2021 | 15:39:01 [GMT +7] A A
Đầu tháng 11, chúng tôi có may mắn được cùng xuống lò với các thợ lò Công ty than Nam Mẫu TKV. Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc, để hiểu hơn công việc của các thợ lò, một nghề vốn nhiều nhọc nhằn, vất vả, cả nguy hiểm và vẫn được ví là "ăn dương gian, làm việc trong lòng đất".
Trải nghiệm vào lò
Từ Trung tâm điều hành sản xuất ở mức +125 nằm giữa núi rừng Uông Bí, chúng tôi xuất phát đi lò chợ ở Phân xưởng Khai thác 2 (KT2), một trong những lò chợ tiêu biểu của Công ty Than Nam Mẫu. Hiện ở Nam Mẫu, lò đã khai thác đi sâu xuống mức -150m so với mực nước biển.
Trước khi xuống hầm lò, chúng tôi được Phó giám đốc Công ty Than Nam Mẫu Lê Mạnh Thường nhắc nhở rất kỹ về quy tắc an toàn, cách mặc quần áo, ủng bảo hộ, đội mũ, đeo đèn... Anh cán bộ Phòng An toàn phát cho mỗi người một chiếc bình nhỏ và hướng dẫn kỹ về việc sử dụng "bình tự cứu" đeo bên hông…
Từ ga tời Cáp treo +125, cảm giác lần đầu được xuống lò sâu khiến tôi hồi hộp, háo hức xen lẫn lo lắng. Do quy tắc an toàn, toàn bộ thiết bị, các vật có thể gây cháy, nổ, kể cả điện thoại đều được để lại trên mặt đất. Với máy ảnh, lãnh đạo Công ty linh động cho chúng tôi cầm xuống tác nghiệp nhưng trước đó cũng phải kiểm tra nồng độ khí bởi đèn flash của máy ảnh có thể gây cháy nổ hoặc chỉ cho phép tác nghiệp ở một số vị trí an toàn.
Chúng tôi bắt đầu hành trình xuống lò chợ bằng tời ngựa MDK. Đó là một thanh sắt dài có vị trí ngồi như yên ngựa, có chỗ để chân, dựng đứng, chạy trên một hệ thống ròng rọc, ngồi lên như đang… cưỡi ngựa vậy. Tời ngựa từ từ chuyển động. Ánh sáng sân ga dần bị nuốt chửng bởi hầm tối, xuống sâu -50m. Ròng rọc dốc nghiêng, chạy mỗi lúc một nhanh, xung quanh mịt mùng, như đang… rơi tự do khiến tôi chỉ biết ôm chặt tời ngựa, hồi hộp. Nhiều đoạn nước ngầm trên vòm trần nhỏ xuống ướt áo. Dù đã chuẩn bị nhưng lần đầu đi tời ngựa tôi cũng hơi bị choáng.
“Các chú xuống lò phải hết sức cẩn thận, nên đi theo cán bộ an toàn phía trước để tránh gặp phải sự cố. Chúng tôi quen đường lò rồi, từng ngóc ngách đều nhớ rõ, chỉ sơ ý bước chệch thụt chân, kẹt ray hay vào máng cào là bị tai nạn như chơi” - lời dặn của cán bộ an toàn càng làm tôi hồi hộp.
Sau chừng 20 phút, chúng tôi đặt chân tới sân ga ở mức -50, đi bộ tiếp hơn 1km trong những đường lò ngoằn ngoèo tới ga song loan - thiết bị chở người như đoàn tàu cỡ nhỏ chạy trên ray trong lò. Song loan đưa chúng tôi đi chừng hơn 3km chỉ trong vòng 20 phút tới lò chợ KT 2. Thật kinh ngạc vì ở sâu trong lòng đất, một hệ thống đường hầm chằng chịt kéo dài tít tắp. Càng vào sâu, đường lò càng tối, nhỏ dần, nước tí tách rơi xuống từ vòm. Nhiều đoạn nền lò ướt nhoẹt, nhão nhoét, ủng ngập bùn than.
Có những vị trí chúng tôi phải đu, trượt vì độ dốc trong lò cao; có chỗ phải trườn người qua, cúi thật thấp mà đầu vẫn vài lần va vào xà sắt đau điếng dù đội mũ bảo hộ. “Thế mới hiểu thế nào là vất vả, cẩn trọng trong lò. Có thế mà nhiều người vẫn nói là “chui lò” chứ không nói đi lò là vậy"- anh Thường đùa vui.
Ở độ sâu -50, càng đi vào sâu, cứ mỗi bước chân, chúng tôi đều cảm nhận rõ bầu không khí như đặc quánh, bóng tối bao trùm, đặc biệt rất nhiều hơi nước và gió. Mồ hôi chúng tôi túa ra như tắm. Qua một đoạn lò nối chúng tôi đã tới nơi cần tới: Lò chợ Phân xưởng KT2.
Sau cánh cửa đường hầm thông gió, trước mắt tôi là gương than của KT2. Đường lò chợ trần thấp, đột ngột thắt nhỏ lại, bề ngang chỉ chừng được 2-3 người đứng. Cũng từ đây, những vỉa than lấp lánh ánh sáng, li ti bắt đầu xuất lộ lấp lánh dưới ánh đèn lò. Bám dọc vòm lò là chi chít hệ thống chống thuỷ lực, máy móc. Chúng tôi phải chen, nép vào gương than để nhường đường nhau đi, tránh các thợ lò, tránh máy xúc, máng cào đang hoạt động...
Đường lò hẹp, tối, dài chừng 40m. Trên chục người đang đào, xúc hối hả. Tiếng khoan, tiếng máy rít xoe xoé, bụi than lấp lánh bay. Hàng chục bóng đèn loang loáng. Tất cả ai nấy mặt mũi lấm lem bụi than.
Ngơi tay đôi chút, anh Ninh Văn Hiếu, Quản đốc KT2, người to, khá vạm vỡ, có 20 năm làm thợ lò, chia sẻ: Được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, mặt nạ, khẩu trang thế nhưng phải thực sự quen và có sức khoẻ tốt mới làm việc được ở đây.
Trong lò chợ chừng hơn 30 phút, dù đủ bảo hộ, tôi cũng cảm thấy bí thở, ngột ngạt. Thế nhưng anh Hiếu và chừng 10 thợ lò vẫn làm việc như thế suốt 8h/ca. Ra tới ngoài, tôi mới hiểu câu nói giản đơn của anh Hiếu: Sau 8h làm việc trong một môi trường khắc nghiệt, tan ca, được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, được tắm, nghỉ ngơi và uống cốc chè giải khát, hút một điếu thuốc không có gì sánh bằng”.
Đổi thay ở Nam Mẫu
Bước ra từ gương KT2, trên đoạn đường lò rộng, vừa đi anh Thường vừa kể: Thợ lò bây giờ đã đỡ vất vả hơn xưa nhiều, từ thiết bị bảo hộ, tới lao động trong lò. Trước đây, đèn lò của thợ mỏ nặng tới 1,5kg, nhưng bây giờ chỉ chừng 200g. Chiếc "bình tự cứu" trông như bình tông nước kia nhưng rất hữu dụng nếu lò gặp sự cố. Chỉ cần giật nắp, bình trở thành "máy lọc không khí", thợ mỏ sẽ có không khí sạch để thở trong hơn một giờ, có thể thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc chờ cứu hộ.
Quả thật có tới KT2, tôi mới hiểu rõ không khí lao động, sự vất vả, cực nhọc của người thợ lò và cũng hiểu vì sao đây được coi là một trong những phân xưởng tiêu biểu với sản lượng lớn, chất than đẹp.
Nhớ anh Hiếu nói với tôi lúc ngơi tay trong lò chợ, anh chỉ chiếc máy xúc giữa đường lò bảo: Làm lò sợ nhất là đào xúc, cúi nhiều tốn sức, đau lưng, căn bệnh mà bất cứ thợ lò nào cũng ngại. Gần đây máy xúc cỡ nhỏ được đưa vào lò, mỗi lần xúc bằng công suất, sức của 10 thợ lò. Nhờ đó thợ lò chỉ cần khoan, đào ra than thôi. Không phải “xúc bằng tay, quay bằng sườn” thợ lò khoẻ hẳn, năng suất lại cao, lương cao lên. Nay KT 2 đã có 3 cái máy xúc.
Hình ảnh thợ lò phải vận chuyển chống lò, bê và nâng xà khi đào lò đã xa. Việc vận chuyển vật tư, thiết bị đã được áp dụng tời, lò được chống bằng cột thuỷ lực. Nam Mẫu cũng sử dụng hệ thống máy xúc vào trong lò chợ cải thiện năng suất, môi trường làm việc.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thường cho biết thêm: Để đỡ phần vất vả, mới đây, tháng 6/2021, hệ thống máy xúc nhỏ được đưa vào sử dụng ở các lò chợ có tiết diện hẹp. Toàn Công ty đã trang bị 28 máy ở các phân xưởng khác để xúc than, đất đá giúp tiết kiệm nhiều sức lao động cho công nhân.
Nam Mẫu còn đầu tư 6 xe khoan 2 choòng trong các gương lò đá, cơ giới hoá trong quá trình đào lò qua hệ thống thiết bị nâng xà bằng thuỷ lực; hệ thống cầu chuyển tải, hệ thống vận chuyển vật tư bằng tời không để vận chuyển thủ công để tăng năng suất, giảm sức người. Vì thế, ở tất cả các phân xưởng lò chợ của Nam Mẫu đều cho sản lượng cao, trung bình từ trên 1.100 tấn/ngày. Riêng KT2 cao điểm có thể đạt trên 1.200-1300 tấn/ngày.
Bù lại vất vả, thu nhập bình quân của công nhân Công ty Than Nam Mẫu hiện khá cao, đạt 16-16,5 triệu/tháng. Riêng thợ lò khoảng 21 triệu đồng/người/tháng. Ra khỏi lò trên tời ngựa về phòng tắm, tôi được phát bánh mỳ mỏ, uống nước chè đỗ đen như một công nhân ra lò.
Anh Thường kể, trước đây, chui ra khỏi lò, thợ lò đi bộ, mặt đem nhẻm, trông thấy chỉ đôi mắt và hàm răng. Nay, thợ lò được xuống lò bằng tời ngựa, quần áo có người giặt, sau khi tắm rửa là ngồi vào ăn suất cơm nóng hổi tươm tất, chỗ ăn ở, sinh hoạt cũng đầy đủ tiện nghi, ngày nghỉ có thể tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại nhà sinh hoạt mỏ.
Tạm biệt Nam Mẫu, tôi vẫn nhớ điều anh Thường băn khoăn: Tuy Công ty đã nỗ lực, tạo nhiều điều kiện tối ưu nhưng có lẽ chừng đó dường như vẫn chưa tương xứng với công sức của thợ lò vất vả bỏ ra. Công ty mong rằng, sẽ có nhiều sáng tạo, đưa nhiều thiết bị máy móc, giúp thợ lò nâng cao thu nhập, giảm sức lao động, đồng thời với các cơ chế ưu đãi hơn để công nhân gắn bó hơn với ngành nghề đặc thù này.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()