Tất cả chuyên mục

Việc đặt tên đường, tên phố ở Cẩm Phả đã có từ trước năm 1945 (thời Pháp thuộc). Sau khi khu mỏ được giải phóng (1955) tên đường, tên phố bằng tiếng Pháp cùng với những tên phố không phù hợp đã được thay thế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tên đường phố có tên gọi cũ, được truyền đặt từ bao năm về trước vẫn sử dụng theo thói quen mà không biết ý nghĩa, câu chuyện ẩn chứa đằng sau cái tên đó là gì.
Một góc TP Cẩm Phả nhìn từ trên cao. Ảnh: Huỳnh Đăng |
Đã có rất nhiều tài liệu nói về ý nghĩa của hai từ Cẩm Phả hay Cẩm Phổ. Phổ là chỉ vùng đất rộng dài. Cẩm là đẹp như gấm vóc. Cẩm Phổ có nghĩa là khắp nơi rộng dài, đẹp như gấm vóc. Do ngôn ngữ nhiều vùng miền pha trộn, đọc lái thành Cẩm Phả như ngày nay. Là nơi có rừng, có biển, có tài nguyên phong phú và giàu truyền thống cách mạng, nếu có một từ đại diện để người ta phác họa mảnh đất này thì chẳng gì hơn hai tiếng “Vùng mỏ”. Và có lẽ, chỉ cụm từ ấy mới đủ sức gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ về thành phố này.
Nằm bên vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, được bao bọc xung quanh bởi dãy núi Bàn Cờ, Cụm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vũng Đục thuộc địa bàn phường Cẩm Đông, là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của Cẩm Phả mà du khách không nên bỏ qua khi có dịp đến tham quan thành phố công nghiệp than này. Người dân nơi đây kể lại rằng, sở dĩ khu di tích, danh lam thắng cảnh này có tên gọi là Vũng Đục, bởi trước kia nơi đây là một khu vực có nhiều vũng sâu, nước đục và xoáy, là nơi quần tụ của hàng ngàn loài sinh vật biển, với hai dãy núi Bàn Cờ và Hai Vai nối chân với nhau tạo thành. Một điều đặc biệt nữa là ở khu vực này có rất nhiều cá đục ăn theo đàn, kết hợp hai yếu tố trên, người dân vạn chài xưa đã đặt tên cho khu vực này là Vũng Đục.
Ở phường Cẩm Bình có khúc cua một thời mang tên là “dốc cua Tài còng”. Ở khúc cua ấy có cái dốc nho nhỏ, nhưng nay không còn, do đường được làm lại nhiều lần, mỗi lần làm mới lại nâng đường lên, mất luôn con dốc. Cái tên này có từ thời bao cấp. Thời ấy, việc buôn bán tư thương chưa được mở mang như bây giờ, thậm chí còn bị quản lý rất chặt chẽ. Ở đầu đường có bà cụ tên là Tài, lưng đã còng làm nghề bán bánh đa, thuốc lào và nước chè. Khi ấy, trên đoạn đường này có rất ít người bán hàng, nên hàng bánh đa và chè chén, thuốc lào của bà cụ Tài là duy nhất, ai đi qua cũng nhìn thấy, cũng biết. Vậy là đoạn cua này mang tên luôn là “cua Tài còng” hoặc “ngã ba Tài còng” và cái tên đó cứ duy trì suốt đến tận bây giờ. Mặc dù năm 2014, TP Cẩm Phả đã có nghị quyết thay đổi lại tên của nhiều con đường, trong đó “dốc cua Tài còng” được đổi thành ngõ 159, đường Trần Phú (phường Cẩm Bình). Thế nhưng phần lớn người dân ở Cẩm Phả vẫn quen gọi cái tên cũ. Thậm chí vẫn còn ghi trên biển quảng cáo, hoặc các giao dịch khác bằng cái tên này.
Theo những người dân sống lâu năm ở Ba Toa (thuộc phường Cẩm Tây) thì khu vực này từ thời thuộc Pháp có một dãy nhà là nơi giết mổ gia súc (lợn, trâu, bò...) để phục vụ nhu cầu về thực phẩm của toàn dân vùng mỏ ở ngay cạnh khe. Do đó, người ta gọi mượn theo tiếng Pháp là “Abattoir”, ba toa nghĩa là giết mổ. Chiếc cầu bắc qua dòng khe này cũng mang tên là “Ba toa” từ đó. Xưa kia, nước ở dòng khe này rất trong và mát như một dòng suối, ngược dòng lên phía trên núi thường có những hõm, vụng nước sâu rộng rãi, tắm táp thoải mái và những tảng đá to cảm giác giống như Khe Vằn (xã Húc Động, huyện Bình Liêu). Chính vì những lợi thế đó mà người ta chọn khu vực cuối dòng khe này là nơi giết mổ lợn để thuận tiện cho việc vệ sinh, dọn rửa. Ngày nay, do việc biến đổi khí hậu, môi trường và sự tác động rất lớn của con người, nên nước ở dòng khe này không còn được như xưa nữa. Mọi kỷ niệm về dòng suối trong mát chỉ còn trong ký ức.
Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Tại Tân Đảo, các chủ đồn điền, chủ nô người Pháp đã yêu cầu chính quyền Pháp tuyển mộ thêm phu mỏ để đẩy mạnh việc khai thác quần đảo này. Người Pháp gọi họ là người chân đăng (tiếng Pháp là d'engager), có khoảng 12.000 người Việt Nam đến Tân Đảo và Tân Thế giới (tên gọi trước đây của các quần đảo New Cacedolia và Vanuatu, thuộc châu Đại Dương) ở thời điểm này. Đến những năm 1950 - 1960, người Việt ở Tân Đảo đã thoát khỏi kiếp chân đăng. Họ ra ngoài tự lao động, kiếm sống, không phải phụ thuộc vào những ông chủ người Pháp nữa. Nhờ cần cù, chịu khó, chỉ trong một thời gian ngắn, người Việt nhanh chóng có một cuộc sống ổn định, đầy đủ, một số người còn vươn lên thành những người giàu có. Ngay sau khi nhận được lời kêu gọi hồi hương từ Chính phủ Việt Nam, hơn một nửa kiều bào Tân Đảo đã ngay lập tức quay trở về. Chuyến tàu đầu tiên của con tàu "Nữ hoàng phương Đông" đưa kiều bào Tân Đảo về Việt Nam cập bến cảng Hải Phòng vào ngày 12/1/1961, được đích thân Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đón trọng thể ở Phủ Chủ tịch tại cuộc gặp sau đó ít hôm. Từ đó đến năm 1964, đã có 11 chuyến tàu đưa hơn 6.000 Việt kiều Tân Đảo hồi hương. Khi về Cẩm Phả, bà con được chính quyền thị xã khi đó sắp xếp cho ở khu vực nay là khu Long Thạch A, phường Cẩm Thạch, do đó có tên là “dốc Việt kiều”.
Có một chi tiết khá thú vị nói về tình cảm của bà con Tân Đảo, đó là trong chuyến tàu cuối cùng, họ mang theo 11 chiếc xe được mua bằng số tiền mà toàn bộ Việt kiều sống ở Tân Đảo đóng góp, để mang về tặng cho Chính phủ Việt Nam. Một trong những chiếc xe đó là chiếc Peugeot 404 đời mới nhất lúc bấy giờ, đã được sử dụng làm phương tiện để Bác Hồ di chuyển. Khi nhận được chiếc xe, Bác không dùng vì nó tốn xăng và quá sang trọng, Người vẫn thường dùng chiếc Provda của Liên Xô làm phương tiện đi lại chính. Mãi đến những năm cuối đời, do sức khoẻ yếu, việc bước lên chiếc Provda khó khăn hơn vì gầm xe quá cao, lúc ấy, Bác mới sử dụng chiếc Peugeot 404 của kiều bào Tân Đảo tặng. Chiếc xe đó giờ vẫn được trưng bày trong Khu di tích nhà sàn Bác Hồ.
CTV Trương Thành Công
Ý kiến ()