Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:52 (GMT +7)
Mùa cơm mới trên đỉnh Cao Ba Lanh
Thứ 5, 03/02/2022 | 13:59:34 [GMT +7] A A
Tháng 10 âm lịch, khắp các bản làng Bình Liêu ánh vàng trong sắc lúa chín rộ trên những thửa ruộng bậc thang, cũng là thời điểm bà con nơi đây tất bật vào vụ gặt lúa, phơi thóc, chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới. Không chỉ là nghi lễ trong đời sống sản xuất, sinh hoạt gắn với phương thức canh tác nông nghiệp, từ bao đời nay, lễ mừng cơm mới đã trở thành một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh độc đáo, đặc sắc được đồng bào dân tộc nơi đây gìn giữ.
Nhớ ơn nguồn cội
Những ngày giáp Tết, cái lạnh se sắt ở khắp các thôn, bản miền sơn cước, những cánh đào rừng e ấp đã hé nụ hồng khoe sắc. Giữa không gian bao la, khoáng đạt của núi rừng, sắc xuân, không khí Tết đã chạm tới từng nếp nhà nơi đây. Giữ truyền thống như mọi năm, gia đình Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Viên (thị trấn Bình Liêu) đang tất bật chuẩn bị gói bánh chưng. Vụ lúa nếp năm nay được mùa, gia đình đã gặt, phơi khô từ cuối tháng 10, dành lại chia đều cho các con, cháu để mỗi chiếc bánh chưng được gói thật tròn vị.
Bà Viên chia sẻ: Năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống bà con cũng có những khó khăn nhất định, nhưng nhờ vụ lúa được mùa, nhà nhà ai cũng no đủ đón Tết. Đối với đồng bào dân tộc Tày Bình Liêu, không chỉ có Tết Nguyên đán, mà lễ mừng cơm mới vào tháng 10 âm lịch hằng năm ngay khi vụ lúa gặt xong là một nghi lễ rất quan trọng. Đây là dịp để mọi người, mọi nhà bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, là dịp để người thân trong gia đình, thôn bản gặp gỡ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, gắn kết tình thân và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Lễ cúng mừng cơm mới tùy theo sự sắp xếp công việc, thời gian mà các gia đình có thể chọn một ngày bất kỳ trong tháng 10 âm lịch để tổ chức. Song chắc chắn, ngày được chọn là ngày đẹp, để nhà nhà bày tỏ trọn vẹn lòng thành, lời cảm tạ kính dâng lên các vị thần linh, gia tiên.
Nét đặc trưng trong lễ mừng cơm mới của người Tày Bình Liêu là món xôi nếp nấu với nước lá gừng tươi. Xôi được nấu từ gạo nếp ngon nhất vừa thu hoạch, đồ chín, rồi quét nước gừng để có màu xanh đẹp mắt. Nếp mới dẻo thơm hòa quyện với vị nồng ấm của lá gừng đã làm nên một món ăn riêng có. Màu xanh của xôi nếp gừng tượng trưng cho sự tươi non của lúa ngô, gợi nhắc về hình ảnh mùa màng tốt tươi, mang lại cho gia chủ sự no ấm. Mâm cơm kính dâng lên các vị thần, tổ tiên còn có khau nhục, thịt gà, thịt ngan, cá chép..., tuy mộc mạc, nhưng đều là những sản vật của ruộng đồng được bà con nuôi trồng cẩn thận suốt cả một năm để dành làm lễ.
Nét đẹp mang đậm tính nhân văn trong lễ cơm mới của người Tày Bình Liêu còn được thể hiện qua bài khấn gửi lời cảm tạ đến trời đất, các vị thần linh, tổ tiên đã có công khai phá, làm nên ruộng đồng để con cháu được lao động sản xuất, làm ra cây lúa, hạt ngô. Đồng thời, thông báo với tổ tiên kết quả của một năm sản xuất, cầu mong cho những vụ mùa tiếp theo thêm no đủ. Nghi lễ cúng do người chủ gia đình chủ trì, không cầu kỳ về hình thức, song gửi trọn sự thành kính. Thông qua đó, người Tày Bình Liêu muốn gửi gắm bài học giáo dục con cháu về đạo lý làm người, “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn tổ tiên, nguồn cội.
Sau lễ cúng là bữa tiệc mừng được mùa, các thành viên trong gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết sẽ cùng nhau nâng chén rượu nồng, thưởng thức những món ăn truyền thống. Trong bữa cơm ấy chẳng thể thiếu câu chuyện về gia đình, những bài học về cuộc sống để răn dạy, nhắc nhở con cháu, hòa trong điệu hát then với tiếng đàn tính thắm đượm tâm tình.
Gìn giữ một nét đẹp văn hóa
Mùa cơm mới năm nay ở Bình Liêu càng trở nên ý nghĩa, khi các xã, thị trấn đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới. Diện mạo nông thôn của Bình Liêu thay da đổi thịt từng ngày, kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, đời sống nhân dân thêm no đủ, sung túc. Cứ thế, mùa cơm mới này nối tiếp mùa cơm mới khác, dẫu có những thay đổi của nhịp sống hiện đại, dẫu có sự khác nhau trong việc tổ chức tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình, nhưng mỗi lễ mừng cơm mới vẫn luôn giữ trọn vẹn nét đẹp văn hóa, truyền thống của mảnh đất Bình Liêu, gửi gắm ước muốn của nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bình Liêu hiện có trên 800ha ruộng bậc thang trồng lúa trải đều khắp các xã, thị trấn. Qua bao đời, bằng bàn tay, khối óc và sự cần mẫn của đồng bào các dân tộc đã hình thành những thửa ruộng bậc thang trù phú, lớp nọ tiếp lớp kia, trải dài tít tắp về phía chân trời. Đặc biệt, năm 2020 ruộng bậc thang Lục Hồn đã được công nhận là Di tích danh thắng cấp tỉnh. Từ đây mở ra cơ hội phát triển du lịch, gắn với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của ruộng bậc thang Bình Liêu.
Cùng với Hội Mùa vàng Bình Liêu được tổ chức lần đầu tiên năm 2020, lễ mừng cơm mới được tổ chức với đầy đủ các nghi lễ tại đình Lục Nà (xã Lục Hồn). Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Tày ở Bình Liêu. Huyện mở rộng hoạt động, đưa lễ mừng cơm mới trở thành một trải nghiệm du lịch cộng đồng hấp dẫn, mới mẻ, thông qua đưa du khách đến tham gia trực tiếp lễ mừng cơm mới tại các gia đình ở xã Lục Hồn.
Anh Phan Đình Lâm, du khách Hà Nội, chia sẻ: Du lịch Bình Liêu cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thì đặc trưng văn hóa chính là điều để lại ấn tượng với mỗi du khách. Được hòa mình trong không khí rộn ràng của Hội Mùa vàng, thưởng thức những món ăn, nét ẩm thực đặc sắc của đồng bào, cảm nhận trọn vẹn sự ấm cúng, quây quần của gia đình người Tày Bình Liêu trong lễ mừng cơm mới mộc mạc, chân tình, thật sự khiến chúng tôi càng thêm yêu và trân trọng hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S thân thương.
Ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, khẳng định: Thời gian tới, ngành Văn hóa huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong gìn giữ, phát huy giá trị nét đẹp văn hóa của lễ mừng cơm mới nói riêng, các lễ hội truyền thống nói chung. Qua đó, góp phần tạo tiền đề mạnh mẽ cho phát triển du lịch văn hóa, không ngừng khẳng định sức hút, sự khác biệt của du lịch Bình Liêu.
Trước thềm năm mới, không khí đón xuân càng thêm vui tươi, rộn ràng bên những mâm cơm ngào ngạt hương lúa mới. Ai ai cũng tươi vui, tận hưởng vị ngọt bùi của hạt gạo dẻo thơm được chắt chiu từ thành quả suốt một năm lao động, báo hiệu một năm mới sung túc, đủ đầy...
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()