Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Mùa xuân đọc di cảo của Đệ tam tổ Huyền Quang
Thứ 5, 20/01/2022 | 06:43:43 [GMT +7] A A
Cho đến tận bây giờ, thơ của thiền sư Huyền Quang vẫn chưa được hiểu hết, được đánh giá bởi vẻ đẹp thẳm sâu, có phần huyền bí. Ngày xuân, nhàn tản đọc lại những áng thơ xuân của ngài để phần nào cảm nhận được điều đó.
Tôn giả Huyền Quang (1254-1334), tục danh là Lý Tái Đạo là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Đại Việt thời Trần. Ngài là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Học giỏi, ngài đỗ cả thi hương, thi hội. Ngài đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ (tức trạng nguyên) khoa thi năm 1272 và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sứ Bắc triều.
Sau này, ngài từ chức đi tu, thọ giới với thiền sư Bảo Phác tại chùa Vũ Ninh (Bắc Ninh), sau được đức Điều Ngự Giác Hoàng cho theo làm thị giả và ban pháp hiệu là Huyền Quang tu trên núi Yên Tử. Năm Đại Khánh thứ 4 (1317), ngài được Đệ nhị tổ Pháp Loa truyền y bát của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa tịch (1330), ngài kế thừa làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm.
Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334) thời vua Trần Hiến Tông, tôn giả Huyền Quang viên tịch, thọ 80 tuổi. Ngài được thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền sư Đệ tam đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn giả. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ngài được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam.
Không chỉ có vậy, tôn giả Huyền Quang còn là một nhà thơ lớn với nhiều bài thơ còn được lưu lại. Phật sử ghi nhận Ngài là vị thiền sư đạo cao, đức trọng, đa văn bác học. Tác phẩm của tôn giả Huyền Quang gồm có: “Ngọc tiên tập”, “Chư phẩm kinh”, “Công văn tập”, “Phổ Tuệ ngữ lục”. Thơ của tôn giả Huyền Quang chủ yếu ghi lại trong tập “Ngọc Tiên tập” nhưng không được lưu giữ trọn vẹn mà hiện nay lại nằm rải rác ở các nơi. "Ngọc Tiên" tập còn lại được 23 bài thơ ghi trong "Toàn Việt thi tập", "Toàn Việt thi lục", "Hoàng Việt thi tuyển" do đời sau chép lại.
Thơ Huyền Quang thể hiện tình yêu thiên nhiên mãnh liệt. Ở đó, con người và thiên nhiên giao hòa, dường như không có sự tách biệt nào: “Hoa tại trung đình, nhân tại lâu/ Phần hương độc toạ tự vong ưu/ Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh/ Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu”. Bản dịch của Nguyễn Lang như sau: “Người ở trên lầu hoa dưới sân/ Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông/ Hồn nhiên người với hoa vô biệt/ Một đoá hoa vừa mới nở tung”.
Hay như ông viết về hoa mai vàng Yên Tử: “Dục hướng thương thương vấn sở tòng/ Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung/ Chiết lai bất vị già thanh nhãn/ Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông”. Tạm dịch: “Ngửa mặt trời xanh hỏi lý do/ Hiên ngang trong núi mọc mình hoa/ Bẻ về, không để chưng vui mắt/ Chỉ mượn mầu xuân đỡ bệnh già”. Hoa không chỉ để ngắm mà hoa còn làm người ta yêu đời, yêu sống, quên đi mọi gánh nặng của tuổi tác.
Không chỉ hoa mai, hoa cúc cũng đã xuất hiện nhiều lần trong thơ của Huyền Quang: “Đường nhà Tưởng Hủ thông reo gió/ Vườn cảnh Tây Hồ đẹp nét mai/ Nghĩa khí chẳng đồng không ý hợp/ Cúc hoa nở sáng khắp vườn ai...(Cúc hoa). Hay như: “Ngàn sông không đủ thấm lòng già/ Bách vịnh mai hoa vẫn kém xa/ Đầu bạc ngâm hoài vần chửa ổn/ Mỗi khi cúc nở rộn lòng ta”. Ngài quan niệm rằng, làm trăm bài thơ vịnh hoa mai thì cũng không thể nói hết được vẻ đẹp hoa mai. Vì hoa mai nở, tất cả vẻ đẹp của nó dù chúng ta có ngâm vịnh thế nào cũng không thể so bì được với chính nó. Làm thơ tả vẻ đẹp của hoa mai như thể đem nước của ngàn con sông cũng không làm cho con người ta trẻ lại được.
Những bài thơ của tôn giả Huyền Quang phảng phất hương vị thiền nhưng vẫn rất tươi tắn. Bài thơ hoa cúc được ông sáng tác khi tuổi về chiều nhưng lời thơ hàm chứa sức sống trẻ trung: “Hoa tại trung đình nhân tại lâu/ Phần hương độc tọa tự vong âu/ Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh/ Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu/ Xuân lai hoàng bạch các phương phi/ Ái diễm liên hương diệc tự thì/ Biên giới phồn hoa toàn truy địa/ Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly). Trong muôn vàn loài hoa, tôn giả Huyền Quang yêu nhất là hoa cúc, như lời ông tự thú nhận “Lòng thơ qủa thật bối rối vì yêu hoa cúc” (Thi biều thực vị cúc hoa mang).
Khi Huyền Quang hái hoa, không phải để ngắm mà để mượn màu thanh xuân kia quên đi nỗi đau bệnh tật già nua. Cái mà tôn giả hướng đến là mùa xuân của miên viễn, xuân không mùa: “Muốn hỏi trời xanh hoa tự đâu/ Một mình gội tuyết chốn non sâu/ Bẻ về đâu muốn lừa tri kỷ/ Chỉ mượn tình hoa giải bệnh sầu” (Băng Thanh dịch). Hoa mai nở sớm, nở vào cuối đông đầu xuân nơi núi rừng sâu thẳm vẫn rực rỡ, không sợ sương tuyết. Người muốn hướng lên trời xanh mà hỏi hoa từ đâu đến. Bẻ một cành đem về cắm không phải để lừa con mắt xanh những người trí thức thấu tỏ mọi vật mà chỉ là đem hoa đẹp về làm cho lòng người bớt buồn thôi.
Cũng là viết về hoa cỏ mùa xuân nhưng bài thơ “Đề ở chùa Đạm Thủy” giản dị, dường như chỉ tả và gợi chứ không nói rõ cái tình là gì: “Đạm Thủy đình biên dã thảo đa/ Không sơn vũ tễ tịch dương tà/ Nhân qua liễn lộ đầu thiền thất/ Ủng phạm xao chung lạc giản hoa”.
Học giả Huệ Chi dịch như sau: “Bên đình Đạm Thủy cỏ đua tươi/ Mưa tạnh non quang bóng ngả dài/ Tiện lối xe vua vào vãng Phật/ Thỉnh chuông giúp sãi nhặt hoa rơi”. Bài thơ chỉ cho biết, cỏ cây hoa lá tươi tốt qua một cơn mưa tạnh bóng xế tà, cảnh vật này rất có thể là cuối xuân. Tiện đường đi ngang xe vua có ghé vào lễ Phật nhưng ông sư thì đi đâu vắng rồi. Có lẽ ông đang đi lượm hoa ở bên ngoài nên quan hộ giá phải đánh chuông giùm để cho vua lạy Phật.
Thường thì khi tả mùa xuân, người đời đua nhau ca tụng vẻ đẹp của nàng xuân, nhưng trong thơ của ngài Huyền Quang, cảnh sắc của xuân cũng không rực rỡ mà đã bắt đầu phai mờ. Tôn giả lật ngược lại quan niệm thông thường về mùa xuân. Theo quy luật thời gian, mùa xuân cũng không tránh được vô thường: “Hoang thảo tàn yên dã tứ đa/ Nam lâu Bắc quán tịch dương tà/ Xuân vô chủ tích thi vô liệu/ Sầu nguyệt xuân phong kỷ thụ hoa”. Ngô Linh Ngọc dịch thơ như sau: “Tình quê cỏ dại khói mây nhòa/ Quán Bắc cầu Nam bóng xế tà/ Xuân vắng chủ tiếc thơ không tứ/ Gió xuân buồn rượi mấy chùm hoa”.
Mùa xuân không tránh được quy luật của tạo hóa, nhưng thơ xuân của tôn giả Huyền Quang thì dường như đã vượt thoát được quy luật khắc nghiệt của thời gian. Thơ ngài phải sâu sắc, có giá trị thì mới đứng vững được trước dòng chảy thời gian vốn luôn đào thải, loại bỏ đá cuội tầm thường để giữ lại những viên ngọc quý.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()