Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 10:22 (GMT +7)
Mùa xuân là Tết trồng cây
Thứ 6, 27/01/2023 | 07:57:14 [GMT +7] A A
“Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, khắc ghi lời Bác dạy, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, hòa trong không khí đầy vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu năm mới, nhân dân trong cả nước nói chung, Vùng mỏ Quảng Ninh nói riêng lại nô nức thi đua trồng thật nhiều cây, gây thật nhiều rừng. Giờ đây, “Tết Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành nét đẹp, một truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Còn nhớ Tết Trồng cây xuân Nhâm Dần 2022, hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và 5.000ha rừng cây gỗ lớn, giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng từng địa phương, Quảng Ninh đã giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% và nâng cao chất lượng rừng, đồng thời đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Trong dịp Tết Trồng cây xuân Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh trồng trên 650.000 cây, tập trung vào những cây bản địa như lim, giổi, lát… để phát triển rừng gỗ lớn, có trọng tâm, trọng điểm.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “phát triển lâm nghiệp bền vững”, ngành Lâm nghiệp Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu quan trọng, nổi bật là giữ vững mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Lâm nghiệp đạt 11,29%, vượt mục tiêu đề ra. Bảo vệ và phục hồi hiệu quả tối đa gần 122.000ha diện tích rừng tự nhiên; duy trì, củng cố 24.904ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng hiện có. Trong 3 năm qua toàn tỉnh đã trồng được 38.451ha rừng tập trung, tăng 8,9% so với giai đoạn 2017-2019. Riêng trong năm 2022 toàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng tham gia trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát, kết quả đã trồng được 2.288ha, vượt kế hoạch đề ra.
Thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão 2023, Quảng Ninh phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh, trong đó 940.000 là cây lim, giổi, lát, 60.000 là cây gỗ bản địa. Trên cơ sở này, các đơn vị chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu dự kiến cho từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cũng đưa ra những phương án trồng cây xanh của mình, nhằm hiện thực hoá mục tiêu Tết trồng cây đề ra.
Xuân Quý Mão này, các địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào ngày 27/1, tức ngày mùng 6 tết âm lịch. Riêng lễ phát động tại TP Cẩm Phả được lấy làm lễ phát động cấp tỉnh, với địa điểm trồng cây tại một khu vực bãi thải của ngành than. Loại cây trồng chủ yếu là lim, giổi, lát. Trong đó ngay trong ngày đầu phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh phấn đấu trồng đạt 10% kế hoạch, tức 100.000 cây, số 900.000 cây còn lại hoàn thành trong quý I/2023. Quảng Ninh đề ra mục tiêu hoạt động trồng cây đầu năm phải đảm bảo chất lượng, đúng quy trình trồng cây lâm nghiệp. Sau trồng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, trở thành rừng.
Năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55% và nâng cao chất lượng rừng. Tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “phát triển lâm nghiệp bền vững”, khẩn trương hoàn thành rà soát diện tích 3 loại rừng, hoàn thành quy hoạch trồng rừng gỗ lớn; phấn đấu năm 2023 trồng mới ít nhất 2.000 ha lim, giổi, lát ở nơi có đủ điều kiện, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển, tích cực chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Tin tưởng rằng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, mục tiêu đặt ra cho “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão, cũng như kế hoạch trồng rừng của tỉnh sẽ thành công ngoài mong đợi như năm 2022.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()