Tất cả chuyên mục

Đã từng tới thăm nhiều nhà máy, công trường quy mô trong cả nước, thế nhưng, khi đến thăm Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương II (gọi tắt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II) vẫn khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp. Một phần, do đây là dự án nhiệt điện BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này, phần khác - quan trọng hơn, hiếm ở nơi nào mà khẩu hiệu “an toàn là sự sống” lại rõ ràng và nghiêm khắc đến thế.
![]() |
Khẩu hiệu an toàn lao động có ở khắp nơi trong nhà máy. |
Chuyên nghiệp và quyết tâm cao
Khu mỏ Mông Dương, TP Cẩm Phả trong suốt một thời gian dài được biết đến là nơi có lò giếng đứng đầu tiên của ngành Than, nay được nhắc đến là nơi phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD. Dự án với 2 tổ máy và tổng công suất 1.240MW. Chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương với ba cổ đông từ các công ty con của Tập đoàn AES, Hoa Kỳ (51%), Tập đoàn Năng lượng Posco, Hàn Quốc (30%) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc từ Trung Quốc (19%).
Sau khi hoàn tất công tác xây dựng vào nửa cuối năm 2015, ước tính Nhà máy sẽ cung ứng khoảng 7,6 tỷ kWh điện mỗi năm. Với sản lượng điện này không chỉ giải toả “cơn khát” điện vùng trung tâm công nghiệp của tỉnh mà còn cung ứng điện cho những địa phương phía Bắc. Có lẽ vì ý nghĩa đặc biệt đó mà càng đến giai đoạn nước rút của dự án, khí thế lao động ở Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II lại càng rộn rã. Những khẩu hiệu thúc giục, khích lệ đẩy nhanh tiến độ dự án có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Sau 3 năm triển khai dự án với khoảng hơn 32 triệu giờ công lao động, dáng vóc một Nhà máy nhiệt điện quy mô bậc nhất Việt Nam đã dần được định hình. Tiến độ tổng thể dự án đến nay đạt khoảng 97%; tiến độ xây dựng đạt xấp xỉ 93%; tiến độ nghiệm thu đạt 27%. Trong đó, các hạng mục thi công tại tổ máy số 1 đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đến quý I-2015 sẽ chính thức đưa tổ máy số 1 vào hoạt động, hoà lưới điện quốc gia.
Trong thời gian này, trung bình có 359 người nước ngoài và khoảng 4.960 người Việt Nam đang làm việc trên công trường dự án. Cũng có thể coi đây là dự án quy tụ chuyên gia từ nhiều nước nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ở đây có những chuyên gia, kỹ sư mang quốc tịch Pakistan, Venezuela, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngôn ngữ chủ yếu họ dùng là tiếng Anh. Thế nhưng cũng có một vài chuyên gia, kỹ sư có thể trao đổi một vài hội thoại đơn giản với chúng tôi bằng tiếng Việt.
![]() |
Công nhân kỹ thuật làm nhiệm vụ tại công trường. |
Các chuyên gia, kỹ sư và công nhân ở đây được “chuyên môn hoá” khá cao, ai vào việc nấy. Dọc con đường đi vào Nhà máy, ngoài hành lang dự án bố trí khoa học và có hướng dẫn hoạt động trong từng khu vực. Ông David Stone, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương cho biết: Công tác tổ chức hiện đang được thực hiện rất tốt ở tất cả các công đoạn. Chúng tôi cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Cụ thể chúng tôi duy trì họp hàng ngày với các nhà thầu để xử lý công việc phát sinh. Hiện trên công trường, mọi công việc đều được thực hiện với một kỷ luật và quyết tâm cao nhất.
Những gì chúng tôi mục sở thị ở dự án chỉ có thể gói gọn trong hai chữ “chuyên nghiệp”.
An toàn lao Động là sự sống
Vẫn biết, chuyện đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) ở mọi công trường thi công là điều cần thiết và ở đâu cũng phải thực hiện, thế nhưng, thật hiếm có nơi nào lại cho chúng tôi có cảm giác giống như lạc vào “công trường tuyên truyền an toàn” như ở dự án này. Trên mọi ngóc ngách của dự án, có đến cả ngàn pano, áp phích nhắc nhở, tuyên truyền về ATLĐ. Đó là những khẩu hiệu khá đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ được in bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh để ai cũng có thể hiểu được như: “An toàn không phải nhiệm vụ, an toàn là sự sống”, “Dừng việc khi không an toàn”, “Tôi khắc phục ngay khi thấy không an toàn”, “Đảm bảo chắc chắn dụng cụ/ vật tư khi làm trên cao”, “Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ cuộc sống của bạn”...
Nếu bạn là một vị khách, để có được “giấy phép thông hành” đi tham quan Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II, bạn sẽ phải trải qua “khoá học” ngắn chừng 20 phút về ATLĐ trong phạm vi dự án. Trong khoảng thời gian này, các “học viên” được chuyển tải nhiều thông điệp về an toàn vô cùng ngắn gọn nhưng hiệu quả như cách di chuyển an toàn trong khu vực dự án, sử dụng thiết bị an toàn, xử lý nhanh các tình huống xảy ra sự cố mất an toàn... Kết thúc “khoá học” an toàn, chúng tôi được phát thẻ khách, mũ bảo hộ, áo phản quang và giày chuyên dụng. Đợi đến khi đoàn ăn mặc chỉnh tề, đảm bảo đúng yêu cầu, các kỹ sư nhà máy mới yên tâm dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy. Chị Phạm Thị Thuý Hà, phụ trách đối ngoại và quan hệ cộng đồng dự án khuyến cáo với chúng tôi: Để đảm bảo an toàn trong khu vực nhà máy, nếu bạn không trang bị đủ đồ bảo hộ lao động cần thiết thì sẽ được các kỹ sư làm nhiệm vụ an toàn nhắc nhở và yêu cầu rời khỏi hiện trường ngay lập tức. Đấy là khách, chứ nếu là kỹ sư, công nhân ở đây thì có thể vì vi phạm ATLĐ mà bị thôi việc. Đó là kỷ luật nhưng cũng chính là để bảo vệ cho họ. Vì chỉ cần một sơ sảy trong lao động cũng dẫn đến thiệt hại về người, thậm chí rất nhiều người.
![]() |
Biển tuyên truyền về an toàn giao thông. |
Có lẽ chính vì sự cẩn trọng và “kỷ luật sắt” trong ATLĐ nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II được coi là một trong những Dự án an toàn nhất Việt Nam. Từ khi hoạt động đến nay, Dự án chưa có tai nạn lao động nào nghiêm trọng. Năm 2013, Dự án đạt kỷ lục hơn 9 triệu giờ công an toàn không tai nạn, giải Bạc từ Hội Hoàng gia về phòng chống tai nạn (RoSPA) của Vương quốc Anh. Mới đây, Dự án tiếp tục giành được giải thưởng Mũ Vàng từ Tập đoàn AES. Đây là một giải thưởng về an toàn uy tín thường niên của Tập đoàn AES, được thiết lập từ năm 2009 để ghi nhận một doanh nghiệp hoặc một dự án xây dựng duy nhất của AES đã minh hoạ việc đặt an toàn lên hàng đầu; thiết lập những kỹ thuật và thực hành an toàn mới có hiệu quả và cải tiến vượt trội về an toàn qua những kỹ thuật và thực hành mới này.
Lời kết
Mỗi năm, ở các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh có đến cả ngàn tai nạn lao động lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có những tai nạn lao động rất đau lòng, khiến nhiều người phải thiệt mạng mà nguyên nhân phần lớn lại do yếu tố con người tác động. Bài học về ATLĐ chưa bao giờ là thừa đối với các nhà máy, xí nghiệp. Vậy, làm thế nào để đảm bảo ATLĐ? Kinh nghiệm từ dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II thiết nghĩ là lời giải hoàn hảo cho câu hỏi trên.
Hồng Nhung
Ý kiến (0)