Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:25 (GMT +7)
Muối ăn - con dao hai lưỡi?
Thứ 2, 13/05/2024 | 23:01:52 [GMT +7] A A
Ăn chay hay ăn mặn, muối đều có trong đó. Tuy cần thiết, nhưng muối ăn vẫn là “con dao 2 lưỡi” vì việc thiếu hoặc thừa đều gây tác hại cho sức khỏe.
Vai trò quan trọng
Thành phần chính của muối ăn là clorua natri (NaCl), trong đó natri chiếm đến 40%. Ngoài ra, trong muối ăn còn có một số nguyên tố vi lượng khác.
Về tính chất vật lý, muối ăn là chất rắn dạng tinh thể, màu trắng hoặc xám nhạt, đôi khi cũng có các vệt màu hồng. Nguồn cung cấp muối ăn từ nước biển bốc hơi cô đọng hoặc từ các mỏ muối được hình thành một cách tự nhiên trên thế giới.
Muối ăn đóng vai trò quan trọng mang tính sống còn của mọi loài động vật, vì thành phần natri tham gia các hoạt động sống ở cấp độ tế bào, là nguồn cung cấp năng lượng và xung điện cho não bộ và các dây thần kinh hoạt động. Đồng thời, nó tham gia điều chỉnh lượng nước chứa trong lòng mạch máu và trong các tế bào.
Trong đời sống hằng ngày, thật khó tưởng tượng khi các món ăn được làm ra lại thiếu muối gia vị. Không có muối, món ăn sẽ nhạt nhẽo và vô vị. Trước khi có các phương tiện làm lạnh, muối là chất bảo quản thực phẩm duy nhất nhờ khả năng sát khuẩn.
Tuy muối ăn đóng vai trò quan trọng, nhưng mọi sự thiếu hoặc thừa lượng chúng trong cơ thể đều mang lại những hệ lụy khó lường về mặt sức khỏe cho con người, cần điều chỉnh lượng xuất nhập rất chặt chẽ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO/OMS), nhu cầu lượng muối trung bình trong ngày của người trưởng thành khoảng 5 gram (tương đương 2.000 gram natri), trẻ < 1 tuổi là 1 gram, trẻ 1 - 3 tuổi là 3 gram, trẻ từ 7 tuổi trở lên tối đa bằng mức người lớn.
Những người có bệnh lý ở thận, tim mạch cần điều chỉnh giảm lượng muối ăn trong ngày. Tại Việt Nam, theo điều tra năm 2015, một người trưởng thành sử dụng lượng muối ăn trung bình trong ngày là 3.760 mg natri - tương đương với 9,4 gram muối. Lượng này nhiều gần gấp 2 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Từ thiếu natri…
Khi lượng muối ăn không được đáp ứng theo nhu cầu, nghĩa là cơ thể thiếu muối hay nói khác là thiếu natri, sẽ gây ra các bệnh lý sau đây:
- Phù: Trường hợp nhẹ phù chi, trường hợp nặng phù toàn thân do thiếu natri nên nước thoát mạch ra ngoài các khoảng kẽ gian bào.
- Phù não: Cơ thể thiếu muối gây thiếu natri tạo ra hiện tượng tế bào mất cân bằng về áp lực thẩm thấu, khu vực bên trong tế bào (nội bào) thấp hơn khu vực bên ngoài tế bào (ngoại bào) khiến cho nước ào ạt từ bên ngoài đi vào bên trong tế bào gây ra phù não...
Đây là tác hại nguy hiểm nhất của việc ăn quá nhạt. Các biểu hiện thường thấy ở người có hiện tượng phù não gồm: Mệt mỏi, buồn ngủ, ăn uống kém ngon miệng, rối loạn ý thức, co giật và hôn mê.
- Giảm chức năng cơ bắp: Nhức mỏi cơ bắp, kiến bò, chuột rút và có thể liệt cơ trong các trường hợp rất nặng.
- Thiếu điện giải: Thiếu muối gây thiếu hụt thành phần natri trong các loại dịch tiết như nước bọt, mồ hôi, nước tiểu. Đồng thời gây rối loạn chuyển hóa và giảm thể tích tuần hoàn máu.
- Tụt huyết áp: Do natri máu giảm nên giảm áp lực thẩm thấu trong lòng mạch gây giảm huyết áp và làm cho cơ thể luôn có cảm giác mỏi mệt, suy kiệt. Vì giảm thể tích tuần hoàn nên các cơ quan đều thiếu dinh dưỡng và oxy cần thiết cho sự hoạt động của tế bào.
…đến “nhập thừa”
Việc thừa muối ăn tức “nhập thừa” natri vào đường tiêu hóa cũng gây ra không ít bệnh tật và sự rối loạn khác cho cơ thể, như:
- Tăng huyết áp: Là gánh nặng bệnh tật của gia đình và xã hội. Bệnh có khuynh hướng ngày càng trẻ hóa. Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây biến cố tim mạch và đột quỵ não.
- Béo phì: Nhất là ở trẻ nhỏ. Muối mặn luôn gây cảm giác khát nên có khuynh hướng uống nhiều nước ngọt có đường.
- Loãng xương: Lượng natri dư thừa sẽ làm hạn chế lượng kali, canxi và nhiều nguyên tố vi lượng khác trong máu. Điều này sẽ gây rối loạn chuyển hóa và làm giảm mật độ, độ chắc của xương gây bệnh loãng xương.
- Bệnh đường tiêu hóa: Thừa natri sẽ tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, tá tràng, gia tăng đến 68% tỉ lệ ung thư dạ dày, vì phá vỡ lớp bảo vệ niêm mạc tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển.
- Suy thận: Tăng natri làm tăng gánh nặng cho thận, vì nó phải tăng cường sự đào thải. Sự làm việc vất vả lâu ngày gây suy giảm chức năng thận và cuối cùng là suy thận.
Ngoài ra, ăn thừa muối còn gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của não bộ (suy giảm nhận thức, trí nhớ), làm nặng thêm tình trạng hen phế quản, gây rối loạn thính lực - vì tăng ứ dịch ở tai trong và có thể gây điếc.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()