Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:17 (GMT +7)
Muôn vàn nghĩa cử đẹp sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Thứ 2, 13/02/2023 | 18:27:42 [GMT +7] A A
Đã một tuần kể từ khi trận động đất kinh hoàng đột nhiên thay đổi cuộc sống của hàng chục nghìn người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời điểm khó khăn khắc phục hậu quả của thảm kịch, nhiều người đã chủ động góp sức giúp đỡ như hiến máu, tình nguyện đào mộ hoặc cung cấp bữa ăn miễn phí.
Người sống sót xích lại gần nhau
Trận động đất nghiêm trọng đã san phẳng nhiều tòa nhà khắp 10 tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ, gây thiệt hại nặng nề cho các ngôi làng ở vùng biên giới tại Bắc Syria. Tính đến chiều 13/2 (theo giờ VN), đã có trên 36.000 người thiệt mạng tại hai quốc gia, khiến trận động đất ngày 6/2 là trận động đất chết chóc nhất trong khu vực trong nhiều thập niên.
Công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương với sự tham gia của các đoàn cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới. Ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tình trạng thời tiết lạnh giá khắc nghiệt và đường sá hư hại phần nào đã cản trở công tác cứu hộ này.
Trong bối cảnh đó, nhiều người dân sống sót tại Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) đã cùng đoàn kết, tổ chức đội phản ứng láng giềng để giúp đỡ lẫn nhau. Vài tiếng sau khi động đất xảy ra, nhiều chủ nhà hàng và quán bar đã mở cửa hàng phân phát trà nóng, bánh mì cùng nơi an toàn để bảo vệ các nạn nhân khỏi giá lạnh.
Ông Mehmet Tasdelen, chủ một nhà hàng ở khu Gazimuhtar thuộc thành phố Gaziantep trong nhiều ngày sau động đất đã mở cửa hàng cho tất cả mọi người cần nơi ấm áp và thực phẩm. Ông Ahmet (64 tuổi) đến nhà hàng của ông Tasdelen ăn mì và chia sẻ: “Nếu chúng tôi không tử vong vì động đất thì chúng tôi cũng có thể chết do đói hoặc lạnh”.
Tại một cửa hàng cà phê khác ở Gazimuhtar, người chủ đã tặng chăn và bữa ăn miễn phí trong cả ngày dành cho những người có nhu cầu.
Trong thập niên qua, kể từ khi nội chiến Syria bùng phát, nhiều người Syria tị nạn đã đến Gaziantep. Hiện nay, 1/3 dân số thành phố này là người Syria. Khi động đất xảy ra, các tình nguyện viên Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã sát cánh cùng nhau bảo vệ Gaziantep cũng như người dân nơi đây. Một ví dụ là Nidal Memik (22 tuổi) người Aleppo quyết định tình nguyện với Bộ Gia đình dựng lều tạm trú cho những người mất nhà cửa. Từng phải rời bỏ nhà cửa do nội chiến khi còn là thiếu niên, Nidal Memik thấy đồng cảm với cảnh ngộ của những người Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất vừa qua.
“Một cơ thể” – Gaza phát động hiến máu
Người dân tại Gaza đã tham gia chương trình tình nguyện hiến máu giúp đỡ những người bị thương sau trận động đất tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có độ lớn 7,8 hôm 6/2.
Điều phối viên thuộc quỹ Al-Amal (Palestine) - ông Naglaa al-Ghalayini chia sẻ với kênh Al Jazeera: “Sự kiện này nhằm củng cố ý tưởng thế giới Arab và Hồi giáo là một – một cơ thể - và điều gây tổn thương Syria cùng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tác động đến Gaza và Palestine”.
Subhi Quta (33 tuổi) chia sẻ với Al Jazeera rằng ngay khi nghe tin về chiến dịch, anh đã quyết định đến hiến máu, coi đây là một cơ hội để giúp đỡ sau thảm họa động đất tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ.
Những tình nguyện viên đào mộ tại Jandaris
Nhiều tình nguyện viên đã đến Jandaris, Syria để hỗ trợ chôn cất hàng trăm nạn nhân trận động đất hôm 6/2. Khu vực nghĩa trang tại Jandaris đã trở thành nơi chôn cất hàng loạt với nhiều rãnh dài được hình thành.
Những tình nguyện viên liên tục chuyển túi đựng thi thể từ các xe tải để chôn cất trong các rãnh đủ lớn dành cho 100-130 thi thể mỗi ngày. Có những thi thể khá lớn cần có 2 tình nguyện viên vận chuyển. Nhưng cũng có nhiều thi thể nhỏ bé, nằm gọn trong tay tình nguyện viên với sự ngỡ ngàng thể hiện rõ trên khuôn mặt họ.
Các thi thể được đặt trên nền bằng gạch sau đó tình nguyện viên rải một lớp đá hoa cương lên trên trước khi lấp các rãnh lại. Danh tính của những nạn nhân cũng được đặt gần các ngôi mộ.
Tình nguyện viên Jihad Ahmed al-Ibrahimi (21 tuổi) kể lại: “Chúng tôi biết được rằng nơi chịu tổn thất nặng nề nhất là Jandaris do vậy tôi cùng 30-40 người đàn ông khác thường đến đây mỗi sáng để tình nguyện giúp người dân ở đây chôn cất người đã khuất trong nghĩa trang này”.
Al-Ibrahimi chia sẻ: “Chúng tôi chôn các thi thể và thực hiện cầu nguyện tang lễ cho người đã khuất. Chúng tôi ở đây không vì thù lao hay bất cứ thứ gì. Chúng tôi làm vậy vì Thánh thần”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()