Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 18:20 (GMT +7)
Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc
Chủ nhật, 05/02/2023 | 08:49:03 [GMT +7] A A
Tổng thống Biden cho biết tiêm kích Mỹ dùng tên lửa bắn hạ khí cầu Trung Quốc khi nó bay ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
"Chúng tôi đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công đã làm được điều đó", Tổng thống Joe Biden nói ngày 4/2.
Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết chiến đấu cơ F-22 xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia hạ chiếc khí cầu vào lúc 14h39 ngày 4/2 (2h39 sáng 5/2 giờ Hà Nội), sử dụng một tên lửa không đối không AIM-9X.
Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ hơn 11 km trên vùng biển tương đối nông, giúp dễ dàng thu gom các mảnh vỡ trong những ngày tới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay bày tỏ không hài lòng và phản đối mạnh mẽ động thái sử dụng vũ lực tấn công khí cầu của nước này. Bắc Kinh để mở khả năng "đưa ra thêm các phản ứng cần thiết".
Ông Biden ra lệnh bắn hạ khí cầu vào ngày 1/2, nhưng Lầu Năm Góc khuyến nghị nên đợi đến khi có thể thực hiện việc đó trên mặt nước, nhằm đảm bảo dân thường không gặp nguy hiểm vì các mảnh vỡ rơi xuống mặt đất.
Vụ bắn hạ xảy ra sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh dừng các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay ở Nam Carolina, gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston, với lý do thực hiện "nỗ lực an ninh quốc gia" nhưng không tiết lộ chi tiết. Các chuyến bay được nối lại vào chiều 4/2.
Khí cầu lần được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1 trước khi di chuyển sang không phận Canada vào ngày 30/1. Sau đó, nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1, theo một quan chức quốc phòng Mỹ. Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2.
Washington cho rằng đây là khí cầu do thám, gọi đó là "sự vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ và đã thông báo cho Bắc Kinh về vụ bắn hạ ngày 4/2. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng khí cầu được Trung Quốc sử dụng "để cố gắng do thám các địa điểm chiến lược ở Mỹ". Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đánh giá thiết bị này có "giá trị hạn chế" trong thu thập thông tin tình báo, không đem lại dữ liệu nào khác biệt với những hình ảnh từ vệ tinh do thám trên quỹ đạo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó nói rằng sự xuất hiện của khí cầu ở Mỹ là "tai nạn bất khả kháng" và Bắc Kinh "chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ, không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào". Cơ quan này cho biết đây là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác. Đồng thời, Bắc Kinh cáo buộc chính trị gia, truyền thông Mỹ "lợi dụng vụ khí cầu bay lạc" vào lãnh thổ Mỹ để "làm mất uy tín" của Bắc Kinh.
Song Lầu Năm Góc đánh giá khí cầu này là hoạt động mới nhất trong chuỗi hoạt động khí cầu do thám mà Trung Quốc tiến hành trên toàn cầu. Ngày 3/2, Mỹ cho biết một khí cầu khác của Trung Quốc đang bay qua Mỹ Latinh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo hoãn chuyến thăm Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch diễn ra cuối tuần này, sau sự cố khí cầu. Động thái này được xem là đòn giáng mạnh vào những người xem đây là cơ hội để bình ổn mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa hai nước.
Theo vnexpress.net
Liên kết website
Ý kiến ()