Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:09 (GMT +7)
Mỹ cân nhắc gửi tên lửa chống hạm, giúp Ukraine phá phong toả cảng ở Biển Đen?
Thứ 6, 20/05/2022 | 10:33:28 [GMT +7] A A
Washington được cho là đang xem xét cung cấp các tên lửa uy lực hơn để giúp Kiev phá vỡ cuộc phong tỏa của hải quân Nga đối với các cảng bên bờ Biển Đen.
Đài RT (Nga) dẫn nguồn Reuters cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden được cho là đang điều động gửi các tên lửa chống hạm tiên tiến hơn tới Ukraine để giúp Kiev phá vỡ vòng phong tỏa của hải quân Nga đối với các cảng ở Biển Đen.
Các tên lửa được điều động là Harpoon, do Boeing sản xuất, và Naval Strike Missile (NSM) do Kongsberg và Raytheon Technologies chế tạo – theo Reuters dẫn nguồn ba quan chức chính quyền giấu tên và hai nguồn tin từ quốc hội. Các cuộc đàm phán đang diễn ra sôi nổi về việc chuyển trực tiếp tên lửa đến Kiev hay chuyển chúng qua một đồng minh châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vận động hành lang ít nhất kể từ tháng 4 để các nước phương Tây cung cấp Harpoon hoặc các tên lửa khác có khả năng tương tự. Tuy nhiên, như Reuters từng đưa, các quốc gia đã tránh trở thành bên đầu tiên hoặc quốc gia duy nhất cung cấp những loại vũ khí như vậy cho Kiev, vì "lo sợ sự trả đũa của Nga nếu một con tàu bị bắn chìm bằng tên lửa Harpoon từ kho dự trữ của họ."
Theo nguồn tin của Reuters, một quốc gia có “kho dự trữ tốt” đang xem xét trở thành nước đầu tiên vận chuyển những tên lửa chống hạm cho Ukraine, trong khi những quốc gia khác có thể làm theo.
Xem tên lửa Harpoon phá huỷ tàu chiến cũ USS Durham của Mỹ:
NSM có thể được phóng tương đối dễ dàng từ bờ biển và có tầm bắn tối đa 250 km. Reuters cho hay, các đồng minh NATO đã có sẵn các bệ phóng NSM di động trên mặt đất để cho mượn và các đầu đạn sẽ được cung cấp bởi Na Uy.
Tên lửa Harpoon có thể tiêu diệt các mục tiêu từ khoảng cách gần 300 km, nhưng nó thường được sử dụng làm tên lửa đối hạm và có rất ít bệ phóng sẵn có để phóng từ bờ. Theo Reuters, Mỹ có thể cố gắng giải quyết vấn đề đó bằng cách kéo bệ phóng khỏi tàu chiến Mỹ. Harpoon bay theo quỹ đạo thấp, lướt trên biển và có radar chủ động dẫn đường.
Ukraine cũng đã yêu cầu nhiều Hệ thống phóng tên lửa (MRLS), chẳng hạn như M270 của Lockheed Martin, hiện có thể được xem xét để vận chuyển cho Kiev sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ 40 tỷ USD. M270 có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 70 km, tầm bắn xa hơn so với các loại lựu pháo hiện có của Ukraine.
Việc phá vỡ sự phong tỏa của Nga đối với Odessa và các cảng khác trên Biển Đen có thể cho phép các chuyến hàng lúa mì và các mặt hàng xuất khẩu khác của Ukraine ra khỏi nước này.
Tuy nhiên các quan chức Nga đã cảnh báo rằng các chuyến hàng vũ khí của phương Tây đến Ukraine là "dầu vào lửa" và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Harpoon được biến đến là loại tên lửa chống hạm thành công nhất trên thế giới và đang được biên chế cho lực lượng vũ trang của trên 30 nước. Năng lực tác chiến của loại tên lửa này cực nguy hiểm khiến chúng luôn được coi là một trong những "sát thủ diệt hạm" mạnh mẽ.
Dù ra đời đã lâu nhưng nhờ những cải tiến liên tục khiến cho loại tên lửa diệt hạm này vẫn là một trong những thứ đáng sợ nhất trên biển.
Boeing – tập đoàn đang sản xuất Harpoon – cho biết để tấn công các mục tiêu trên đất liền cũng như các tàu trong cảng, Harpoon sử dụng điều hướng quán tính có hỗ trợ của GPS để tấn công một mục tiêu đã được xác định. Với đầu đạn nổ nặng 227 kg, hỏa lực của “sát thủ” Harpoon có thể nhắm đến nhiều mục tiêu trên đất liền, trong đó có các vị trí phòng thủ ven biển, cơ sở tên lửa đất đối không, máy bay đang đậu trên mặt đất và thậm chí cả cá cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tên lửa Harpoon có thể được phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, các khẩu đội phòng không ven biển cũng như từ các máy bay hải quân như F/A-18A-F, máy bay chống ngầm Lockheed P-3C Orion và máy bay do thám. Việc phóng Harpoon từ tàu chiến, tàu ngầm và hệ thống phòng không ven bờ phải cần đến bộ phận đẩy phụ, trong khi việc phóng tên lửa này từ trên không sẽ không cần bộ phận hỗ trợ đẩy và động cơ sẽ được kích hoạt ngay sau khi tách khỏi máy bay.
Xem tên lửa Harpoon được phóng từ máy bay trinh sát, săn ngầm P-3C Orion của Nhật Bản trong một cuộc tập trận:
Năm 1998, một bản nâng cấp tiên tiến cho tên lửa Harpoon đã được phát triển. Tên lửa Harpoon Block II này được tích hợp tính năng dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi GPS, cho phép tên lửa có khả năng chống hạm và tấn công đất liền. Tuy nhiên, phiên bản Block II không được Hải quân Mỹ sử dụng nhưng lại được tích hợp trên các máy bay F-16 của nước ngoài và hiện đang được tích hợp trên các máy bay F-15 của nước ngoài.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()