Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 00:29 (GMT +7)
Mỹ không gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, ngăn chặn tấn công sâu vào lãnh thổ Nga
Thứ 3, 31/05/2022 | 09:41:36 [GMT +7] A A
Ngày 30/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa/rocket tầm xa có khả năng tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.
Theo đài Sputnik, tuyên bố này được đưa ra nhằm giải đáp đồn đoán mấy ngày qua rằng Washington sẽ cung cấp cho chính quyền Kiev các vũ khí hạng nặng, trong đó có hệ thống tên lửa tầm xa.
Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không chuyển cho Ukraine các hệ thống tên lửa có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga”.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã hoan nghênh tuyên bố trên của ông Biden, cho rằng việc không cung cấp các hệ thống vũ khí như vậy cho Kiev là "hợp lý". Trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, cũng bày tỏ hy vọng Washington sẽ không thực hiện một bước đi mang tính khiêu khích như vậy, điều sẽ chỉ làm leo thang xung đột hơn nữa.
Ông Antonov tuyên bố với việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Mỹ sẽ hủy hoại triển vọng hòa bình ở quốc gia Đông Âu này. Ông cũng lưu ý rằng Washington đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột, có thể gây ra “những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu”. Quan chức này kêu gọi Chính quyền của Tổng thống Biden nên chấm dứt “hoạt động viện trợ vũ khí vô nghĩa và gây rủi ro cao” cho Ukraine.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí vì hành động đó sẽ chỉ kéo dài sự các hoạt động thù địch chứ không thay đổi được kết quả, do đó gây thêm thiệt hại cho Ukraine và người dân nước này. Moskva cũng tuyên bố các kho vũ khí từ phương Tây ở Ukraine là "mục tiêu hợp pháp" của các lực lượng Nga.
Trước đó kênh CNN đưa tin nội bộ chính quyền Mỹ đang tranh luận về ý định chuyển giao các hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine, theo một phần của gói viện trợ an ninh và quân sự lớn hơn cho nước này để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Loại vũ khí này vốn nằm trong yêu cầu hàng đầu của chính quyền Kiev. Trong những tuần gần đây, giới chức cấp cao của Ukraine - bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky - đã đề nghị Mỹ và các đồng minh cung cấp hệ thống tên lửa đa phóng phóng loạt (MLRS) cho nước này. Các hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất này có thể đạt tầm bắn hàng trăm km - xa hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống nào mà Ukraine đang sở hữu. Kiev cho rằng hệ thống đó có thể giúp xoay chuyển tình thế chiến sự.
Ngoài ra, một hệ thống khác mà Ukraine đã yêu cầu là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Loại vũ khí này có hệ thống bánh lốp nhẹ hơn và có khả năng bắn nhiều loại đạn tương tự MLRS.
Tuy nhiên, Hội đồng An ninh Quốc gia lo ngại Ukraine có thể sử dụng MLRS và HIMARS để thực hiện các cuộc tấn công vào sâu bên trong nước Nga. Nguồn tin cho biết vấn đề này đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại 2 cuộc họp vào tuần trước tại Nhà Trắng.
Mặc dù quân đội Ukraine đã sở hữu các hệ thống tên lửa tương tự do Liên Xô thiết kế, nhưng HIMARS được cho là có tầm bắn xa, chính xác hơn, linh hoạt hơn và có thể được trang bị tên lửa đạn đạo chiến thuật và dẫn đường bằng vệ tinh. Mỗi tên lửa được nạp sẵn vào các ống phóng dùng một lần và có thể nhanh chóng lắp lên xe tải và vứt bỏ sau khi bắn, điều này giúp hệ thống vận hành dễ dàng hơn so với các mẫu cũ do Liên Xô thiết kế.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ đã tích cực viện trợ quân sự cho Kiev. Đầu tháng này, Tổng thống Biden đã ký Đạo luật cho thuê với mục đích xúc tiến quá trình gửi thiết bị quân sự tới quốc gia châu Âu này. Vào tuần trước, ông Biden cũng đã thông qua đạo luật chi thêm 40 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()