Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất dấu vũ khí. Trong ngắn hạn, Mỹ coi chuyển giao hàng trăm triệu USD vũ khí cho Ukraine là yếu tố sống còn để giúp nước này đối phó với quân đội Nga. "Đây chắc chắn là đợt viện trợ vũ khí lớn nhất cho một nước đối tác đang xảy ra xung đột trong thời gian gần đây", quan chức này nói.
Quân đội Mỹ không có lực lượng trên lãnh thổ Ukraine, khiến họ và NATO phải dựa nhiều vào thông tin do chính phủ Ukraine cung cấp. Các quan chức Mỹ thừa nhận Kiev thường chỉ cung cấp những thông tin giúp họ nhận thêm nhiều viện trợ và hỗ trợ ngoại giao.
"Trong xung đột, mọi thứ họ nói và làm công khai đều được thiết kế để giành lợi thế. Mọi thông cáo, mọi cuộc phỏng vấn, mọi lần xuất hiện của Tổng thống Volodymyr Zelensky đều là chiến dịch thông tin", một nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây cho hay. "Nhưng họ làm vậy cũng không sai".
Suốt nhiều tháng qua, giới chức phương Tây đưa ra hàng loạt thông tin chi tiết về tình trạng của lực lượng Nga tại Ukraine như con số thương vong, sức chiến đấu, dự trữ vũ khí, loại vũ khí được sử dụng và địa điểm triển khai. Tuy nhiên, họ có khoảng trống thông tin không nhỏ khi đề cập tới quân đội Ukraine.
"Thương vong của Ukraine rất khó ước tính, bởi không có ai ở thực địa", hai nguồn tin am hiểu tình báo Mỹ và đồng minh cho hay.
Dấu hỏi về khả năng theo dấu vũ khí
Chính quyền Biden và các nước thành viên NATO cho biết họ viện trợ vũ khí cho Ukraine dựa theo đề xuất của Kiev, từ những vũ khí vác vai như tên lửa chống tăng Javelin và phòng không Stinger đến hệ thống phòng không tầm xa S-300.
Những khí tài nhỏ gọn, dễ mang vác và phân tán như tên lửa Javelin và Stinger, cũng như súng bộ binh và đạn dược rất khó theo dõi so với các hệ thống như S-300, vốn phải vận chuyển đến Ukraine bằng tàu hỏa. Tên lửa Javelin có mã số nhận diện, nhưng gần như không có cách theo dõi hoạt động chuyển giao và sử dụng chúng trong thời gian thực.
Mỹ tuần trước đồng ý chuyển giao nhiều khí tài hạng nặng cho Ukraine, trong đó có 11 trực thăng đa dụng Mi-17, 18 lựu pháo và 40.000 quả đạn cỡ 155 mm, 300 máy bay không người lái (UAV) Switchblade. Phần lớn số này chưa được chuyển giao, trong khi Switchblade là UAV cỡ nhỏ và chỉ dùng được một lần, khiến chúng rất khó theo dấu sau khi được bàn giao.
"Tôi không thể công bố những vũ khí này được triển khai ở đâu và liệu phía Ukraine đã dùng chúng hay chưa. Họ không thông báo cho chúng tôi chi tiết về từng quả đạn được khai hỏa. Chúng tôi có thể không bao giờ biết được những chiếc Switchblade được dùng ra sao", một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ không thể yêu cầu Ukraine chỉ biên chế vũ khí viện trợ cho một số đơn vị nhất định.
Các xe tải chở vũ khí do Mỹ cung cấp được quân đội Ukraine tiếp nhận ở Ba Lan và đưa qua biên giới. "Người Ukraine sẽ quyết định điểm đến và đơn vị vận hành chúng", phát ngôn viên Kirby nói thêm.
Một nguồn tin quốc hội Mỹ cho biết Washington có những công cụ để thu thập tin tức ngoài những dữ liệu được Kiev công bố, nhấn mạnh nước này sử dụng triệt để ảnh vệ tinh, trong khi quân đội Nga và Ukraine vẫn dùng nhiều thiết bị liên lạc thương mại có thể bị theo dõi.
Quân đội Mỹ đánh giá dữ liệu Ukraine cung cấp có độ tin cậy, vì quan hệ song phương được tăng cường đáng kể trong 8 năm qua. Tuy nhiên, vẫn có những điểm mù trong nhiều vấn đề như trạng thái sẵn sàng của các tổ hợp S-300 Ukraine.
Hệ lụy
Jordan Cohen, nhà phân tích quốc phòng chuyên theo dõi các hợp đồng vũ khí, cho rằng hiểm họa lớn nhất đi kèm số vũ khí đang được chuyển đến Ukraine chính là số phận của chúng khi chiến sự kết thúc hoặc chuyển sang giai đoạn giằng co kéo dài.
Đây là yếu tố luôn được xem xét khi Washington và đồng minh gửi vũ khí ra nước ngoài.
Mỹ từng chuyển lượng lớn vũ khí đến Afghanistan để các tay súng Hồi giáo đối đầu với quân đội Liên Xô, sau đó là lực lượng chính phủ Afghanistan chiến đấu chống Taliban. Một phần số này, trong đó có nhiều tên lửa vác vai Stinger, đã được bán trên chợ đen.
Washington từng vội vàng tìm cách thu hồi tên lửa Stinger sau khi Moskva rút lực lượng khỏi Afghanistan nhưng không thành công. Nhiều quan chức Mỹ từng lo ngại máy bay nước này gặp nguy hiểm khi mở chiến dịch tấn công Taliban năm 2001.
Nhiều vũ khí cũng rơi vào tay đối thủ của Mỹ. Phần lớn khí tài Mỹ để lại Afghanistan đã được Taliban đưa vào biên chế sau khi chính quyền tại Kabul sụp đổ. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Afghanistan. Hàng loạt vũ khí được bán cho Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã xuất hiện trong tay những nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qeada hoặc dân quân Iran.
Các quan chức Mỹ thừa nhận kịch bản tương tự có thể diễn ra ở Ukraine.
"Đây có thể là vấn đề trong 10 năm tới, đó là điều cần xem xét. Hơn 50 triệu viên đạn đã được chuyển cho Ukraine, không phải tất cả sẽ được dùng để đối phó quân đội Nga. Một phần trong đó sẽ bị sử dụng sai mục đích, dù cố ý hay không", Cohen nói.
Ý kiến ()