"Một tiêm kích F-35C Lightning II của Không đoàn Trên hạm số 2, phối thuộc tàu sân bay USS Carl Vinson, gặp sự cố khi hạ cánh và rơi xuống nước khi thực hiện hoạt động bay huấn luyện theo kế hoạch", Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 25/1.
Đây được coi là một tổn thất lớn với không quân hải quân Mỹ, bởi một tiêm kích tàng hình F-35C có giá hơn 117 triệu USD, chưa tính chi phí các loại vũ khí đi kèm. Nếu tính cả vũ khí, giá mỗi chiếc F-35C có thể lên tới hơn 140 triệu USD.
"Sàn tàu sân bay chỉ chịu tác động trên bề mặt, toàn bộ thiết bị phục vụ hoạt động bay không bị ảnh hưởng. Không đoàn tàu sân bay số 2 và chiến hạm Carl Vinson đã nối lại kế hoạch bay tại Biển Đông", thông cáo có đoạn. Hải quân Mỹ chưa công bố nguyên nhân sự cố và vị trí chiếc F-35C rơi.
Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc F-35C tìm cách hạ cánh trên tàu sân bay Carl Vinson ngày 25/1, khiến 7 người bị thương. Phi công đã phóng dù thoát hiểm trước khi máy bay rơi xuống nước.
"Phi công và hai thủy thủ được đưa tới cơ sở y tế ở Manila, Philippines, bốn thủy thủ còn lại được nhân viên y tế trên tàu điều trị. Tất cả đều trong tình trạng ổn định", Hạm đội 7 cho biết.
Phát ngôn viên của Hạm đội 7 chưa bình luận về phương án hải quân Mỹ trục vớt xác tiêm kích F-35C lao xuống Biển Đông.
Đây là tiêm kích F-35 thứ sáu bị phá hủy trong quá trình hoạt động, không tính đến những máy bay hư hỏng do sự cố trên mặt đất, cũng là chiếc F-35 thứ hai gặp nạn khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công. Vụ tai nạn xảy ra trong lúc tàu sân bay Carl Vinson và USS Abraham Lincoln diễn tập hiệp đồng trên Biển Đông từ ngày 23/1.
Mỹ và Anh hồi tháng 12/2021 trục vớt thành công xác tiêm kích F-35B lao xuống phía đông Địa Trung Hải khi cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth một tháng trước đó. Bộ Quốc phòng Anh khẳng định các thiết bị nhạy cảm trên chiếc F-35B gặp nạn "không bị đe dọa hay bị bên khác tiếp cận".
Truyền thông Anh cho biết hải quân nước này mất hai tuần để xác định vị trí xác chiếc F-35B và một tuần để đưa nó lên mặt biển với sự giúp đỡ của hải quân Mỹ và Italy. Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Anh khi đó cho biết lực lượng Nga luôn theo dõi chiến hạm Queen Elizabeth từ sau tai nạn máy bay.
F-35C là phiên bản tiêm kích tàng hình được biên chế cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, có nhiều đặc điểm khác mẫu F-35A/B và cũng là biến thể nặng nhất trong dòng F-35. Khung thân và càng đáp của F-35C được gia cố để cất hạ cánh trên tàu sân bay, cánh có thể gập lại để tiết kiệm diện tích, phần đuôi được gắn thêm móc hãm đà. Mẫu tiêm kích này trang bị nhiều công nghệ tối tân mà Mỹ không muốn để lọt vào tay các đối thủ.
Ý kiến ()