Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 23:31 (GMT +7)
Nạn chèo kéo khách du lịch
Chủ nhật, 01/07/2012 | 05:46:20 [GMT +7] A A
“Chèo kéo” là một từ khá thông dụng trong giao tiếp Tiếng Việt để chỉ hành vi cố níu kéo, mời mọc ai đó cho bằng được. Từ đó, có lẽ ban đầu “chèo kéo” không mang nghĩa xấu, nghĩa tiêu cực (chẳng hạn: “Cô ấy chèo kéo khách ở lại ăn cơm với gia đình mình”)...
Nếu hiểu như vậy, trong kinh doanh nói chung, trong hoạt động dịch vụ du lịch, nhà hàng nói riêng, việc chèo kéo khách là điều không có gì đáng ngạc nhiên, nếu không nói là rất cần có; bởi chèo kéo, xét cho cùng, là sự vồn vã, nhiệt tình mời mọc khách mua hàng của mình thôi mà! Những hoạt động quảng cáo, tiếp thị v.v.. chẳng phải là đang “chèo kéo” khách hàng đó sao?
Thế nhưng “chèo kéo” theo cách hiểu hiện nay lại không mang nghĩa tích cực nữa, nó hàm ý xấu, ý tiêu cực, để chỉ những hành vi phản cảm, gây khó chịu cho mọi người. Đặc biệt, trong hoạt động dịch vụ du lịch thì “chèo kéo” khách đã trở thành một “vấn nạn”! Thậm chí, UBND tỉnh mới đây còn phải ban hành chỉ thị cho các ngành hữu quan phải ngăn chặn triệt để nạn “chèo kéo khách du lịch”…
Vậy lúc nào thì “chèo kéo” mang ý nghĩa tích cực, lúc nào thì mang ý nghĩa tiêu cực? Và vì sao nó lại có sự chuyển nghĩa như vậy? Điều này không khó, chỉ cần nhìn thái độ của người được chèo kéo sẽ nhận biết ngay thôi. Nếu sự chèo kéo ấy làm cho họ vui vẻ tiếp nhận thì đấy là tốt, là tích cực; ngược lại nó làm cho họ khó chịu, miễn cưỡng… thì đấy là xấu, là tiêu cực. Hay nói cách khác, sự “vồn vã, cố mời mọc cho bằng được” một cách thái quá, bất chấp thái độ của khách hàng như thế nào, chỉ cốt vụ lợi, thì là hành vi phản cảm, thiếu văn minh, lịch sự… Khi những hành vi này trở nên nghiêm trọng thì nó thành “nạn chèo kéo”…
Nói như vậy để thấy rằng, muốn ngăn chặn “nạn chèo kéo khách” (như cách hiểu thông thường hiện nay), trước hết cần phân biệt rạch ròi giữa sự vồn vã, nhiệt tình trong dịch vụ kinh doanh với sự áp đặt, ép buộc khách hàng, để từ đó có những tiêu chí cụ thể nhằm xử lý “đúng người, đúng tội”! Chẳng hạn, trong quá trình quan hệ giao tiếp với khách, chủ tàu du lịch, các nhân viên nhà hàng v.v.. được phép (và không được phép) làm những gì; khi có sự tranh chấp khách hàng thì hai bên phải giải quyết theo quy định như thế nào v.v.. Và tất nhiên, đó là với những cá nhân, đơn vị được phép kinh doanh dịch vụ; còn với những người không được phép làm việc này (như bán hàng rong trên Vịnh, trên bãi biển v.v..) thì khỏi cần nói, vì bản thân việc làm của họ đã vi phạm quy định rồi, chẳng cần bàn đến chuyện có chèo kéo khách hay không…
Nhân bàn về nạn “chèo kéo khách du lịch”, lại liên tưởng đến nạn “dạy thêm, học thêm”. Nếu trong kinh doanh, việc “chèo kéo khách hàng” với động cơ trong sáng, thiện chí là tốt, là tích cực thì “dạy thêm, học thêm” cũng như vậy. Nhưng khi chúng bị lạm dụng, trở nên thái quá vì mục đích không trong sáng, vụ lợi, thì lại đáng lên án. Hai hành vi, ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng ngẫm cho cùng, lại giống nhau về tính chất. Và vì thế, để ngăn không cho chúng trở thành “vấn nạn”, xem ra cách xử lý cũng có những điểm tương đồng…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()