Hàng nghìn xe máy gửi ở bến xe, sân bay tại TP HCM nhiều năm không ai đến nhận khiến các bãi đậu quá tải, trong khi việc xử lý mất nhiều thời gian, thủ tục rắc rối.
Nhiều năm qua, hàng dài xe máy "vô chủ" không người đến nhận được xếp xen kẽ trong các góc khuất của bãi giữ bến xe Miền Tây, quận Bình Tân. Một số xe đã gỉ sét phần khung sườn, dàn áo mục nát, trong khi nhiều xe còn mới nhưng bám đầy bụi sau thời gian dài bị bỏ lại bến.
Thống kê tại bến Miền Tây có khoảng 730 xe máy khách gửi quá hạn, trong đó nhiều chiếc bị bỏ lại từ năm 2012, tức đã qua 11 năm. Hiện, bến có hai bãi giữ xe máy sức chứa hơn 2.000 chiếc, nên với số lượng xe quá hạn như trên chiếm 1/3 công suất giữ.
Để giải toả lượng xe tồn đọng, đơn vị quản lý bến dựng khu nhà tạm nhằm chứa những chiếc quá cũ, đến nay số xe đã xếp cao hơn 3 m, chất ngổn ngang. Phía bến nhiều lần nhờ Công an quận Bình Tân cà số khung, số máy của xe, sau đó gửi thông tin về nơi cấp và đăng báo tìm chủ đến nhận nhưng không có kết quả.
Theo ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng kinh doanh bến xe Miền Tây, lượng xe tồn đọng nhiều nhưng bến không thể thanh lý hay tiêu huỷ mà phải giữ nguyên trạng. Trong khi công an cũng không thể tiếp nhận số xe này để thu hồi, đấu giá giống xe tang vật vi phạm hành chính. "Đơn vị bất lực trong việc xử lý số xe vô chủ, còn phải gánh chi phí giữ, đảm bảo không xảy ra cháy nổ", ông Sơn nói.
Tại bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, ông Đỗ Phú Đạt, Phó giám đốc bến, cho biết nơi đây có khoảng 300 xe máy gửi nhưng suốt thời gian dài không đến nhận. Tình trạng này khiến đơn vị quản lý "đau đầu" vì bãi đậu ngày càng quá tải, nhất là những dịp lễ, Tết nhu cầu đến gửi xe trong bến tăng cao.
Theo ông Đạt, dựa trên thời gian khách gửi, xe quá hạn trong bến được đơn vị thống kê, cập nhật lên hệ thống phần mềm và gom ở một số vị trí riêng trong bến. Các xe được rút hết xăng, cắt nguồn điện đề phòng cháy nổ. Bến ghi lại biển số, số khung, máy xe quá hạn để kiểm soát và dễ tìm lại khi người gửi đến nhận.
"Vào mùa nắng, định kỳ nhân viên bến tưới nước, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh tránh sự cố phát sinh như cháy, nổ", ông Đạt nói và cho biết số lượng xe quá hạn nhiều ngoài chiếm diện tích còn khiến bến tăng chi phí quản lý, trông coi.
Lãnh đạo bến xe Miền Đông nói đơn vị rất lúng túng giải quyết tình trạng trên vì chưa có quy định cụ thể. Trước đó, bến nhiều lần kiến nghị các sở ngành và công an địa phương hỗ trợ, đồng thời đăng tin trên báo tìm chủ xe, song số người đến nhận rất ít dù đơn vị sẵn sàng hỗ trợ một phần chi phí xe lưu bãi.
"Hầu hết xe quá hạn nhiều năm đã hư hỏng cộng với số tiền gửi, sửa chữa còn lớn hơn chi phí mua xe mới nên có thể chủ bỏ luôn", ông Đạt nói và cho biết không loại trừ trường hợp xe gửi thuộc diện bị trộm cắp hoặc chủ xe qua đời không thể đến nhận.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, khi lượng xe quá hạn trong bãi đậu cao tầng TCP trước ga quốc nội cógần 1.000 chiếc. Nhiều xe bị bỏ lại nơi này 5-7 năm. Định kỳ hàng tháng, phía nhà xe phải thống kê, sắp xếp và vệ sinh những xe quá hạn phòng tránh sự cố.
"Nhà xe đã báo cáo hiện trạng và kiến nghị các đơn vị liên quan nhưng đến nay chưa tìm ra hướng xử lý", ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Vận hành nhà xe TCP, nói.
Không chỉ bến xe, sân bay, một số bệnh viện ở thành phố cũng gặp tình trạng người dân đưa xe đến gửi không quay lại lấy. Điển hình như bệnh viện TP Thủ Đức có vài chục xe máy bị bỏ lại nhiều năm nhưng chưa tìm được hướng xử lý.
Trước đó trong công văn phản hồi bến xe Miền Đông về việc giải quyết tình trạng xe "vô chủ", Sở Tài chính TP HCM cho biết hoạt động giữ xe ở bến là giao dịch dân sự. Vì vậy sở này đề nghị bến dựa trên các quy chế, hợp đồng giữ xe để xử lý. Nhưng việc này rất khó khăn vì đơn vị hầu như không thể liên lạc chủ xe.
Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn luật sư TP HCM, những xe thuộc trường hợp vi phạm hành chính bị công an tạm giữ, quá thời hạn hiện có thể tịch thu và đấu giá để sung công quỹ. Còn việc xử lý xe quá hạn ở bến xe, sân bay... gặp khó khăn hơn nhiều do đây là giao dịch dân sự giữa người gửi và chủ bãi.
Ông Lâm cho biết chủ bãi xe có hai phương án xử lý xe gửi không ai đến nhận. Đầu tiên đơn vị cần thông báo cho công an xác minh nguồn gốc, tính hợp pháp của xe, người sở hữu hoặc khởi kiện, yêu cầu chấm dứt hợp đồng giữ xe để xử lý hậu quả cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại.
"Việc khởi kiện thực tế không khả thi vì các bến bãi rất khó cung cấp được thông tin bị đơn là chủ xe để tòa án giải quyết", ông Lâm nói.
Phương án còn lại, công an sẽ cà số khung, số máy của xe rồi lập hồ sơ gửi về địa phương tìm chủ xe, xác minh nguồn gốc. Tuy nhiên quy trình này tốn thời gian, nhân lực do nhiều trường hợp bất khả kháng như xe tang vật vụ án, chủ xe đã qua đời, xe mượn, không giấy tờ hoặc qua nhiều đời chủ.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, luật sư Lâm đề xuất nên bổ sung quy định giới hạn giữ xe từ 6 tháng đến một năm. Quá thời gian này nếu chủ xe không nhận lại, cơ quan chức năng sẽ xác định đây là tài sản bỏ quên để xử lý theo quy định.
Theo luật sư Lâm, quy định trên giúp gỡ vướng tranh chấp, giảm thất thoát các nguồn lực, đặc biệt lãng phí địa điểm kho bãi, hạn chế nguy cơ cháy nổ... Việc này cũng tăng nhận thức về trách nhiệm của chủ xe, không thể vì lợi ích của mình mà gây thiệt hại cho người khác.
Ý kiến ()