Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 07:59 (GMT +7)
Tiên Yên Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non
Thứ 6, 13/01/2023 | 09:31:38 [GMT +7] A A
Tiên Yên hiện có 13 trường mầm non, với đặc thù của một huyện miền núi, việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ gặp không ít khó khăn. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non rất cần sự vào cuộc của các bậc phụ huynh, sự quan tâm của ngành giáo dục và các chính sách đầu tư của chính quyền địa phương.
Trong những năm vừa qua, Tiên Yên thực hiện rất quyết liệt và có hiệu quả Đề án 25 về dồn ghép điểm trường. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại toàn huyện vẫn có 31 điểm trường lẻ của cấp học mầm non, có những điểm trường giao thông đi lại khó khăn, bị chia cắt khi vào mùa mưa lũ, phần nào làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và đời sống của giáo viên.
Tỷ lệ trẻ em người DTTS chiếm khoảng 50% số trẻ đang học tại các trường mầm non; đa số trẻ người DTTS kĩ năng còn hạn chế, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động tập thể. Một số trẻ mới ra lớp, kĩ năng nghe và nói tiếng Việt chưa tốt. Nhận thức của một bộ phận phụ huynh vùng miền núi còn hạn chế, còn trông chờ nhiều vào các chính sách của Đảng, Nhà nước, nên công tác huy động trẻ ra lớp ở một số thôn, bản gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục và giải quyết các vướng mắc trên, ngành giáo dục huyện Tiên Yên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non.
Ngành giáo dục huyện Tiên Yên đã phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện các nội dung phối hợp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ; chỉ đạo các trường mầm non xây dựng quy chế phối hợp với trạm y tế xã để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Năm học 2022-2023, 100% trường mầm non đều có nhân viên y tế.
Các trường trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt công tác xây dựng thực đơn, tính khẩu phần ăn; quan tâm lựa chọn thực phẩm có sẵn tại địa phương, thực phẩm theo mùa. Các trường còn tổ chức thêm bữa ăn sáng cho trẻ, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng đối với trẻ.
Phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được đẩy mạnh trong các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS. Xây dựng môi trường tiếng Việt phong phú trong và ngoài lớp học, đặc biệt quan tâm góc sách, truyện. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh dạy tiếng Việt cho trẻ ở nhà, giúp trẻ người DTTS kế thừa tiếng mẹ đẻ trong việc học ngôn ngữ tiếng Việt.
Để công tác giáo dục trẻ hiệu quả hơn, các trường học đã động viên khuyến khích giáo viên học tiếng dân tộc của trẻ, để giáo viên có thể nghe hiểu trẻ, tạo sự thân thiện, gần gũi, giúp trẻ có thể yên tâm khi đến lớp, nhanh chóng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới, đồng thời dạy tiếng Việt cho trẻ.
Cơ sở vật chất cũng luôn được huyện Tiên Yên và ngành giáo dục quan tâm, đầu tư. Từ năm học 2018-2019 đến nay, ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện xây mới 44 phòng học; cải tạo, sửa chữa hạng mục sân chơi tại 7 điểm trường; bổ sung 45 bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho 12 trường mầm non.
Đến nay, 100% trẻ học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường; 100% trường học bổ sung sữa trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ; 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần; các bếp ăn đảm bảo điều kiện về VSATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường.
Trẻ mầm non trên địa bàn huyện được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, được cân đo theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng về chiều cao, cân nặng; 100% các trường mầm non thực hiện Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành. Các trường thực hiện tốt công tác xây dựng trường mầm non xanh - sạch - đẹp - an toàn theo các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được trang cấp.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()