Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 04:03 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng dân số: Trách nhiệm và hành động tại tỉnh Quảng Ninh
Thứ 2, 30/12/2024 | 13:45:30 [GMT +7] A A
Với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 nhấn mạnh vai trò của việc cải thiện chất lượng dân số trong công cuộc xây dựng quốc gia. Tại tỉnh Quảng Ninh, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được đẩy mạnh nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em và đồng bào DTTS.
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tính đến tháng 11/2024, dân số toàn tỉnh đạt 1.429.841 người. Số trẻ được sinh ra trong năm là 14.647 người. Số lượng người cao tuổi trong tỉnh chiếm trên 15,7%, với 225.452 người.
Công tác DS-KHHGĐ năm 2024 được các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và tổ chức hội liên quan triển khai đa dạng các hoạt động, với nhiều giải pháp và hình thức sáng tạo trong cộng đồng như: Triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi về dân số, nhấn mạnh các chính sách và pháp luật liên quan; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Các mô hình nâng cao chất lượng dân số như “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Trong năm, 76,13% phụ nữ mang thai và 73,94% trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 4 loại bệnh. Đây là bước tiến lớn trong việc phát hiện sớm và can thiệp các bệnh bẩm sinh; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 95,89%. Các câu lạc bộ liên thế hệ đã tích cực triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi; 79 xã miền núi và DTTS duy trì câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, góp phần giảm thiểu các trường hợp kết hôn và sinh con trước tuổi quy định. Đồng thời, 171 xã, phường, thị trấn đã duy trì các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và hỗ trợ người dân tại các khu vực ven biển, đảo.
Năm 2024 là năm thứ 5 thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong hiện tại và tương lai.
Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc và trong tỉnh Quảng Ninh chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp (năm 2023 Quảng Ninh bằng cả nước, ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo).
Tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 cả nước là 112 bé trai/100 bé gái, Quảng Ninh là 113,07 bé trai/100 bé gái; năm 2024 Quảng Ninh đang trên đà tăng so với 2023, số liệu đến 30/11/2024 là 115,4 bé trai/100 bé gái).
Tốc độ già hóa dân số trong tỉnh đang ở mức độ nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng. Tỉnh Quảng Ninh tuy không có tình trạng hôn nhân cận huyết, nhưng vẫn còn tình trạng tảo hôn, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần phải được cải thiện nhiều hơn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong công tác DS-KHHGĐ năm 2024, để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc", công tác DS-KHHGĐ của tỉnh rất cần sự tham gia tích cực của mỗi người dân. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()