Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 23:43 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số
Thứ 3, 12/11/2024 | 09:37:37 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có hơn 162.500 người là dân tộc thiểu số, sinh sống khắp 13 huyện, thị, thành phố của tỉnh, chủ yếu ở miền núi, biên giới, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Nhiều năm qua, tỉnh triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dân số ở vùng này.
Trước hết, tỉnh quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Tỉnh đã phê duyệt Đề án Dân số và Phát triển tỉnh Qụảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, Đề án Nâng cao chỉ số phát triển con người tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025”; Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo…
Để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh Quảng Ninh năm 2023, tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí thực hiện 245 tỷ đồng. Chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 cũng được tỉnh và các đơn vị y tế triển khai mạnh mẽ…
Qua đó, hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh và hệ thống cấp cứu tiếp tục được củng cố, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là đối với địa bàn vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, hải đảo.
Bác sĩ Trịnh Thị Hoa, Trạm Y tế xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long cho biết: “Mặc dù xã Kỳ Thượng nằm cách xa Trung tâm thành phố, xa các bệnh viện lớn, nhưng nhiều năm qua, được sự đầu tư nhân lực, trang thiết bị, Trạm Y tế xã luôn cung cấp, thực hiện đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn. Sắp tới, Trạm được đầu tư xây mới rộng rãi, khang trang giúp cho việc chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn”.
Cùng với đó, Quảng Ninh còn chú trọng tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Ngành Y tế tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tỉnh thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025" (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; phạm vi thực hiện là 56 xã và 48 thôn/bản thuộc 11 địa phương cấp huyện là vùng DTTS&MN. 100% xã trên địa bàn tỉnh đều triển khai tư vấn dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Tại 16 xã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao thuộc 7 địa phương: Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn đều đã thành lập mô hình “chăm sóc và giáo dục trẻ thơ”. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 13.711 trẻ dưới 5 tuổi là người DTTS; trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 7,81%.
Các địa phương còn tích cực rà soát, cung cấp kịp thời thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, đạt 99,8%; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách của tỉnh về hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho đối tượng là người DTTS sinh sống ở các xã mới ra khỏi diện khó khăn đến hết 31/12/2025. Tính đến 15/6/2024 đã cấp thẻ BHYT cho 72.867 người thuộc đối tượng này với số tiền trên 38 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh hiện đạt 95,3%. Các xã miền núi, biên giới, hải đảo đã triển khai sổ khám chữa bệnh điện tử.
Cùng với chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, để nâng cao chất lượng dân số vùng DTTS trên địa bàn, tỉnh còn chú trọng công tác giáo dục ở vùng này. Năm 2023, tỉnh đã sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cho 166 hạng mục công trình, trường học, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng; trong đó đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS&MN với tổng kinh phí 48,646 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao; lộ trình đến năm 2025 dự kiến có 22 trường. Tỉnh đã khánh thành, đưa 3 trường vào sử dụng, trong đó có 2 trường ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đến nay, 100% đơn vị xã, phường đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 165 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã mở 324 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với tổng số 10.057 học viên tham gia, trong đó 3.053 người là người DTTS.
Nhờ các giải pháp trên, chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn Quảng Ninh được nâng lên; góp phần giúp tỉnh hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người tỉnh Quảng Ninh nói chung, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()