Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 12:24 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn
Thứ 6, 18/09/2015 | 05:44:14 [GMT +7] A A
Sau hơn 5 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của Chính phủ (Đề án 1956), đến nay tỉnh đã đầu tư trên 133 tỷ đồng (dạy nghề cho LĐNT gần 115 tỷ đồng, đào tạo bồi dưỡng công chức xã hơn 18 tỷ đồng) với trên 20.000 LĐNT được học nghề. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhiều mô hình hiệu quả
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình dạy nghề, sản xuất đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện cho LĐNT phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình dạy nghề, phát triển sản xuất của chị Lưu Thị Vân (phường Tân An, TX Quảng Yên). Trao đổi với chúng tôi, chị Lưu Thị Vân cho biết: Địa phương có nghề truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, trong khi nhiều chị em ở địa phương khi nông nhàn không có việc làm và thu nhập. Sau khi tham gia lớp học nghề đan lưới do Phòng LĐ-TB&XH thị xã tổ chức, chị đã mạnh dạn bỏ vốn thành lập Công ty TNHH Tân Vân, chuyên sản xuất, kinh doanh lưới đánh bắt thuỷ sản. Đến nay, Công ty đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho 20 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn phối hợp với HTX Hoà Thành (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) tổ chức đào tạo nghề đan lưới cho LĐNT trên địa bàn thị xã.
Mô hình dạy nghề đan lưới cho LĐNT tại xã Sông Khoai (TX Quảng Yên). |
Ông Đoàn Quang Ngọc (khu Tân Lập, phường Phương Đông, TP Uông Bí), sau khi tham gia lớp dạy nghề do Phòng LĐ-TB&XH thành phố tổ chức, cùng tìm hiểu thêm tài liệu, ông đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn rừng, hươu, ba ba, trồng thanh long ruột đỏ. Mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ phát triển kinh tế trang trại.
Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, phòng LĐ-TB&XH, trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố, thị xã đã mở được nhiều lớp dạy nghề cho LĐNT ở các lĩnh vực: Nấu ăn, may mặc, trồng trọt, chăn nuôi... Có hàng nghìn LĐNT sau khi được học nghề đã biết áp dụng tiến bộ KHKT, đầu tư mở quán ăn, nhà hàng, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản... vươn lên xoá nghèo, làm giàu; rất nhiều LĐNT được tạo và tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 5 đến 30 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vũ Xuân Hoài, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Kết quả đạt được này trước hết là do làm tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời định hướng cho LĐNT lựa chọn nghề học phù hợp với bản thân, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là các chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh.
Nâng cao chất lượng dạy và học nghề
Cùng với đó, nhằm đa dạng hoá các nghề đào tạo cho LĐNT, trong 5 năm qua tỉnh đã hỗ trợ đầu tư 64 tỷ đồng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 15 cơ sở dạy nghề công lập (ngân sách T.Ư 54 tỷ đồng, địa phương 10 tỷ đồng); trong đó đã hoàn thành đầu tư thiết bị dạy nghề theo Đề án cho Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, 11 trung tâm HN&GDTX các địa phương (3 cơ sở còn lại là trung tâm dạy nghề Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn đang dần hoàn thiện).
Tỉnh còn luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên dạy nghề và những người dạy nghề. Thực hiện Đề án, đến nay có 558 giáo viên và người dạy nghề đăng ký dạy nghề cho LĐNT tại các cơ sở dạy nghề; trong đó có 437 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Nhờ vậy, chất lượng giáo viên, người dạy nghề được nâng cao, 100% giáo viên, người dạy nghề đủ điều kiện tham gia giảng dạy các lớp dạy nghề cho LĐNT. Các cơ sở dạy nghề thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo chương trình đào tạo phù hợp với trình độ, nhận thức của LĐNT, thực tế địa phương, người lao động khi hoàn thành khoá học có kỹ năng thực hành, tạo việc làm; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, HTX trong việc đào tạo, tạo việc làm cho học viên...
Với những kết quả đạt được trong công tác dạy nghề cho LĐNT đã góp phần giải quyết được nhu cầu học nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn LĐNT, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Phạm Hoạch
Liên kết website
Ý kiến ()