Tất cả chuyên mục

Sáng 18/2, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025”. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá tại Hội nghị, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu Đề án đều thực hiện đạt và vượt mức đặt ra. Các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện các chương trình ngoại ngữ theo đúng các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GDĐT. Trong đó, hầu hết các cơ sở giáo dục đều chọn Ngoại ngữ 1 là tiếng Anh; ngoài ra có 14 cơ sở giáo dục dạy Ngoại ngữ 1 là Tiếng Trung Quốc (gồm 8 trường THCS trên địa bàn thành phố Móng Cái và 6 trường THPT trên địa bàn tỉnh); 2 cơ sở giáo dục dạy Ngoại ngữ 1 là Tiếng Pháp (Trường Tiểu học Hữu Nghị, TP Hạ Long và Trường THPT Hòn Gai). Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục thực hiện dạy và học Ngoại ngữ 1 - Tiếng Anh theo đúng lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các môn Ngoại ngữ 1 khác tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 do sách giáo khoa chưa được biên soạn và phê duyệt.
Về việc dạy và học ngoại ngữ 2, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai dạy và học môn ngoại ngữ 2 Tiếng Trung Quốc ở Trường TH-THCS Bãi Cháy 2, Trường Liên cấp quốc tế Việt Nam – Singapore (Hạ Long); triển khai dạy và học môn ngoại ngữ 2 Tiếng Pháp ở Trường THCS Mạo Khê 2 và Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Đông Triều).
Giai đoạn 2023-2025, từ nguồn kinh phí của tỉnh đã tập huấn, bồi dưỡng cho trên 2.700 lượt giáo viên ngoại ngữ. Đa số giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong dạy và học ngoại ngữ, tạo động lực học tập cho học sinh.
Kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia các môn ngoại ngữ tăng về số lượng và chất lượng giải. Từ năm 2021-2025, tỷ lệ học sinh đoạt giải Quốc gia trên tổng số học sinh dự thi môn Tiếng Anh tăng từ 37,5% lên 90%; môn Tiếng Pháp tăng từ 12,5% lên 60%; môn Tiếng Trung Quốc tăng từ 66,7% lên 100%.
Chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2020-2024. Cụ thể, điểm trung bình thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Tiếng Anh tăng từ 4,71 điểm lên 5,95 điểm. Điểm trung bình môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT tăng từ 4,31 điểm lên 5,75 điểm, thứ hạng điểm trung bình thi môn Tiếng Anh của Quảng Ninh từ vị trí 40 tăng lên thứ 12 trên 63 tỉnh, thành cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Trong đó, số lượng giáo viên Tiếng Anh chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu; một bộ phận giáo viên đã đạt chuẩn về bằng cấp nhưng còn hạn chế về nghiệp vụ sư phạm; chênh lệch nhiều về chất lượng môn Tiếng Anh giữa các vùng miền, giữa các trường công lập và tư thục; cơ sở vật chất đáp ứng cho dạy ngoại ngữ trang bị chưa kịp thời…
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, trường học đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GDPT như mở trường chuyên ngữ; đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ để học sinh có thể học môn tự chọn ngoại ngữ trong nhà trường theo đăng ký; đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ cho học sinh, có danh sách trường học nước ngoài được phép kết nối tạo cơ hội cho học sinh thực hành ngoại ngữ theo mô hình “trường học không biên giới”; phổ rộng phần mềm dạy học trong toàn ngành, cải thiện kỹ năng nghe nói ngoại ngữ; khuyến khích học sinh thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá…
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GDPT tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025”.
Năm 2025, chọn mỗi cấp học ở mỗi địa phương cấp huyện, cả khu vực tư thục và công lập 1 trường làm điểm về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; là hạt nhân lan tỏa, đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học; đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ cho học sinh, đặc biệt là tổ chức các cuộc thi tạo thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh; phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dạy, người học và toàn xã hội về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong phát triển nguồn nhân lực.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT tham mưu đề xuất, rà soát cơ chế chính sách hỗ trợ chương trình dạy và học ngoại ngữ, đào tạo ngoại ngữ phổ cập cho khối học sinh phổ thông và học viên khu vực giáo dục thường xuyên; chú trọng bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước, phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực sư phạm, phương pháp giảng dạy cho giáo viên ngoại ngữ các cấp.
Trường Đại học Hạ Long mở khoa Sư phạm Ngoại ngữ; xây dựng mô hình thương hiệu nổi bật về học ngoại ngữ cho Trường TH, THCS và THPT Thực hành Sư phạm.
UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 149/KH-UBND nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong chất lượng dạy và học ngoại ngữ; thu hẹp khoảng cách về chất lượng dạy học ngoại ngữ giữa các trường vùng thuận lợi và khó khăn, giữa các trường công lập và tư thục; nâng bậc xếp hạng chất lượng các kỳ thi quốc gia về ngoại ngữ ở hệ thống giáo dục phổ thông của Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ý kiến ()