Tất cả chuyên mục

Truyền thông có vai trò quan trọng giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác DS-KHHGĐ. Vì vậy, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân số có trình độ, năng lực là yêu cầu cấp thiết, giúp họ có những đóng góp hiệu quả vào công tác dân số trên địa bàn tỉnh.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông dân số theo từng nhóm đối tượng, ưu tiên những vùng có mức sinh cao, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên. Vì thế, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về dân số nhằm đánh giá thực trạng và định hướng công tác dân số hiện nay; giới thiệu hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số; các phương tiện tránh thai hiện đại, thực hành, kỹ năng truyền thông dân số tại cơ sở... Qua đó, đã giúp đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cập nhật kịp thời chế độ, chính sách mới liên quan đến công tác dân số và nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ.
Chị Lê Thị Hải Luyến, cán bộ dân số phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) cho biết: Chúng tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về công tác DS-KHHGĐ từ cấp tỉnh đến cơ sở tổ chức, từ đó có những phương thức truyền thông hiệu quả để người dân hiểu, nắm rõ các pháp lệnh về dân số. Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao năng lực chuyên môn là việc hết sức thiết thực, quan trọng, giúp những cán bộ dân số hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhằm nâng cao và chuẩn hóa chất lượng của đội ngũ làm công tác dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thường xuyên mở những lớp đào tạo ngắn hạn, tạo điều kiện cho cán bộ, cộng tác viên dân số tham gia học tập. Năm 2024, đã có hơn 10 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, trong đó có lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi, khu vực biên giới được tổ chức tại Thanh Hóa. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác dân số còn được tham gia các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo góp ý, hướng dẫn chuyên môn tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, tham gia lớp tập huấn về thi đua khen thưởng…
Ở các địa phương, nhất là những địa phương miền núi, vùng DTTS, đội ngũ cộng tác viên dân số đã được trang bị đầy đủ kiến thức về y tế, dân số. Hằng năm, đội ngũ cộng tác viên dân số đều được tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về DS-KHHGĐ bởi nếu không có kỹ năng tuyên truyền hiệu quả, công tác dân số ở những địa bàn này sẽ gặp khá nhiều khó khăn.
Chị Vũ Thị Hoa, cộng tác viên dân số xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) chia sẻ: Trên địa bàn xã phần lớn là đồng bào dân tộc Dao đang sinh sống, có những thôn cách xa trung tâm xã hơn 10km. Do đặc thù địa hình, dân cư phân bố rải rác, cộng thêm thói quen ít giao tiếp, nên việc phổ biến, tuyên truyền về các chính sách dân số đối với người dân ở đây còn gặp nhiều hạn chế. Vì thế, chúng tôi phải thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu” để người dân ở đây nắm rõ về các biện pháp tránh thai an toàn, hướng dẫn người dân biết cách chăm sóc SKSS... Nếu không biết cách thuyết phục, tạo niềm tin cho họ, thì họ khó lòng mà làm theo. Mặc dù vậy, đối với những người làm dân số như tôi đều không dễ dàng, nhưng hầu hết ai cũng có sự say mê, trách nhiệm đối với công việc mình đang làm.
Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, các cán bộ, cộng tác viên dân số là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dân số. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, truyền thông cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp.
Ý kiến ()